XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN VĨNH PHÚC

Ngành du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Vĩnh Phúc, góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm và doanh thu cho địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những nhà quản lý và các doanh nghiệp làm du lịch cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến rõ ràng và mang tính dài hạn nhằm tạo nên sức bật cho ngành công nghiệp không khói quan trọng này.
Thương hiệu điểm đến du lịch là tổng hợp những cảm nhận và nhận thức của du khách về điểm đến, từ những hình ảnh, sự kiện, trải nghiệm cụ thể tùy vào điều kiện, kiến thức, kinh nghiệm, đặc điểm cá nhân của du khách. Thương hiệu điểm đến du lịch phản ánh năng lực của điểm đến trong các hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch, tạo nên mức độ uy tín của điểm đến du lịch, đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Xây dựng một thương hiệu cho điểm đến được xem như một đòn bẩy quan trọng trong khai thác tiềm năng du lịch địa phương. Thương hiệu điểm đến giúp nhận ra những đặc điểm nổi bật của sản phẩm du lịch; là một quá trình quản lý gắn kết chặt chẽ với hệ thống đánh giá và cảm nhận của khách hàng, đồng thời là một phương tiện định hướng hành vi của các nhà kinh doanh du lịch, tiếp thị điểm đến như một sản phẩm du lịch thống nhất.
Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng đã có nhiều cố gắng trong những năm qua, song thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc chưa thực sự rõ nét nếu như không muốn nói là không có thương hiệu riêng. Về mặt chủ trương cũng như các hoạt động cụ thể của địa phương chưa coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, sức cạnh tranh của điểm đến du lịch Vĩnh Phúc

Lễ hội Tây Thiên

Với những đặc điểm vốn có của mình, Vĩnh Phúc đang được thừa hưởng những tiềm năng du lịch tự nhiên, nhân văn và điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi cho phát triển du lịch. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành có sự định hướng cho việc xây dựng thương hiệu điểm đến Vĩnh Phúc. Nhưng hầu hết còn ở góc độ tự phát, nhỏ lẻ và chưa có hướng đi đúng vì mục đích lâu dài. Trước đây điểm đến du lịch Vĩnh Phúc được du khách biết đến thông qua yếu tố truyền miệng, những thông tin được nắm bắt thông qua một số hình thức đơn giản. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc bắt đầu quan tâm xây dựng và củng cố thương hiệu, đầu tư một phần từ doanh thu cho xây dựng và quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp du lịch còn gặp khó khăn về nhân lực, tài chính, giá dịch vụ, cũng như cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp còn chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của thương hiệu trong hoạt động kinh doanh như nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường để thu hút khách du lịch. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch do thương hiệu của doanh nghiệp chưa được biết đến trên thị trường khu vực và thế giới.
Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch với chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến công tác xây dựng thương hiệu điểm đến cho du lịch Vĩnh Phúc, chủ yếu qua các hoạt động: Website, ấn phẩm du lịch, hội chợ trong nước, famtrip… và các hoạt động trên hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn kinh phí thực hiện, cán bộ thiếu kinh nghiệm thực tế… và chương trình xúc tiến du lịch được thực hiện theo mô hình đơn giản thông thường và chưa có sự định hướng nên tính hiệu quả trong xây dựng thương hiệu chưa cao và không bền vững. Tất cả các hoạt động xúc tiến chưa thực sự hướng đến mục đích chung xây dựng hình ảnh và uy tín của điểm đến theo một chiến lược dài hạn.

Trung tâm TTXTDL tham gia nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch

Vĩnh Phúc đang thiếu sự chuyên nghiệp trong công tác xây dựng thương hiệu điểm đến. Yếu tố này thể hiện ở nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là khâu phối kết hợp thiếu hiệu quả của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và liên quan đến du lịch, từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển đến siêu thị, cửa hàng lưu niệm và các điểm du lịch.
Có những sản phẩm, tiềm năng du lịch được giới thiệu như là thiên đường nghỉ ngơi, các món ăn đặc trưng địa phương… trong các ấn phẩm du lịch, sách hướng dẫn du lịch, trên trang web… Nhưng khi du khách mới đặt chân đến đã vấp phải không ít sự khó chịu như cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, môi trường bị ô nhiễm, kinh doanh chụp giật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ không đúng như quảng cáo và nhiều hạn chế khác. Kết quả là ấn tượng tốt về một hình ảnh điểm đến không còn, thậm chí còn gây nên những phản ứng đi ngược lại với mong đợi ban đầu.
Để thu hút khách du lịch, Vĩnh Phúc cần chú trọng xây dựng cho mình một thương hiệu điểm đến riêng biệt, bao gồm “hỗn hợp” của tất cả các yếu tố trong mối liên kết chặt chẽ với nhau:
– Nghiên cứu thị trường: Trên cơ sở nghiên cứu thị trường khách đến Vĩnh Phúc nhằm tìm ra phân đoạn thị trường hợp lý. Trong đó cần tập trung phân tích thị trường khách tiềm năng nội địa và quốc tế (du khách các tỉnh bạn, các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Việt Kiều…)
– Nghiên cứu điểm đến: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu điểm đến để chỉ ra được những mặt mạnh, hạn chế trong quá trình hoạt động của tất cả các điểm tham quan, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tìm ra những giải pháp và hướng đi phù hợp, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu của du khách.
– Xây dựng mới logo và slogan nhận diện du lịch Vĩnh Phúc: Trong giai đoạn tiếp theo. Cần xây dựng cho Vĩnh Phúc một hình ảnh nhận diện ấn tượng và hiệu quả, mô phỏng đầy đủ các loại hình tiềm năng, dịch vụ, giúp du khách dễ dàng liên tưởng.
– Giới thiệu, thực hiện và phát triển thương hiệu thương hiệu: Sau khi đã xây dựng được thương hiệu cần tập trung giới thiệu trên các kênh thông tin khác nhau: Tờ rơi, tập gấp, internet, trang thông tin điện tử, truyền hình, báo chí, tổ chức sự kiện…và thông qua các hãng lữ hành. Đây là bước tiếp theo và cũng là khâu quan trọng có tính quyết định đến sự thành công của cả một quá trình xây dựng thương hiệu. Giải pháp này nhằm mở rộng thị trường, chiếm lĩnh khách hàng tiềm năng, bảo vệ thương hiệu.
– Bên cạnh những giải pháp trên cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ khác như: Xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc là gì; đầu tư nâng cấp các điều kiện đón – phục vụ khách ( hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, nhân lực, giao thông…).
Có thể khẳng định xây dựng thương hiệu là một hoạt động vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch của địa phương, trong đó có các doanh nghiệp. Vĩnh Phúc cần tập trung cho mục tiêu xây dựng một thương hiệu du lịch riêng biệt, tạo đà cho những chương trình phát triển du lịch địa phương.
Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức của các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và toàn dân về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch; coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành du lịch mà của toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác marketing nội bộ, theo đó tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành đến cách doanh nghiệp, cộng đồng, người dân với tư cách là chủ thể của điểm đến du lịch Vĩnh Phúc phải hiểu rõ và thống nhất về giá trị thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc để cùng góp phần xây dựng, củng cố và truyền tải các giá trị của thương hiệu.
Hoàn thiện các quy hoạch vùng, khu, điểm du lịch địa phương nhằm định hướng tổng thể cho hệ thống sản phẩm và thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch nổi trội tại các địa phương, vùng du lịch trọng điểm. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch tỉnh trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch từng khu điểm du lịch, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và thương hiệu sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển những thương hiệu du lịch có vị thế cạnh tranh cao trong nước và trong khu vực.
Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy thương hiệu của các doanh nghiệp gắn với các sản phẩm du lịch cụ thể. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch để bảo đảm tính thống nhất./.

Nguyễn Hảo

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *