Một số điểm đến “học mà chơi” tại Vĩnh Phúc

Khi tiếng ve râm ran, hoa phượng bắt đầu nở đỏ, đó là lúc báo hiệu mùa hè đã đến, lúc các bạn  học sinh được nghỉ ngơi sau thời gian học tập căng thẳng trên trường học. Bởi vậy sẽ rất tuyệt vời nếu bạn tìm ra những địa điểm an toàn và lý thú, để các con mình có thể vừa tung tăng vui đùa chạy nhảy, vừa khám phá và học hỏi nhiều điều bổ ích dịp hè này. Du lịch Vĩnh Phúc sẽ đưa ra cho các bạn những lựa chọn hữu ích để các bạn học sinh có một kỳ nghỉ đầy bổ ích.

  1. Vườn quốc gia Tam Đảo.

Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, dài trên 80km, rộng 10km – 15km chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, cách Hà Nội khoảng 75km về phía Bắc.

Dãy núi Tam Đảo tạo ra 2 sườn Đông và Tây rõ rệt, lượng mưa hàng năm khác nhau đã góp phần tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác biệt. Đây cũng là yếu tố tạo ra 2 đai khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới mưa mùa từ độ cao 700m – 800m trở xuống và đai khí hậu á nhiệt đới mưa mùa, cũng như một số khu vực có nhiệt độ, lượng mưa rất khác nhau của Tam Đảo. Tất cả tạo nên một Vườn quốc gia Tam Đảo được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái.

Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng Tam Đảo, hoa tiên, chùy hoa leo, trọng lâu kim tiền.

Vườn Quốc gia còn giữ được nhiều nét hoang sơ

Động vật cũng rất phong phú, có 163 loài thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp với 239 loài chim, nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen. Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen, rắn ráo thái dương, cá cóc Tam Đảo và 8 loài côn trùng.

Bởi vậy một chuyến du lịch tham quan Vườn quốc gia Tam Đảo để có thể hít thở không khí núi rừng nơi đây, để hòa mình vào thiên nhiên trong lành, tươi đẹp và ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ và tìm hiểu những loại sinh vật – động  vật mà các em trước nay mới chỉ có cơ hội nhìn trong sách vở.

  1. Trạm đa dạng sinh học Mê Linh

Cách trung tâm TP Hà Nội 1 giờ di chuyển khoảng 45km, Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh là điểm đến vừa học vừa chơi hấp dẫn cho các bạn học sinh sinh viên ham học hỏi.

Trạm Mê Linh nằm giáp ranh với Vườn quốc gia Tam Đảo theo hướng đông, vì vậy Trạm còn được coi là hành lang xanh của Vườn quốc gia này. Nằm ở độ cao từ 100 – 500m so với mặt nước biển, tổng diện tích của Trạm là 170.3ha, bao gồm 69ha rừng thứ sinh, 30 ha rừng trồng, 68,3ha cây bụi, ao suối và 3 ha dành cho khu hành chính.

Thỏa sức khám phá thiên nhiên

Bên cạnh chức năng bảo vệ rừng đầu nguồn, phục hồi rừng, nhân nuôi và cứu hộ các loài động vật bị bắt giữ, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh còn thực hiện các chương trình bảo tồn các loài động vật bản địa thông qua phục hồi và trồng rừng. Mục tiêu chính của chương trình này là nhằm lưu giữ, nhân nuôi sinh sản và tiến hành các nghiên cứu về các loài động thực vật của Việt Nam. Trong thời gian qua, Trạm đã thực hiện các chương trình bảo tồn chuyển vị và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã thống kê được 59 loài động vật có xương sống gồm: 19 loài thú, 22 loài bò sát và 18 loài ếch nhái.

Các bạn học sinh có thể tham gia các hoạt động như Treckking, khám phá rừng tự nhiên ven chân núi Tam Đảm, cắm trại trải nghiệm đêm trong rừng, sasuke mini – thử thách không giới hạn ngay trong khuôn viên trạm, tham quan, tìm hiểu về các loài động thực vật (đặc biệt là các loài linh trưởng, bò sát, ếch nhái, phong lan, cây thuốc…) tại các khu vực nuôi trồng bảo tồn, cứu hộ, các hoạt động giáo dục bổ ích với phòng Đa dạng sinh học và giáo dục môi trường…

Trung tâm có đầy đủ tiện nghi và các chương trình hoạt động cho 1-2 ngày cuối tuần của cả gia đình. Bên cạnh các hoạt động giáo dục, giải trí thì đây cũng là nơi cả gia đình bạn có thể tận hưởng không khí trong lành và các món ẩm thực an toàn đậm đà hương vị địa phương. 

3. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Với trên 2000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, được trưng bày,  Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc là một điểm đến cho học sinh sinh viên đến tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa các dân tộc ở Vĩnh Phúc cũng như những truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc trong suốt những năm tháng thăng trầm của lịch sử.

Bảo tàng hiện được chia làm 3 phòng trưng bày, mỗi phòng tương xứng với một chủ đề riêng.

Phòng mở đầu: Giới thiệu diên cách địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các di vật lịch sử tiêu biểu minh chứng cho vùng đất có cảnh quan kỳ vĩ, địa hình đa dạng, đặc biệt là sự có mặt của người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc từ thời đại đồ đá cũ (Văn hóa Sơn Vi) đến thời đại kim khí (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn), trong đó Đồng Đậu là một di tích tiêu biểu chứa đựng cả 4 giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, nền tảng cho việc hình thành quốc gia đầu tiên của dân tộc: thời đại các vua Hùng.

Phòng số 1: Trưng bày về đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc (chủ yếu là 4 dân tộc Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Dao ) Thông qua các sưu tập y phục, trang sức, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt, đời sống canh tác của 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi và 1 số lễ hội tiêu biểu mang đậm sắc thái địa phương như: lễ hội chọi trâu ( xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); Lễ hội cướp Phết ( xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch), lễ hội Tấy Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo)…

Nhiều đoàn học sinh đến thăm quan tại Bảo tàng tỉnh

Phòng số 2: Giới thiệu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Hai Bà Trưng (năm 40- 43); Lý Bôn xây dựng căn cứ Hồ Điểm Triệt chống quân Lương (Thế kỷ 6); Nguyên Khoan và thành Gia Loan (Thế kỷ 10); Trận chiến Bình Lệ Nguyên và danh tướng Lân Hổ (Thế kỷ 13); Trần Nguyên Hãn và quê hương Sơn Đông (Thế kỷ 15); Nguyễn Danh Phương và căn cứ Thanh Lanh Ngọc Bội (Thế kỷ 18); Đề Thám và căn cứ Sáng Sơn (năm 1909); Đội Cấn và cuộc binh biến Thái Nguyên (năm 1917); Nguyễn Thái Học với phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng (năm 1930).

Đây là một điểm đến thú vị để giới thiệu đến không chỉ học sinh sinh viên mà còn tất cả nhân dân trong vùng về lịch sử văn hóa của Vĩnh Phúc  và góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Mỗi chuyến đi, không đơn thuần chỉ là nghỉ ngơi vui chơi mà còn là cơ hội để mở mang tầm hiểu biết, cũng là dịp cho các bạn học sinh – sinh viên vừa chơi vừa học, được tiếp xúc được trải nghiệm thực tế thay vì những cuốn sách khô khăn tại trường học. Tất nhiên, để có một chuyến đi bổ ích và an toàn, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp quản lí chặt chẽ đảm bảo sự an toàn cho học sinh trên suốt chuyến hành trình. Các bạn cũng cần tuân thủ đầy đủ quy định của điểm đến cũng như của người hướng dẫn.

Phùng Cúc

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *