NHỮNG HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ KẾT HỢP DU LỊCH TẠI VĨNH SƠN

Vĩnh Sơn là một xã nhỏ nằm phía bắc huyện Vĩnh Tường, diện tích tự nhiên khoảng trên 327ha, bao gồm 1374 hộ với 6017 nhân khẩu. Vĩnh Sơn bề ngoài cũng yên bình như bao làng quê khác nhưng từ lâu nơi đây đã nổi tiếng với nghề chăn nuôi “tử thần”, thuần hóa và chế biến các sản phẩm từ rắn.

 Một góc Vĩnh Sơn

Từ lâu người dân Vĩnh Sơn đã đúc kết  được nhiều kinh nghiệm trong nghề săn bắt rắn, với tinh thần học hỏi và sự phát triển của khoa học kĩ thuật, giờ đây người dân Vĩnh Sơn đã thuần thục chăn nuôi các loài rắn độc và chế biến thành thạo các sản phẩm từ rắn. Làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn sẽ trở thành điểm đến lí tưởng cho những du khách muốn tìm hiểu về loài rắn, trải nghiệm sự mới lạ và mạo hiểm. Hơn nữa, Vĩnh Sơn nằm gần trung tâm huyện Vĩnh Tường, giao thông thuận tiện, cách quốc lộ 2 chỉ 4km, lại nằm ngay cạnh cụm du lịch đình chùa Thổ Tang. Tiềm năng du lịch làng rắn Vĩnh Sơn là không thể phủ nhận, nhưng đáng tiếc cho đến nay du lịch tại Vĩnh Sơn vẫn chưa thực sự phát triển.

Nghề nuôi rắn tại Vĩnh Sơn phát triển không bền vững.

Không chỉ riêng con rắn mà đối với tất cả các mặt hàng khác trên thị trường, cung cầu quyết định giá cả, giá cả lại quyết định sự phát triển đi lên hay đi xuống của sản phẩm, khi cung vượt qua cầu giá tất giảm. Tại Vĩnh Sơn, các hộ gia đình chủ yếu chăn nuôi theo hình thức tự phát, thị trường xuất khẩu còn hạn chế chủ yếu là xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với  các sản phẩm như thịt rắn, trứng rắn, rượu rắn, cao rắn…Do thị trường đầu ra phụ thuộc  nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên chỉ một sự biến động nhỏ của thị trường cũng có thể khiến làng rắn lao đao. Giá rắn lên xuống thất thường gây hoang mang cho những hộ gia đình chăn nuôi trong xã. Trong vài năm trở lại đây, giá rắn đã giảm rõ rệt, (ví dụ rắn hổ mang loại một giảm từ 1,200,000 – 1,300,000  xuống còn 300,000  – 400,000 VND). Chi phí  chăn nuôi vốn đắt đỏ, giá rắn càng giảm dẫn đến người nuôi rắn bán không đủ vốn, một vài hộ đã bỏ nghề hoặc thu hẹp quy mô chăn nuôi. Có gia đình trước kia chăn nuôi cùng lúc hàng nghìn con giờ cũng chỉ còn nuôi nhỏ lẻ vài trăm con. Cũng chẳng có gì lạ khi nói người Vĩnh Sơn khóc với rắn, cười với rắn. Nhưng, chính họ cũng hiểu nỗi vất vả những đêm thức trắng trông rắn, chăm rắn, nỗi nhọc nhằn một nắng hai sương ngoài đồng ruộng, họ đều hi vọng con cái họ có thể có một công việc nhàn nhã hơn. Những người đã vươn ra khỏi làng quê không biết còn mấy người sẽ quay trở về phát triển gìn giữ nghề truyền thống. Đây cũng là trăn trở của những người tâm huyết, yêu nghề của làng rắn. Nuôi rắn đã là nghề truyền thống của làng, nhờ rắn họ đã xây dựng được những ngôi nhà hai ba tầng vững chãi, phát triển và gìn giữ nghề là nhiệm vụ và trách nhiệm của những thế hệ làng rắn.

Giới thiệu các sản phẩm từ rắn

Cơ sở hạ tầng tại địa phương còn thiếu thốn.

 Trong xã có gần 700 hộ trên tổng số1374 hộ chăn nuôi rắn, tất cả đều chăn nuôi theo hình thức tự phát, tận dụng diện tích gia đình làm chuồng trại. Mặc dù từ năm 2006 tỉnh Vĩnh Phúc có dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành điểm ”Làng nghề chăn nuôi rắn – du lịch – dịch vụ” nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng và thiếu vốn đầu tư do đó Vĩnh Sơn vẫn chưa xây dựng được khu chăn nuôi tập trung, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm, khu biểu diễn, nơi mua sắm, ăn uống các sản phẩm từ rắn. Hệ thống giao thông trong xã mặc dù đã được bê tông hóa nhưng chủ yếu là những con đường nhỏ hẹp. Hơn nữa, cũng do giá cả không ổn định, các nhà đầu tư vào làng rắn cũng e dè, đầu tư nhỏ giọt.

Cảnh quan môi trường chưa đẹp mắt.

Môi trường cảnh quan chưa đẹp mắt

Cảnh quan môi trường địa phương cũng là một nhân tố lớn tác động đến tâm trạng của khách du lịch, khi cảnh quan địa phương không đẹp, du khách hiển nhiên sẽ không thoải mái hoặc chẳng còn cảm hứng tìm hiểu về địa phương, dù cho đó là một địa điểm hấp dẫn.Vĩnh Sơn cũng giống như bao làng quê yên ả khác, ngoài chăn nuôi rắn người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp với 71,5% lực lượng lao động tham gia sản xuất. Song hành cũng điều đó, người dân phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nông nghiệp và đặc biệt chất thải từ chăn nuôi. Điều này không chỉ là thực trạng đáng buồn ở riêng Vĩnh Sơn mà còn tồn tại hầu hết tại các làng nghề khác. Do chưa thể xây dựng khu chăn nuôi tập trung nên việc xử lí các chất thải từ chăn nuôi cũng là bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo tại xã.

Ý thức của người dân về du lịch làng nghề còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

Người dân làng rắn hầu hết chưa nhận thức những giá trị mà du lịch mang lại. Đối với họ, nuôi rắn cũng giống như chăn nuôi những loại gia súc gia cầm thuần túy khác, khác chăng là rắn đem lại nguồn thu nhập lớn hơn cho họ.  Ai cũng muốn có thật nhiều khách đến tham quan để tăng thu nhập nhưng họ vẫn chưa biết phải làm như thế nào. Vĩnh Sơn hiện tại đang thiếu những người có trình độ về du lịch, cần những cán bộ chuyên nghiệp hướng dẫn cho người dân những việc cần làm để phát triển du lịch nơi đây. Các hộ kinh doanh chưa chú trọng xây dựng thương hiệu riêng. Các sản phẩm từ rắn vẫn chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, chưa được đa dạng hóa, chưa tạo nên sự riêng biệt so với sản phẩm rắn từ các làng rắn khác.

Làng rắn chưa có các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp.

Con rắn từ lâu đã quen thuộc với người dân Vĩnh Sơn, nhưng với đại đa số những du khách khác việc được trải nghiệm tại làng rắn là một điều gì đó thật thú vị, mới lạ và mạo hiểm. Các chương trình như tham quan các khu nuôi rắn tự nhiên, trải nghiệm cho rắn ăn, thử cảm giác rùng rợn khi chạm vào rắn, tận mắt chứng kiến cách chế biến thịt rắn, thưởng thức những món ngon bổ dưỡng đến từ rắn, mua sắm các sản phẩm từ rắn,… lại chủ yếu diễn ra tại gia tùy thuộc vào sự nhiệt tình của gia chủ. Do đó, các chương trình trải nghiệm tại làng rắn đều chưa được xây dựng và khai thác một cách hợp lí, vẫn chưa có các chương trình trải nghiệm chuyên nghiệp, cụ thể cho du khách.

Cho rắn ăn

Chính quyền địa phương dù tạo điều kiện phát triển nhưng chưa vào cuộc quyết liệt.

Tiềm năng phát triển du lịch tại Vĩnh Sơn là điều mà các lãnh đạo đã sớm nhìn ra, từ lâu UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều quyết định nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch tại làng rắn. Ngày 24/11/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định số 3120/QĐ-UBND về công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Ngày 31/12/2007, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập và là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể số: 113742 cấp ngày 14/11/2008 cho các sản phẩm: Nọc rắn, rượu rắn, cao rắn, trứng rắn, thịt rắn, …Ngày 13/10/2006, theo quyết định số 2488/QĐ-UBND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành điểm ”Làng nghề chăn nuôi rắn – du lịch – dịch vụ”. Mặc dù vậy cho đến nay dự án phát triển du lịch kết hợp làng nghề Vĩnh Sơn qua nhiều năm vẫn bị bỏ ngỏ. Công tác giải tỏa mặt bằng còn chậm chễ, còn một số người dân chưa phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải tỏa. Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn hẹp. Hiệp hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn đã thành lập từ lâu nhưng vẫn chưa phát huy hết vai trò của hội, chủ yếu chỉ liên kết các cơ sở chăn nuôi lớn trong xã, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tham gia các hoạt động của hội. Những người đứng đầu trong hội quá trông chờ vào thị trường Trung Quốc mà bỏ qua khai thác những thị trường tiềm năng khác thậm chí ngay cả thị trường nội địa.

 

Rắn hổ mang

Du lịch làng nghề rắn Vĩnh Sơn có nhiều tiềm năng có thể khai thác nhưng với những thực trạng nêu trên, nếu chưa thể khắc phục, việc khai thác du lịch tại làng rắn Vĩnh Sơn vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách.Vậy nên, muốn du lịch làng rắn Vĩnh Sơn không mãi ở dạng tiềm năng cần có sự chung tay kết hợp của nhà nước và người dân địa phương. Các hộ kinh doanh cần mở rộng thị trường đầu ra, tích cực khai thác thị trường trong nước, tìm các thị trường xuất khẩu mới giàu tiềm năng, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp, thu hút nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh  xây dựng khu chăn nuôi tập trung, phòng trưng bày, khu mua sắm, ăn uống. Nâng cao ý thức người dân giữ gìn vệ sinh chung, sắp xếp công tác quản lí môi trường giữ gìn cảnh quan. Xây dựng các chương trình trải nghiệm thực tế cho khách du lịch, phân công người hướng dẫn chuyên nghiệp, dẫn khách du lịch đi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho rắn Vĩnh Sơn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ta cũng cần nâng cao nhận thức người dân về phát triển làng nghề kết hợp du lịch dịch vụ đặc biệt những người trẻ tuổi dám nghĩ dám làm. Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn cần tích cực phát huy vai trò của mình, liên kết các hộ gia đình chăn nuôi rắn, đào tạo, dạy nghề cho những người trẻ tuổi, yêu nghề. Đồng thời, ta cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá điểm đến làng rắn Vĩnh Sơn, hợp tác cùng các công ty du lịch xây dựng các tuyến du lịch, các chương trình du lịch.

Chủ tịch xã Vĩnh Sơn Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ: “Tôi luôn hi vọng vào dự án phát triển làng nghề kết hợp du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đưa làng rắn phát triển mạnh mẽ hơn cả về kinh tế và văn hóa, dự án làng rắn và các chương trình xúc tiến quảng bá hình ảnh làng rắn vẫn luôn được chúng tôi quan tâm, phát triển.” Hi vọng trong những năm tới với cái bắt tay giữa nhà nước, các nhà đầu tư và những người dân làng rắn, những dự án mới sẽ được hiện thực hóa, cơ sở hạ tầng và công tác quản lí sẽ có nhiều đổi mới, Vĩnh Sơn sẽ sớm trở thành điểm đến thú vị cho tất cả những du khách trên mọi miền tổ quốc.

Phùng Cúc

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *