Lễ hội Đúc Bụt năm 2022 – Hướng tới nếp sống văn minh.

Đã từ lâu, lễ hội sau những ngày Tết cổ truyền trở thành món ăn tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi địa phương. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 400 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội nổi bật như lễ hội Tây Thiên (huyện Tam Đảo), lễ hội Chọi trâu, lễ hội Đả cầu Cướp phết ( Huyện Lập Thạch), lễ hội Đúc Bụt ( huyện Tam Dương)… thu hút rất nhiều người dân và khách thập phương về tham dự. Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập, ý thức tham gia lễ hội của người dân còn nhiều hạn chế. Vì thế việc chấn chỉnh các hoạt động, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Lễ hội Đúc Bụt thuộc xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương là một trong những lễ hội tiêu biểu của Vĩnh Phúc. Không gian lễ hội diễn ra tại Đền thờ Đức Bà Ngọc Kinh Công chúa (Thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh) vào ngày Mùng 8 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng nghìn người địa phương và du khách đến chiêm bái, cầu tài lộc. Lễ hội nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa – một nữ tướng tài ba, trí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng diệt giặc, cứu nước. Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân Phù Liễn đã lập đền thờ gọi là đền thờ Đức Bà lưu truyền đến ngày nay.
 Tranh cướp lộc trong lễ hội Đúc Bụt của những năm trước
Tại lễ hội, các tích trò sĩ, nông, công, cổ mà Ngọc Kinh công chúa đã truyền dạy cho nhân dân được diễn lại một cách công phu, bài bản và cũng rất gần gũi với đời sống người dân. Sau khi làm lễ trình Thánh diễn trò Đúc Bụt với 3 thanh niên làm Bụt trình Thánh, Chủ tế và 16 quan viên tiến hành tút chiếu khỏi ba ông bụt, tung ra ngoài để tản chiếu phát lộc. Cao trào của lễ hội sau phần tế lễ là tích trò “Đúc bụt” và “cướp chiếu” cầu đinh.Tương truyền rằng nếu ai cướp được chiếc chiếu mà ông bụt ở giữa trùm thì cuối năm sẽ sinh được con trai.
Hình ảnh xấu xí tranh giành nhau lộc tại lễ hội Đúc Bụt
Tuy nhiên một số năm trở lại đây người đi lễ hội có xu hướng cực đoan hơn khi cố giành giật “Lộc thánh” từ những mảnh chiếu úp trên đầu các “ông bụt” tại tích trò dẫn đến những hình ảnh phản cảm, xấu xí trong lễ hội, mặt khác tiềm ẩn sự nguy hiểm đến sức khỏe, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động lễ hội đang mở rộng góc độ tiếp cận với khái niệm ứng xử văn minh trong lễ hội cùng những tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh
Từ năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Tam Dương đã có những công văn hướng dẫn, chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Sở yêu cầu Ban tổ chức lễ hội  thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện nghiêm các phương pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; vận động người dân chấp hành tốt việc đeo khẩu trang tại lễ hội. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định 110 của Chính phủ. Bên cạnh đó phải kiên quyết không để  lễ hội xảy ra tình trạng tranh, “cướp”, chen lấn, xô đẩy phản cảm.
Chấp hành tốt những hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Tam Dương, Ban tổ chức Lễ hội Đúc Bụt từ năm 2020 đã xây dựng phương án đổi mới, chuyển từ “cướp chiếu” sang tản chiếu phát lộc. Ba chiếu được giữ lại trong hậu cung, chỉ được úp lên đầu “ông Bụt” khi làm lễ trong Đền, sau đó được gỡ ra từng sợi, đưa vào “Bao bì lộc” được thiết kế đẹp mắt, trang trọng với lời chúc “ Phúc – Lộc – Thọ” và  được các Quan viên phát lộc cho những người đi lễ có nhu cầu.
Hình ảnh tản chiếu – phát lộc
Các phương án đảm bảo an ninh trật tự, thu nhỏ quy mô lễ hội, tránh tụ tập đông người… cũng đã được chính quyền địa phương, BQL di tích lên phương án sẵn sàng.
Tuy nhiên bước đầu thay đổi hình thức có nhiều người dân địa phương phản ứng, không đồng tình, nhưng sau đó được chính quyền, các bậc cao niên tuyên truyền, thuyết phục. Chứng kiến hình ảnh tản chiếu phát lộc, tự nhận thấy lễ hội không còn lộn xộn, tranh cướp mà số lượng người nhận được lộc may mắn nhiều hơn, họ đã đồng tình để hình ảnh lễ hội Đúc Bụt sẽ là những hình ảnh đẹp, văn minh cho du khách thập phương. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các bậc cao niên xã Đồng Tĩnh đều đồng thuận cho rằng, phương án đổi mới là phù hợp nhằm giữ gìn an toàn, an ninh trật tự trong lễ hội.
Ý thức phong chống dịch covid 19 của người dân
Một thay đổi rõ nét khác trong bối cảnh đại dịch là Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích luôn đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, các thông điệp tuyên truyền thực hiện 5K được chuyển tải với nhiều cách thức mới mẻ. Tại Đền thờ Đức bà Ngọc Trinh công chúa thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, hệ thống pano cổ động trực quan về phòng, chống dịch, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội… được lắp đặt dọc hai bên đường đã tạo hiệu quả tích cực. Các nội dung tuyên truyền nhằm đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, phản cảm như đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xả rác bừa bãi, hóa vàng mã, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan… liên tục được nhắc nhở trên loa hoặc trực tiếp trong khuôn viên di tích.
Những thay đổi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận của người dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Mùa lễ hội năm 2022 sắp đến, Du lịch Vĩnh Phúc nói chung, công tác tổ chức lễ hội Đúc But nói riêng hay những lễ hội khác trên địa Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với Covid-19, trong đó sẵn sàng phương án ngừng tổ chức lễ hội khi dịch bùng phát. Mặc dù ngừng tổ chức sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở nơi có lễ hội, nhưng có thể nhận thấy rõ các địa phương luôn sẵn sàng tinh thần phòng, chống dịch nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là một điển hình trong ứng xử văn minh tại lễ hội mùa dịch bệnh.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *