Vĩnh Phúc là một trong những Tỉnh có phong trào thể dục – thể thao (TDTT) phát triển ở khu vực Đồng bằng sông hồng, TDTT Vĩnh Phúc trong năm qua đã có thành tích đáng ghi nhận, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội tỉnh nhà.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành phong trào TDTT đã phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, thu hút đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân trên địa bàn tham gia. Các phong trào “Toàn dân rèn luyện theo gương bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày chạy Olympic năm 2018”… thu hút hàng nghìn người tham gia đã khẳng định sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc rèn luyện sức khỏe.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân toàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT trong thời kỳ mới, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất cho hoạt động TDTT, cơ sở vật chất, công trình phục vụ cho việc luyện tập, thi đấu thể thao được quan tâm đầu tư. Hiện nay các huyện, thành phố đều có sân vận động, các xã, phường có nhà văn hóa cùng các công trình phục vụ các hoạt động thể thao phong trào như: thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền… thu hút khoảng 32,5% dân số tham gia luyện tập thường xuyên; tỷ lệ gia đình thể thao đạt khoảng 25,8%; Hiện toàn tỉnh có 650 câu lạc bộ TDTT, ngoài việc tham gia các chương trình thi đấu do huyện, thành phố và tỉnh tổ chức, các CLB, đội TDTT thường xuyên tổ chức các giải đấu giao hữu, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tạo không khí sôi nổi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT tại các địa phương phát triển. Đối với hoạt động TDTT học đường, UBND tỉnh đều quan tâm đầu tư, tích cực tổ chức cho học sinh tập luyện, tham gia dự thi hội thao các cấp và đạt kết quả cao: 105/137 số trường phổ thông có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa đạt chất lượng 80%.
Song song với thể thao quần chúng là sự quan tâm, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao của Tỉnh. Thầy trò của Trung tâm Huấn luyện TDTT đã nỗ lực tập luyện, quyết tâm thi đấu mang nhiều vinh quang về cho tỉnh nhà tại các giải thi đấu khu vực, quốc gia và quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là: Đua thuyền (01 HCV giải Cúp thế giới, 06 HCV giải vô địch Cúp CLB); Vật (06 HCV giải vô địch Vật dân tộc Toàn Quốc)… Ngoài ra, điểm nổi bật khác của thể thao tỉnh là công tác tổ chức thành công các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và hội thao khu vực, cụ thể như: Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc (tháng 3); Giải vô địch Wushu trẻ toàn quốc (tháng 6), đặc biệt tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V năm 2018 đã tạo được ấn tượng về quy mô tổ chức và chất lượng chuyên môn, được Bộ VH-TT&DL cùng các tỉnh, thành đánh giá cao. Ông Mầu Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu tỉnh khẳng định: “Ngành TDTT Vĩnh Phúc đã sớm xác định những môn thế mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, đồng thời gắn với chiến lược thể thao thành tích cao quốc gia như: Đua thuyền, Wushu, Vật, Bắn súng…và tham mưu UBND tỉnh có chính sách ưu tiên cụ thể thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho từng môn được thực hiện bài bản, khoa học và theo đúng lộ trình từ cấp cơ sở. Nhờ đó, thể thao thành tích cao của Vĩnh Phúc trong năm qua từng bước được cải thiện, đóng góp nhiều vận động viên (VĐV) cho đội tuyển quốc gia, góp phần lập thành tích, mang vinh quang về cho Tổ quốc, nâng cao vị thế tỉnh nhà”
Tuy nhiên năm 2018, ngành thể thao tỉnh vẫn còn gặp phải một số hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển và thành tích chung.
Thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều; điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Thể thao thành tích cao do thiếu kinh phí nên công tác huấn luyện, đào tạo VĐV ở các bộ môn còn hạn chế, chế độ đãi ngộ đặc biệt cho huấn luyện viên, VĐV ưu tú chưa có, dẫn đến tình trạng “chảy máu tài năng”. Hiện khu liên hợp thể thao tỉnh còn chưa hoàn thiện trong khi đó nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh đã xuống cấp; trang thiết bị hiện đại bổ trợ cho hoạt động tập luyện thi đấu còn ít các VĐV thiếu chỗ tập luyện và nghỉ ngơi nên ảnh hưởng đến giành thành tích tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc và các giải vô địch quốc gia.
Để khắc phục những khó khăn và đưa thể thao Vĩnh Phúc có những bước tiến vững chắc, gặt hái được nhiều thành công cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành về công tác TDTT. Nâng cao chất lượng hoạt động thể thao quần chúng bằng việc tổ chức các hoạt động tập luyện đa dạng phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, giới tính và phát triển bền vững. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa lợi ích tập luyện TDTT đến các vùng sâu, vùng xa, đầu tư sân bãi và trang thiết bị để người dân có thể thường xuyên rèn luyện, nâng cao sức khỏe góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc người dân.
Thể thao thành tích cao cần đổi mới cơ chế tổ chức tuyển chọn, đào tạo VĐV theo hướng hiệu quả, khoa học và chuyên nghiệp. Nên có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giữ chân những VĐV tài năng và đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại phục vụ tập luyện, thi đấu. Bên cạnh đó UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên kêu gọi các nhà đầu tư đúng tầm để đưa thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Những kết quả nổi bật trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – văn hóa và xã hội của tỉnh năm 2018. Chúng ta cũng hy vọng rằng, đó sẽ là nền tảng vững chắc để TDTT Vĩnh Phúc đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.
KIM DUNG