Vĩnh Phúc là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, quê hương của đình, chùa, lễ hội, làng nghề. Với bề dày lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đã tạo cho Vĩnh Phúc tiềm năng to lớn phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định ngành du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh và thực tiễn trong những năm qua ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhịp độ tăng trưởng khá, góp phần làm cho tỉ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng tăng và xu hướng chuyển dịch cơ cấu của tỉnh ngày càng rõ nét. Song cũng như các ngành kinh tế khác, ngành du lịch Vĩnh Phúc vẫn là một ngành chậm phát triển, chưa thực sự khai thác tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương; bởi một mặt chưa đủ điều kiện để khai thác, mặt khác quan trọng hơn là QLNN đối với ngành du lịch còn có những bất cập, chưa thực sự tạo được môi trường kinh tế, pháp luật, xã hội thuận lợi để phát triển du lịch. Sự hạn chế, kém năng động của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh là hệ quả hay là 7 sản phẩm tất yếu của quá trình QLNN về quy hoạch và thực hiện quy hoạch ngành, về quan điểm định hướng phát triển, về tư duy và cơ chế, chính sách phát triển ngành, về đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh. Từ nhiều năm trước đây, Chính phủ đã xác định Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm du lịch lớn của quốc gia, với điều kiện khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược của tỉnh và nhiều ưu đãi khác do thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng hiện nay ngành du lịch vẫn chưa thực sự phát huy được lợi thế này, thể hiện trên một số mặt chủ yếu như: Lượng du khách đến với Vĩnh Phúc chưa nhiều, số ngày lưu trú bình quân và công suất buồng phòng còn thấp, mức tiêu dùng của khách khi đến Vĩnh Phúc còn ở mức rất khiêm tốn, đóng góp của ngành du lịch cho địa phương chưa nhiều, chưa giải quyết được nhiều việc làm cho nhân dân, cơ cấu của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp. Nếu tình hình này kéo dài, ngành du lịch khó có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.Vì vậy việc Nghiên cứu công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc là một yêu cầu cấp bách và thiết thực trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức rõ việc đổi mới tư duy là vấn đề quan trọng hàng đầu, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011- 2020 ; trong đó thẳng thắn đánh giá thực trạng của ngành và đưa ra quan điểm, mục tiêu chỉ đạo. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 9 nhóm giải pháp sát thực, yêu cầu và giao các ban ngành, đầu mối chức năng triển khai thực hiện. Theo đó, các địa phương cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện đến cán bộ, đảng viên, phổ biến rộng rãi trong nhân dân; công khai các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các dự án, đề án phát triển dịch vụ, du lịch. Gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng bền vững.
Đến nhiệm kỳ 2016-2020, nhận thấy sự phát triển của khu vực dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: tỷ trọng dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, thiếu hấp dẫn; chưa có nhiều các tổ hợp dịch vụ chất lượng cao được đầu tư với quy mô lớn; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế…. Một số nguyên nhân chính là do thiếu các chính sách hấp dẫn về phát triển dịch vụ du lịch, nhất là cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng có tiềm năng lợi thế về dịch vụ du lịch; đầu tư ngân sách cho phát triển lĩnh vực này thấp; hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ du lịch chưa hiệu quả. Vì vậy, ngày 01/9/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về khuyến khích đầu tư các dự án dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2021. Cùng với đó HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 27/9/2016 về việc ban hành một số biện pháp hỗ trợ đặc thù cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện quy hoạch xây dựng các Khu đô thị du lịch, dịch vụ chất lượng cao tại các vùng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1263/KH-UBND ngày 02/3/2017, trong đó nêu cụ thể 06 nội dung và giải pháp chủ yếu về quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chính sách đặc thù về đất đai, công tác nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội và nâng cao sự nhận thức của người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Quyết định số 415/QĐ-BVHTTDL ngày 09/11/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai Chương trình hành động số 41- CTr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011, về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011- 2020 và Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ được thực hiện chặt chẽ, bước đầu tạo được thương hiệu cho tỉnh về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh tại các khu du lịch trọng điểm như Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên, Vĩnh Yên. Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý nhà ở, phát triển khu đô thị, dịch vụ du lịch… trên địa bàn tỉnh đã dần từng bước đi vào nề nếp, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chất lượng xây dựng công trình đảm bảo yêu cầu, phát huy hiệu quả sử dụng công trình, tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tích cực triển khai dưới nhiều hình thức phong phú góp phần đưa hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động liên doanh liên kết với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế nên đã thu hút được một lượng khách lớn đến Vĩnh Phúc. Năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón 1.7 triệu lượt khách, trong đó có 25 nghìn lượt khách quốc tế. Nhưng đến năm 2017, du lịch Vĩnh Phúc đã đón được 4.5 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với năm 2011, trong đó có 33.500 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2017, doanh thu du lịch đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2016 và tăng đến 92,18% so với năm 2011.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đánh giá thực trạng phát triển du lịch Vĩnh Phúc thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại đó là:
– Nhận thức về vai trò của du lịch ở một số địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chưa có các giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ du lịch dịch vụ phát triển.
– Các khu, điểm du lịch của Vĩnh Phúc phát triển chậm, thiếu những khu du lịch cao cấp, khu nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách, đặc biệt là khách quốc tế.
– Sản phẩm du lịch mờ nhạt, nghèo nàn chưa tạo được sức hấp dẫn đối với du khách, thiếu sự gắn kết du lịch với thương mại, chưa có các khu trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, những sản phẩm, dịch vụ du lịch đơn điệu và hiện đang giảm dần tính hấp dẫn, tính cạnh tranh so với các tỉnh, thành lân cận. Cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ của các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ còn hạn chế nên lượng khách lưu trú thường chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với con số khách du lịch đến với tỉnh.
– Nguồn nhân lực du lịch hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đang thiếu nhiều nhân lực hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành. Tỷ lệ lao động chuyển từ doanh nghiệp du lịch này sang doanh nghiệp du lịch khác hoặc ra khỏi ngành có xu hướng tăng.
– Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở lưu trú du lịch của Vĩnh Phúc còn nhỏ lẻ, manh mún, dịch vụ ít, chất lượng chưa cao, công suất sử dụng buồng bình quân chỉ đạt 40%/năm. Do vậy, chưa đảm bảo cho du lịch phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
– Kinh phí dành cho phát triển khu, điểm du lịch còn hạn chế nên việc hoạch định chính sách phát triển cũng như chính sách hỗ trợ nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập đó là:
– Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành chức năng trong việc quản lý đầu tư; chưa khuyến khích, động viên định hướng các thành phần kinh tế phát triển kinh tế du lịch.
– Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh chú trọng đến phát triển công nghiệp. Chưa ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
– Nhận thức về phát triển du lịch chưa có sự thống nhất trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.
– Việc phân cấp quản lý đô thị, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng cho cấp huyện còn nhiều bất cập. Mô hình tổ chức quản lý khu du lịch vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và quản lý khu du lịch theo tư duy hiện đại.
– Chính phủ vẫn chưa có các quy định cụ thể về đầu tư xây dựng Khu, điểm du lịch như đã quy định cho các Khu kinh tế, Khu, cụm công nghiệp, Khu công nghệ cao…do vậy, gây ra sự lúng túng trong công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Trước thực tế trên, với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
– Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai thực hiện Quy chế về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại đến du khách tại các khu, điểm tham quan du lịch.
– Hai là, tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính đa ngành và xã hội hoá cao, nên phát triển du lịch là việc làm với sự tham gia, phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và cộng đồng. Vì vậy, cần tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành có liên quan để kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tại các bến tàu, khu, điểm du lịch tập trung đông du khách; giải quyết tình trạng cò mồi, tranh giành khách, ép giá, đeo bám, bán hàng không niêm yết giá, vệ sinh môi trường ô nhiễm,… tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch.
– Ba là, nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn đã được phân cấp quản lý. Có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch, gây phiền hà cho du khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương.
– Bốn là, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, xây dựng chương trình tham quan du lịch với sản phẩm đặc trưng địa phương và có chất lượng. Niêm yết công khai giá bán hàng và dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách ứng xử, giao tiếp văn minh, mến khách cho đội ngũ nhân viên phục vụ, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
– Năm là, phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, xây dựng mối liên kết, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho du khách, chống chèo kéo, ép giá khách du lịch, nhất là thống nhất giá các chương trình tour nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, văn minh, góp phần phát triển ngành Du lịch Vĩnh Phúc .
Hy vọng rằng, sau cuộc gặp gỡ trao đổi này, chúng ta sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao vai trò quản lý nhà nước tại các địa phương trong lĩnh vực du lịch.
Đồng chí Dương Quang Ứng – PGĐ Sở VHTTDL