KHẢO SÁT ĐIỂM ĐẾN ĐỀN NGỰ DỘI, ĐÌNH THỔ TANG

Ngày 12/06, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát điểm đến Đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) và  Di tích quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường). Đoàn khảo sát của Trung tâm gồm 8 người do đồng chí Đàm Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn. 

 

Đền Ngự Dội khang trang bề thế trong khuân viên rộng thoáng

Đền Ngự Dội xưa kia gọi là Quán Dội được làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đền Ngự Dội đã được tu bổ, tôn tạo qua nhiều lần: Năm 1989, nhân dân đóng góp công sức, vật tư, xây dựng mới 3 gian hậu cung; năm 1992 xây 3 gian đại bái và cổng phụ vào đền; năm 1994 xây tường bao loan; năm 1995 xây cổng Tam quan có chạm nổi voi chầu và rước tượng Thánh vào đền. Theo thời gian, di tích đền Ngự Dội bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, chiêm bái. Mặt khác, các hạng mục các hạng mục của đền còn chật hẹp cần được tu bổ, tôn tạo, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng. Được sự quan tâm chỉ đạo của các, các ngành trong tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường và xã Vĩnh Ninh, sự phát tâm công đức của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Phúc Sơn đền Ngự Dội đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, bề thế trong một khuôn viên rộng, rất thoáng mát, thanh tịnh.

 

Nội thất Đền Ngự Dội

Lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, trong đó chính hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc, còn lưu giữ được các nghi thức, nghi lễ gắn liền với sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội được hình thành trên cơ sở huyền thoại về Tản Viên Sơn Thánh, một trong Tứ bất tử, người được coi là ông tổ của nông nghiệp Việt Nam.

 

ĐÌnh Thổ Tang cổ kính

Sau khi khảo sát đánh giá điểm đến đền Ngự Dội, đoàn khảo sát đến với đình Thổ Tang. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1820/QĐ-TTg  về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với đình Thổ Tang. Đình Thổ là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại của Vĩnh Phúc hiện nay vẫn lưu giữ được nét kiến trúc thời Hậu Lê. Công trình được xây dựng với quy mô đồ sộ, kiến trúc bố cục hình chữ đinh, gồm 2 tòa đại đình và hậu cung. Đại đình gồm 5 gian đại bái dựa trên 60 cột (đường kính cột cái là 0,8m, cột quân 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng gần 400m2. Kiến trúc đình mang đậm nét đặc trưng củacác ngôi đình có niên đại từ thế kỷ XVII- XVIII, tạo ra các mảng cấu kiện để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo. Toàn bộ kiến trúc và các bức chạm trổ điêu khắc của đình Thổ Tang đã được đưa vào lịch sử văn hóa nước nhà như là những điển hình của nghệ thuật kiến trúc chạm trổ của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII. Nhiều bức chạm tiêu biểu đã được đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến, như: “Ngày hội xuống đồng”, “Bắn hổ”, “Múa”…

 

Hoa văn được trạm trổ trên mái đình

Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng tại đình Thổ Tang, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của vị tướng Lân Hổ. Lễ hội truyền thống diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng, thiêng liêng như: Rước sắc, rước nghinh, rước bình hương, đón lễ quan anh, tế lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao, trò chơi dân gian…

 

Đoàn khảo sát tại đing Thổ Tang huyện Vĩnh Tường

Chuyến khảo sát nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch, liên kết các điểm đến của huyện Vĩnh Tường; thu thập tài liệu làm sơ sở khuyến khích các đơn vị khai thác lữ hành kết nối các điểm đến trong hành trình đến với Vĩnh Phúc; đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng của địa phương quan tâm bảo tồn các di tích lịch sử, các nhà doanh nghiệp đầu tư khai thác các loại hình du lịch tâm linh kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *