ĐÂU LÀ ĐIỂM NHẤN CỦA DU LỊCH?

Du lịch là ngành “công nghiệp không khói” – đầu tư ít nhưng hưởng lợi lâu dài! Đấy là một sự thật mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành du lịch phát triển.

Ở nước ta, nhiều tỉnh, thành cũng đã phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, tạo được các điểm nhấn, thu hút du khách thập phương. Vĩnh Phúc cũng quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, tập trung theo 3 hướng chính là: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh; mở rộng các lĩnh vực du lịch – dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm. Vấn đề ở chỗ là phải tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng để có thể phát triển du lịch bền vững.

Nói về tiềm năng du lịch, ai cũng biết Vĩnh Phúc rất giàu! Mỗi một vùng quê đều có đặc điểm, thế mạnh riêng. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, Vĩnh Phúc có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh. Người Hà Nội và các đô thị lân cận thường chọn Vĩnh Phúc là nơi để nghỉ dưỡng, chơi golf hay dã ngoại vào mỗi dịp cuối tuần. Hằng năm, Vĩnh Phúc đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Tam Đảo Vĩnh Phúc 

Bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư xã hội hóa, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch Vĩnh Phúc đã được tăng cường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm du lịch ở Vĩnh Phúc có tính cạnh tranh cao như: du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái (khu du lịch Tam Đảo, Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, FLC Vĩnh Thịnh); du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao (golf, xe đạp, leo núi… tại vườn quốc gia Tam Đảo); du lịch văn hóa, tâm linh, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa (khu di tích danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên),…

Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, năm 2017, Vĩnh Phúc đón hơn 4,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 31.000 lượt khách quốc tế, tăng 13,46% và 4,17 triệu lượt khách nội địa, tăng 9,79% so với cùng kỳ năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, Vĩnh Phúc ước đón 2,55 triệu lượt khách tham quan, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế 17 nghìn lượt người. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.

Nhìn vào con số thống kê, chúng ta thấy, số lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng gấp đôi gấp ba dân số 1,2 triệu người của tỉnh. Đây là kết quả của nhiều năm đầu tư xây dựng. Và ai cũng hy vọng, du khách sẽ đến với Vĩnh Phúc ngày càng nhiều hơn!

Nhìn sang các tỉnh bạn như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh… ta thấy, tận dụng mọi lợi thế và tiềm năng, họ đầu tư rất bài bản cho ngành du lịch không khói. Tại Vĩnh Phúc, tỉnh cũng đã dành nhiều nguồn vốn và tạo cơ chế thông thoáng đầu tư, nâng cấp các điểm, khu du lịch hiện có. Kết cấu hạ tầng nhiều khu du lịch lớn như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải ngày càng hiện đại, hệ thống giao thông đến các khu điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ tạo ra sự kết nối các tuyến, tour du lịch…

Thế nhưng, công tác quảng bá thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc vẫn thiếu nhất quán và chuyên nghiệp. Các điểm du lịch dường như vẫn “đợi chờ” du khách chứ chưa chủ động “thu hút” khách hàng. Các sản phẩm du lịch đơn điệu, kém hấp dẫn, chưa có những “sản vật đặc trưng” để du khách có thể đem về làm kỷ niệm. Đặc biệt là thiếu hẳn đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để có thể giới thiệu về quê hương Vĩnh Phúc. Đó là chưa nói đến nạn chặt chém du khách vẫn còn rơi rớt làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nếp sống văn hóa của người Vĩnh Phúc; những vùng quê từng có nhiều đặc sản nổi tiếng nay đều không còn được duy trì; các điểm đến du lịch hiện nay du khách vẫn chỉ dừng lại ở “thay đổi không khí” chứ chưa đạt chuẩn theo nhu cầu các loại hình du lịch.

Đầu tư cơ sở vật chất, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Vĩnh Phúc – là điều tất nhiên phải làm và Vĩnh Phúc cũng đã có quy hoạch chiến lược phát triển du lịch bền vững. Nhưng, nếu không chú trọng công tác đào tạo nhân lực – những con người – chuyên nghiệp “thực thi công vụ” một cách bài bản thì khó tạo được “nhiều điểm nhấn” về du lịch.     

                                                                                       Quang Minh

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *