Về Vĩnh Phúc – miền sơn kỳ thủy tú

Để tăng cường thu hút khách du lịch tới Vĩnh Phúc, thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, hiện nay, Vĩnh Phúc đang tập trung truyền thông, quảng bá tới du khách những trải nghiệm, sản phẩm du lịch bốn mùa.

 

Vĩnh Phúc hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững

“Vùng đất vàng” cho phát triển du lịch

Nằm giáp ranh với thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có hệ thống giao thông rất thuận tiện: gần cảng hàng không quốc tế Nội Bài (một trong 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước), gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh (cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch). Vĩnh Phúc còn có nút giao lên xuống với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dễ dàng kết nối tuyến du lịch với các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai.… Đây là những tuyến giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển khách du lịch. Những lợi thế đó giúp Vĩnh Phúc dễ dàng thu hút khách nội địa và quốc tế.

Đây cũng được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch, nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa – văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng. Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng cảnh quan: miền núi, trung du, đồng bằng. Địa hình như vậy tạo cho Vĩnh Phúc một miền sinh thái rất phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn.

Dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh, nơi có Khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng với khí hậu và cảnh quan lý tưởng được ví như Đà Lạt của miền Bắc, Vườn Quốc gia Tam Đảo – điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn. Dòng sông Lô ôm vòng về phía Tây của tỉnh, biếc xanh huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng, nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi: Đầm Vạc, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng,… Sáng Sơn, Thanh Lanh, Ngọc Bội, Thằn Lằn tạo nên cảnh trí non nước hữu tình. Thiên nhiên như thể đã tạo cho riêng Vĩnh Phúc một chỉnh thể “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú”.

Nằm ở trung tâm nhà nước Văn Lang xưa, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và là một chỉnh thể địa văn hóa đặc sắc. Vĩnh Phúc nổi tiếng với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gần đây là những trải nghiệm mới, khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân Vĩnh Phúc.

 

Trên địa bàn tỉnh có tổng số  hơn 1.400 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 521 di tích được xếp hạng các cấp, là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá để phát triển du lịch

Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: “Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số  hơn 1.400 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 521 di tích được xếp hạng các cấp: 6 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang và 3 di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh); 62 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 453 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây là những tài nguyên quý để Vĩnh Phúc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo”

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa đặc sắc đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, lễ hội kéo Song Hương Canh, lễ hội Rước nước đền ngự dội; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo: hát Trống quân đức bác, hát Soọng cô.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề truyền thống với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như: Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)… ; các trò chơi dân gian cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương như cá thính, su su, bánh hòn, cháo se… tạo sức hút rất lớn đối với du khách khi đến Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, ngày 25.1.2022, Vĩnh Phúc vinh dự được Bộ VHTTDL công nhận Tam Đảo là Khu Du lịch Quốc gia. Cũng trong năm 2022, Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới đã vinh danh Thị trấn Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”. Đây là lần đầu tiên thị trấn Tam Đảo được để cử và chính thức nhận giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới – một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch. Giải thưởng này cùng với việc Bộ VHTTDL đã có Quyết định công nhận Tam Đảo là Khu du lịch quốc gia sẽ là động lực để chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục phát huy những giá trị, vẻ đẹp vốn có đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

 

Thị trấn Tam Đảo được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới vinh danh là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Hiện nay, phát huy những lợi thế sẵn có, song song với phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, lễ hội. Vĩnh Phúc đầu tư mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và du lịch thể thao golf nhằm hướng tới du khách có mức thu nhập và chi tiêu cao. Trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, Du lịch golf đã có bước đột phá, mang về nguồn thu lớn cho ngành Du lịch Vĩnh Phúc góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được các tạp chí du lịch uy tín quốc tế đánh giá cao và được nhiều du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình như: Flamingo Đại Lải resort, FLC Vĩnh Phúc resort, West Lake Hotel, DIC Star Hotel, Sông Hồng Thủ đô resort, Venus Tam Đảo Hotel…

Để tăng ngày lưu trú của khách du lịch và thu hút dòng khách có chi tiêu cao, Vĩnh Phúc tập trung khai thác loại hình du lịch golf, du lịch MICE. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 sân golf lớn đó là: sân golf Tam Đảo, sân golf Flamingo Đại Lải, sân golf  Ngôi Sao Đại Lải, sân golf  Đầm Vạc. Với lợi thế gần Hà Nội, nhiều khách chuyên gia ở các khu công nghiệp, các sân golf ở Vĩnh Phúc với thiết kế hạng sang chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn 5 sao giữa vùng phong cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng, không gian yên tĩnh có lượng khách rất ổn định, nhiều dư địa phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 561 cơ sở lưu trú du lịch với 9.945 buồng và 3.310 cán bộ công nhân viên phục vụ trực tiếp trong ngành Du lịch. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 45 khách sạn 2 sao; 16 khách sạn 1 sao. Vĩnh Phúc cũng đang có 16 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện ngành Du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhất là các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… liên tục được đầu tư, nâng cấp.

 

Vĩnh Phúc tập trung phát triển và khai thác các sản phẩm du lịch golf, du lịch MICE để thu hút dòng khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày

Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị uy tín được lựa chọn để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên…

Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành Du lịch. Song song với việc chủ động dành quỹ đất cho các dự án, tỉnh chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập một môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành Du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách. Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến khách du lịch và danh tiếng của ngành Du lịch tỉnh.

Theo bà Đàm Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc: “Công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến cho du lịch của Vĩnh Phúc đã được chú trọng hơn trước thông qua các phương tiện truyền thông, các sự kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh; các hội chợ triển lãm du lịch. Chúng tôi cũng liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành trong vùng nói riêng. Tổ chức các đoàn famtrip dành cho các công ty lữ hành, cơ quan báo chí đến tìm hiểu sâu hơn về du lịch Vĩnh Phúc”

Từ kết quả triển khai tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, hình ảnh và sản phẩm du lịch của Vĩnh Phúc ít nhiều đã đến được với du khách trong và ngoài nước. Tính đến 9 tháng đầu năm 2023, du lịch Vĩnh Phúc ước đón: 7,7 triệu lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 83% kế hoạch năm đề ra. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 54.350 lượt; khách nội địa ước đạt 7,6 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước 9 tháng đạt: 2.970 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82,5% so với kế hoạch năm.  Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 50% đến 55%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh; đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững… Từ đó, tạo bước đột phá, sức bật từ các doanh nghiệp du lịch nhằm tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ, du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Vĩnh Phúc hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện”, ông Nguyễn Văn Khước nói.

BẢO AN: ảnh: HUY HOÀNG, T.L

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *