Với xuất phát điểm là một thị xã nhỏ nhờ có những giải pháp đồng bộ và bước đi phù hợp, biết khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có, Phúc Yên đã tạo bước bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế – xã hội, trở thành thành phố thứ 2 và là vùng trọng điểm kinh tế của Vĩnh Phúc.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Phúc Yên giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, góp phần đưa Vĩnh Phúc từ tỉnh thuần nông trở thành một trong những tỉnh có giá trị công nghiệp lớn nhất cả nước. Trong 5 năm gần đây, bình quân tăng trưởng kinh tế của Phúc Yên đạt trên 23%, trong đó công nghiệp tăng gần 22%, dịch vụ tăng trên 25%, nông nghiệp tăng hơn 5%. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển biến theo hướng tích cực, có sự chuyển dịch phù hợp với xu hướng chung của toàn tỉnh, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Thành phố Phúc Yên đổi mới
Trong những năm qua, Phúc Yên luôn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của Vĩnh Phúc với những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiêp, dịch vụ, du lịch. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp đã tạo bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, giúp địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong 3 năm gần đây, thu ngân sách của Phúc Yên luôn vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 1%.
Sân golf Đại Lải
Hoạt động dịch vụ, du lịch luôn được địa phương chú trọng với nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, tạo mối liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các khu du lịch Đại Lải, du lịch sinh thái Flamingo, sân gofl Ngọc Thanh được các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách. Trên toàn địa bàn thành phố Phúc Yên, đến nay có 18 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia gồm: Đền Ngô Miễn, Chùa Bảo Sơn, Đình Khả Do, Đình Cao Quang, Chiến khu cách mạng Ngọc Thanh, Đình Đạm Xuyên và 12 di tích cấp tỉnh. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa quý báu, là động lực phát triển du lịch văn hóa và gìn giữ truyền thống địa phương. Hoạt động dịch vụ, du lịch đã góp phần quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Tổng giá trị sản xuất các lĩnh vực dịch vụ năm 2018 ước đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2017. Trong đó, năm 2018, các khu du lịch đã đón nhận trên 230 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.
Flamingo Đại Lải
Phúc Yên được xác định sẽ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng và khu vực lan tỏa của thủ đô Hà Nội; khu Đại Lải, Ngọc Thanh sẽ được xây dựng thành khu bảo tồn sinh thái của thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai. Để phát triển du lịch xứng với tiềm năng vốn có, thành phố Phúc Yên đã và đang chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan quản lý về du lịch của tỉnh tiếp tục xây dựng, kiện toàn quy chế phối hợp, đảm bảo cho việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch và các hoạt động du lịch đạt hiệu quả; định hướng phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập; tập trung đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng hạ tầng các khu du lịch; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Phúc Yên gắn với du lịch Vĩnh Phúc…
Di tích chiến khu Ngọc Thanh
Du du lịch Phúc Yên sẽ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành du lịch Vĩnh Phúc. Thành phố trẻ Phúc Yên hôm nay đang tiếp tục chuyển mình, phấn đấu trở thành đô thị văn minh, hiện đại – một trong những trọng điểm về du lịch, dịch vụ, giáo dục – đào tạo của tỉnh./.
HỒNG QUÂN