Sức hút từ khu du lịch quốc gia Tam Đảo

Huyện Tam Đảo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 60 km, sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, có tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua, có điều kiện kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ và Lào Cai… có điều kiện thuận lợi để thu hút du khách.

Ngày 25/01/2022, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo chính thức được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Từ đây là tiền đề để khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa Tam Đảo sớm trở thành vùng trọng điểm về kinh tế du lịch của tỉnh và quốc gia. Từ kinh tế du lịch sẽ tạo bước đột phá, lan tỏa ra nhiều mục tiêu phát triển khác.

Khu du lịch quốc gia Tam Đảo có diện tích 10.723 ha, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo là 5.399 ha; Khu vực chân núi Tam Đảo 4.561,5 ha; Khu di tích và danh thắng Tây Thiên 477,6 ha, Khu du lịch Tam Đảo 284,9 ha.

Tam Đảo có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch như: Rừng nguyên sinh, hồ, đập, hệ thống suối, thác nước, hang, động và núi cao với những thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan; Vườn Quốc gia Tam Đảo; Sân golf Tam Đảo đã và đang thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan hàng năm.

Tam Đảo có hệ thống di sản văn hóa vật thể; hệ thống di tích thờ Thần, thờ Phật phong phú và đa dạng, phân bổ ở hầu khắp các địa phương. Một số di tích nổi tiếng như: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền Chân Suối, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại Bảo tháp Tây Thiên… tạo nên quần thể kién trúc tôn giáo và tâm linh huyền ảo trong dãy núi Tam Đảo hùng vĩ.

Có nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thu hút một lượng lớn khách du lịch hành hương về với Tam Đảo. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Soọng cô, các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc như: Lễ cấp sắc, hát trầu văn, trang phục truyền thống, các loại bánh và món ăn ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong huyện…

Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách bài bản, trong đó, định hướng cụ thể phát triển các loại hình du lịch đang là thế mạnh của Tam Đảo-Tây Thiên như du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng chữa bệnh, mạo hiểm, thám hiểm khám phá Vườn Quốc gia Tam Đảo. Phấn đấu xây dựng Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế, tạo dựng không gian du lịch có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất về không gian, chức năng và hạ tầng du lịch, kỹ thuật với các khu lân cận, thu hút khách đến với Tam Đảo.

Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo là động lực để Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển toàn diện huyện Tam Đảo. Đây cũng chính là sức hút mạnh mẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, bất động sản rất quan tâm đến Tam Đảo, biến khu vực này trở thành điểm thu hút đầu tư mới, nhất là đầu tư vào công nghiệp xanh, công nghiệp sạch..

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *