Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng và tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân; góp phần thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương theo hướng đồng bộ, toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Chủ trương xây dựng LVHKM thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao của Vĩnh Phúc trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII với mục tiêu chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội, để “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”.
Để triển khai các nhiệm vụ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, hiệu quả, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng LVHKM tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Trên cơ sở Nghị quyết số 19, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 08, ngày 5/5/2023 thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030 và Nghị quyết số 06, ngày 5/5/2023 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030.
Các nghị quyết đã quy định cụ thể về bộ tiêu chí xây dựng LVHKM, bao hàm tất cả các mặt liên quan đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống của người dân và các chính sách hỗ trợ đặc thù trong xây dựng LVHKM.
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể và các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, các nghị quyết được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo “đòn bẩy” để công tác xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh nhanh chóng có sự chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với quyết tâm chính trị cao, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh đã khẩn trương ban hành kế hoạch, thành lập BCĐ, tổ giúp việc để triển khai nhiệm vụ xây dựng LVHKM đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
BCĐ xây dựng LVHKM tỉnh thường xuyên kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương, nắm bắt công tác triển khai với từng nội dung, tiêu chí được giao cho các sở, ban, ngành, địa phương, MTTQ và các tổ chính chính trị – xã hội; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tại các địa phương xây dựng LVHKM, các cấp ủy Đảng đã thực sự phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo và mỗi đảng viên chính là nhân tố nòng cốt trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng LVHKM, tạo sức lan tỏa tới nhân dân.
Khu thiết chế văn hóa – thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu
Nhận thức rõ sự vinh dự và trách nhiệm khi tổ dân phố Tam Quang được lựa chọn xây dựng LVHKM giai đoạn I, Đảng ủy, UBND thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên đã thành lập BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ xây dựng LVHKM và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện.
Để tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng ủy thị trấn giao trong xây dựng LVHKM, Chi bộ tổ dân phố Tam Quang đã ban hành nghị quyết về xây dựng LVHKM, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo tổ dân phố. Trong các cuộc họp hằng tháng, chi bộ đều họp bàn, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng LVHKM.
Bí thư Chi bộ tổ dân phố Tam Quang Nguyễn Khánh Hồ cho biết: “Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, nhân dân được họp bàn và hiểu rõ chủ trương của tỉnh và ý nghĩa, mục tiêu của xây dựng LVHKM; nhận thức được vinh dự, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Nhân dân tổ dân phố đã ủng hộ, đóng góp hơn 2 tỷ đồng xây dựng các thiết chế của LVHKM, đóng góp hàng trăm ngày công lao động để chỉnh trang đô thị, đường phố, vệ sinh môi trường; hiến 750 m2 đất mở rộng đường giao thông; ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học; vận động ủng hộ tài trợ hơn 2.000 đầu sách cho thư viện với tổng trị giá 250 triệu đồng”.
Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân, sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là việc phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, việc xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, huy động được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân.
Đến nay, 28/28 Khu thiết chế văn hóa – thể thao tại các LVHKM của tỉnh đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương xây dựng LVHKM đã từng bước được hình thành, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi làng quê, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Các LVHKM đang dần hiện hữu chính là những điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, là nền tảng cơ bản để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững, người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Lê Mơ – Báo VP