Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến khu Ngọc Thanh

Ngày 25/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Di tích chiến khu Ngọc Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc – Bảo tồn và phát huy giá trị”.
Toàn cảnh hội thảo
Từ năm 1946-1954, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngọc Thanh được Trung ương Đảng chọn làm chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc. Đóng ở chiến khu là các cơ quan đầu não của Trung ương và địa phương như: Kho bạc Nhà nước, Trạm quân y dược, Xưởng quân khí, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh, huyện và một số xã, cùng một số đơn vị bộ đội chủ lực của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và bộ đội địa phương luyện tập, đóng quân. Đó là những lực lượng chính trong chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950 – 1951, góp phần đánh bại nhiều trận càn của giặc Pháp, bảo vệ vững chắc trạm tiền tiêu của chiến khu Việt Bắc; cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến. Không chỉ là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, Ngọc Thanh còn có tiềm năng về du lịch và sự kết tụ bản sắc, giao thoa, lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Sán Dìu… Người Vĩnh Phúc luôn tự hào về một Ngọc Thanh – vùng đất tích hợp những giá trị lịch sử – thiên nhiên – văn hóa và du lịch.
Đồng chí Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Người Vĩnh Phúc có quyền tự hào về một Ngọc Thanh – vùng đất tích hợp được những giá trị lịch sử – thiên nhiên – văn hóa và du lịch. Tỉnh mong muốn và tin tưởng rằng, những nghiên cứu, đóng góp của các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn cụ thể, đa chiều hơn về các giá trị di sản văn hóa, về tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm du lịch… để từ đó có những hướng đi và chính sách phù hợp trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững  ở Ngọc Thanh.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chiến khu Ngọc Thanh là cơ sở cách mạng có vị trí quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, có vị trí chiến lược trong xây dựng phòng thủ khu vực và quốc phòng toàn dân hiện nay. Tuy nhiên, trải qua thời gian với tác động thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội, diện mạo di tích chiến khu Ngọc Thanh thay đổi nhiều.
Những dấu tích của các di tích thành phần hầu như không còn, trừ nhà bà Lý Thị Hai – nơi đặt Trạm Quân y dược còn giữ lại được giếng nước mà gia đình, cán bộ Trạm và bộ đội sử dụng trong thời gian đóng quân tại đây. Đất đai tại các điểm di tích đã được nhân dân sử dụng trồng rừng, trồng chè, hoa màu, cây ăn quả hoặc vào các mục đích khác.
Các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Chiến khu hầu như cũng không được thu thập, lưu giữ bảo quản. Việc tuyên truyền về chiến khu Ngọc Thanh chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy nhiều người, ngay cả người dân ở chính địa phương này cũng không biết nhiều về Ngọc Thanh.
Các nhà nghiên cứu, khoa học cũng đưa ra nhiều giải pháp, sự cần thiết xây dựng quy hoạch bảo tồn giá trị di tích cách mạng Ngọc Thanh; các biện pháp phát huy tổng thể các giá trị di sản ở Ngọc Thanh từ di tích đến di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể; việc phát triển hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Ngọc Thanh. Trong đó, có công tác bảo vệ và phát huy giá trị phong tục tập quán, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn, trí thức dân gian của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất về xếp hạng di tích, xây dựng trung tâm trưng bày diễn giải thông tin, lộ trình
 PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổng kết hội thảo
Tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nhấn mạnh: Từ khi Di tích Ngọc Thanh được xếp hạng Di tích lịch sử – cách mạng quốc gia đến nay đã được 26 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học  đồng thời đã có cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tu bổ hệ thống di tích xếp hạng trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, những việc làm được đối với Di tích còn khá khiêm tốn, chưa có sức sống và phát huy trong thực tiễn. Do đó, Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu về các sự kiện lịch sử liên quan đến Di tích Ngọc Thanh; Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan sớm tổ chức Hội thảo khoa học Chiến khu Ngọc Thanh với quy mô lớn hơn, rộng hơn, đi vào chiều sâu hơn; Đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật, ghi hồi ký, lời kể của các nhân chứng liên quan đến các sự kiện lịch sử gắn với Khu Di tích Ngọc Thanh; Cần xúc tiến càng sớm càng tốt việc khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc cho các địa điểm di tích, tùy theo từng địa điểm di tích cụ thể để tránh việc tiếp tục làm biến dạng di tích; Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, biển thông tin tại các điểm di tích…
Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *