LỄ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Ngày 30/5, tại quảng trường Hồ Chí Minh-thành phố Vĩnh Yên- tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình năm 2017 với chủ đề “Gia đình – nguồn lực và trách nhiệm trong phòng chống bạo lực gia đình”.  Dự lễ phát động có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; đại diện các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch 21 tỉnh, thành trong cả nước. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Việt Văn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia.

Cán bộ các sở, ban, nghành, huyện, thị tham gia lễ phát động

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước xảy ra trên 127.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nam giới chiếm 83,6% đối tượng gây bạo lực; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trẻ em sống trong gia đình có bạo lực, khả năng học tập bị suy giảm nghiêm trọng và một bộ phận các em có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mẫu thuẫn, xung đột với bạn bè. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian qua. Bạo lực gia đình còn làm gia tăng các loại tội phạm xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, giảm sút sức khỏe, suy giảm khả năng và năng suất lao đông, gia tăng chi phí y tế…

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, hiện cả nước có 6.996 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, 35.756 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 19.812 mô hình Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Để từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên toàn quốc, thu hút sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, giữ gìn gia đình bền vững, hạnh phúc, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, quyết định lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Để công tác này được thực thi hiệu quả, đồng chí yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương thực hiện tốt các quy định của pháp luật và các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ chương trình hành động quốc gia liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh “xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu tư giáo dục đạo đức trong gia đình”. Đồng thời, đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, triển khai những hoạt động mới, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình và nạn nhân bị bạo lực; đặc biệt chú ý đến những địa bàn tình trạng bạo lực gia đình diễn ra phổ biến. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về lĩnh vực này; lên án các hành vi vi phạm và biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

 Chủ tịch UBNN tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi lễ

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ đưa mục tiêu chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của địa phương và bố trí đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình ở các cấp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Tiếp tục phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vai trò của dòng họ, cộng đồng. Duy trì và nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng tại cộng đồng. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh tới cơ sở. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm  pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

Ngay sau lễ phát động, gần 1.000 người đại diện các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. 

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu ký hưởng ứng “Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình” 

… và cùng nắm tay khẳng định quyết tâm

Đoàn xe dẫn đầu buổi diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

… ngay sau là gần 1.000 người đại diện các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh

Ánh Nguyệt

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *