Nâng cao chất lượng phục vụ khách tại các cơ sở lưu trú

Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái cộng đồng. Những năm gần đây, lượng du khách trong nước, quốc tế đến với Vĩnh Phúc ngày càng tăng. Tuy nhiên, một số cơ sở lưu trú du lịch chưa đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của du khách.
Theo Quyết định số 1335/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030”: Du lịch Vĩnh Phúc phải xác định rõ hướng phát triển, tạo được hình ảnh đặc trưng riêng phù hợp với tiềm năng du lịch của tỉnh. Năm 2020, du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Nhờ sự đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch nên nhiều điểm đến đã được đông đảo khách du lịch lựa chọn khi đến tỉnh như: Khu Danh thắng Tây thiên; Khu Du lịch Tam Đảo; Khu Du lịch Đại Lải… Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng phụ vụ du khách tại các cơ sở lưu trú cũng là một trong những yếu tố then chốt để tăng lượng khách đến và quay lại Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Khách sạn 4 sao Venus Tam Đảo

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ 4.500.00 lượt khách, trong đó có 31.575 lượt khách quốc tế; năm 2018, toàn tỉnh đón 5.200.000 lượt khách lưu trú, khách quốc tế lưu trú ước đạt 35.000 lượt; 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 2.940.000 lượt khách (tăng 15% so với cùng kỳ) trong đó có 21.100 khách quốc tế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 394 cơ sở lưu trú với 6867 phòng trong đó có 1 khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; 2 khách sạn 5 sao; 1 khách san 4 sao; 4 khách sạn 3 sao; 43 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 321 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia. Mặc dù thời gian qua, các cơ sở lưu trú du lịch nhìn chung đã chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, tuy nhiên, giống như các tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc, du lịch tỉnh nhà vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm, dịp lễ hội, mùa hè và chủ yếu là khách tham quan trong ngày. Doanh thu thấp khiến các đơn vị kinh doanh nhỏ và trung bình gặp khó khăn, nhiều đơn vị giảm quy mô kinh doanh, không nâng cấp phòng, buồng. Các trang thiết bị, dụng cụ sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được đầu tư sửa chữa, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, dịch vụ bổ sung trong các cơ sở lưu trú chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước. Với các dịch vụ như: Nhà hàng, quầy bar, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bể bơi 4 mùa, phòng họp, phòng karaoke, sân tennis… khách chỉ có thể tìm thấy ở các khách sạn 3-5 sao tại Vĩnh Phúc. Các khách sạn từ 1-2 sao hầu như không có hoặc ít các dịch vụ trên, do quy mô khách sạn nhỏ và sự nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của chủ khách sạn. Hiện nay các khách sạn nên thêm một số loại hình dịch vụ phụ trợ cho khách như: cho thuê xe tự lái, trông trẻ, xe đưa đón khách đến sây bay hay các tuyến điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh… chắc chắn sẽ thu hút khách hơn nữa.
Đối với nguồn nhân lực, hiện nay tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch tỉnh là 2.588 lao động, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 1.900 lao động. Trong số lao động trên, những người có bằng cấp, kinh nghiệm thường làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô lớn của tỉnh từ 3 – 5 sao. Đội ngũ quản lý và nhân viên ở các cơ sở lưu trú lớn này thường được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ tốt và cách phục vụ chuyên nghiệp nên khiến khách rất hài lòng. Nhưng tại các cơ sở lưu trú tư nhân có quy mô nhỏ, đội ngũ quản lý và lao động tại đây hầu như sử dụng lao động có tại trong gia đình, được hướng dẫn và đào tạo tại chỗ. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ này vẫn còn yếu, chỉ có khoảng 10% số người có bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng về ít được sử dụng (ít khách nước ngoài) nên khả năng giao tiếp yếu. Mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ nhưng tại nhiều cơ sở lưu trú nhỏ và trung bình, người sử dụng lao động vẫn cho rằng phục vụ khách sạn là nghề đơn giản, diễn ra thời vụ nên không tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… Do đó dẫn đến tình trạng nhân viên trong quá trình phục vụ thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên môn, chưa thể đáp ứng được yêu cầu hoặc thực hiện không đúng quy trình cơ bản.

Flamigo Đại Lải Resort

Thời gian qua, nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú ngành du lịch, phòng Thanh tra – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Năm 2017 đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra với 42 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; năm 2018 thực hiện 4 cuộc kiểm tra liên ngành, trong đó kiểm tra 55 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Từ đầu năm tới nay, đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Trong đó, tập trung tiến hành xử lý các vi phạm, chỉ ra những mặt còn hạn chế của cơ sở, lập biên bản kiểm tra, yêu cầu khắc phục về: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động lưu trú du lịch…
Bên cạnh đó, với chức năng của mình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chính sách ưu đãi đối với đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương. Kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng các cơ sở lưu trú có chất lượng và phù hợp cảnh quan môi trường của địa phương, như: Khách sạn từ 2 – 5 sao ở thành phố Vĩnh Yên, các khu biệt thự, resort nghỉ dưỡng tại Tam Đảo, Đại Lải… nhà nghỉ theo mô hình homestay, hay các hình thức lưu trú trải nghiệm ở nhà sàn, nhà truyền thống của người Sán Dìu, người Cao Lan… Cùng với đó, khuyến khích người dân bảo tồn văn hóa, gìn giữ tập tục, nghề truyền thống, có ý thức bảo vệ rừng và chủ động, tích cực tham gia phục vụ khách du lịch.

Nội thất bên trong khách sạn Venus Tam Đảo

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch trên địa bàn, tăng cường thanh tra, giám sát, hướng dẫn các đơn vị thực hiện kinh doanh lưu trú du lịch chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tiếp tục tuyên truyền, vận động các đơn vị xây dựng cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo tiêu chí công nhận loại, hạng khách sạn và tự nguyện đăng ký công nhận theo quy định. Đồng thời tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ du lịch dành cho người quản lý, nhân viên phục vụ, có chính sách khuyến khích thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh doanh lưu trú du lịch, khách sạn tiêu biểu của các tỉnh bạn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi đơn vị cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.
Cùng với thực hiện giải pháp của các ngành chức năng, để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách các cơ sở lưu trú du lịch cần đầu tư trang thiết bị tiện nghi, nâng cấp số lượng, chất lượng dịch vụ, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, thoáng mát. Ngoài ra, mỗi cơ sở lưu trú cũng cần là điểm đến thân thiện, đảm bảo an toàn, hấp dẫn… Số lượng cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ trong mỗi cơ sở lưu trú cũng phải tương xứng với quy mô, cấp hạng và đảm bảo các yêu cầu về trình độ, kỹ năng, tích cực chủ động tìm tòi và phát huy các món ăn truyền thống, đặc sản của địa phương… Có như vậy, các cơ sở lưu trú du lịch mới có thể nâng cao cả về chất và lượng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển du lịch của địa phương.

KIM DUNG

 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *