DU LỊCH KHÔNG KHÓI THUỐC

“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” là khẩu hiệu quen thuộc được in trên chính những bao thuốc lá và được tuyên truyền phổ biến tại các địa điểm công cộng. Theo kết quả nghiên cứu, mỗi điếu thuốc lá có chứa hơn 7000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc như nicotin, monoxit carbon,…. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người hút mà những người hít phải khói thuốc cũng dễ mắc phải các bệnh về hô hấp như ung thư phổi, hen,… hay các bệnh về tim mạch. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trong 20 năm sản lượng tiêu thụ thuốc lá tăng gấp 2 lần, người dân Việt Nam đã tiêu tốn một số tiền khổng lồ lên tới hơn 22.000 tỉ đồng để mua thuốc lá mỗi năm. Ước tính của Tổ chứ Y tế thế giới (WHO), mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, con số này đến năm 2030 có thể tăng tới 70.000 người/năm.

Đối với ngành du lịch, việc xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc là rất cần thiết, đã có nhiều thành phố triển khai mô hình này như Quảng Ninh, Hội An, Hà Nội, Nha Trang,…. Những biển “cấm hút thuốc lá” hay “không được hút thuốc lá” được đặt tại các điểm du lịch, di tích và tại một số nhà hàng, khách sạn. Các nhà hàng, khách sạn lo lắng việc cấm hút thuốc tại một số khu vực trong khách sạn sẽ ảnh hưởng tới lượng khách du lịch do ý thức khách nội địa và người dân chưa cao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới sau khi triển khai du lịch không khói thuốc, lượng khách du lịch đã tăng lên đáng kể: tại New York sau một năm thực hiện, số lượng khách du lịch từ gần 40 triệu đã tăng lên hơn 54 triệu người; còn tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 triệu đã tăng lên 35 triệu người.

Với các tỉnh nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, việc xây dựng môi trường không khói thuốc là tiêu chí quan trọng để tạo nên những “thành phố sinh thái” hấp dẫn khách du lịch trong tương lai. Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Việc triển khai mô hình du lịch không khói thuốc là việc làm cần thiết, tạo môi trường trong sạch tại nơi công cộng, để làm được điều đó cần phải có sự hợp tác của các doanh nghiệp, người dân địa phương, chính quyền,… trên địa bàn tỉnh. Nhiều khách hàng là người Việt hầu như đã quen với việc đến các nhà hàng, quán bar là phải chịu đựng, hít thở khói thuốc thụ động. Phần lớn họ không biết những quyền lợi được hưởng và cũng không biết nên đề nghị chỗ ngồi ở nơi không hút thuốc như thế nào. Vì vậy các nhà hàng, khách sạn nên có khu vực dành riêng cho người hút thuốc, tổ chức tiệc không khói thuốc, không đặt gạt tàn, trưng biển cấm hút thuốc tại các điểm công cộng,…. Các công ty lữ hành cũng nên liên kết tuyên truyền, quảng bá việc đi du lịch không hút thuốc đến người dân, khách du lịch bằng những chương trình, lễ hội như xây dựng những tour “du lịch không khói thuốc”, “điểm đến không khói thuốc”… để thu hút du khách đến với Vĩnh Phúc nhiều hơn.  Ngoài ra, chính quyền địa phương, ban quản lí các khu du lịch cũng cần phải tuyên truyền, đưa ra nhiều biện pháp xử phạt để khách du lịch và người dân nâng cao ý thức.

Xây dựng và phát triển ngành du lịch không khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe du khách, bảo vệ tài nguyên du lịch, đồng thời cũng là phương pháp tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá rộng khắp quốc gia và trên thế giới. Trong tương lai, nếu Vĩnh Phúc cũng xây dựng được mô hình này thì tiềm năng du lịch sẽ được phát huy hết thế mạnh, phát triển du lịch văn minh, bảo đảm môi trường xanh – sạch – đẹp, bảo vệ sức khỏe cho bản thân du khách cũng như sức khỏe của cộng đồng.

                                                                    Linh Trang

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *