Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, du lịch; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững tại Hà Nội
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và các đại biểu dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023 trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024 và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, thời gian qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, du lịch Việt Nam có khởi sắc hơn. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, nhận diện thời cơ để tìm lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững: Nhận diện thời cơ và thách thức của du lịch Việt Nam; ; chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, những cách làm hay, bài học quý; đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của du lịch Việt Nam; đồng thời, khẳng định, để phát triển nhanh và bền vững, ngành Du lịch cần thay đổi tư duy, có tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn, phát triển đúng nghĩa là ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp cần khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn; khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Các dịch vụ du lịch cũng cần được đổi mới, sáng tạo thường xuyên; công tác quảng bá du lịch cần tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, đi theo xu thế của thời đại về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh, phát triển cần dựa trên nguồn lực tự nhiên, nguồn lực con người…
Thủ tướng tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành du lịch, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các bộ, ngành, sự liên kết và hợp tác đồng bộ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nên “sức mạnh tổng hợp to lớn” để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và cất cánh, thực hiện thành công Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để tới năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.