Ngày 5.4 (tức ngày 5.3 âm lịch), có mặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hàng nghìn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành đã đổ về Đền Hùng dâng hương.
Khu vực phía ngoài, tại các tuyến đường, lực lượng CSGT có mặt để phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách. Bên trong, tại các điểm soát vé các lực lượng chức năng yêu cầu người dân, khách thăm quan tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích Đền Hùng cho biết:“Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Theo ông Giang, công tác chuẩn bị cho các hoạt động trong dịp này đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Năm nay, lượng du khách về Đền Hùng có tăng trở lại nhưng dự kiến sẽ không đông như trước khi có dịch.
“Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, để tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, phần hội sẽ chỉ có một số hoạt động văn hóa dân gian truyền thống” – ông Giang chia sẻ thêm.
Liên quan đến việc đảm bảo trật tự ATGT phục vụ người dân và du khách thập phương về lễ Quốc Tổ, Thiếu tá Lê Xuân Tú, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT (Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết: ”Từ ngày 1.4 (tức ngày 1.3 Âm lịch), lực lượng CSGT đã có mặt trực tại các tuyến đường để phân luồng, hướng dẫn giao thông. Từ 8-10.4 (tức 8-10.3 Âm lịch) sẽ huy động 100% quân số để đảm bảo trật tự ATGT cho Lễ hội.
“Cùng với đó, phòng đã phối hợp với Cục CSGT và các tỉnh lân cận để phân luồng tại các tuyến cao tốc, quốc lộ; có các phương án dự phòng, phương án giải quyết các tình huống cụ thể” – Thiếu tá Tú nói.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết: ”Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 gồm các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”.
Theo ông Thuỷ, ngoài những nghi thức tín ngưỡng còn có các hoạt động phục vụ bà con nhân dân như: Hát xoan, đánh trống đồng, đâm đuống, nấu bánh chưng bánh dày, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao.
Theo đó, chương trình đánh trống đồng, đâm đuống tại khu vực nhà Công Quán, chương trình múa rối nước tại Nhà múa rối, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trình diễn Hát Xoan làng cổ tại một số địa điểm của thành phố Việt Trì được tổ chức từ ngày 6.3 âm lịch (tức ngày 6.2).
Lễ hội truyền thống đình Hùng Lô và Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia và Bằng công nhận Khu du lịch cấp tỉnh tại Đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì vào ngày 8.3 âm lịch (tức ngày 8.4).
Các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ gồm giải Bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì, hương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì được tổ chức vào ngày 9.3 âm lịch (tức ngày 9.4).