Hai cây gạo Thần nông

Mộc miên – tên gọi của một loài cây mà người dân chốn quê chẳng mấy khi gọi như vậy, nó thường được gọi bằng cái tên vừa gần gũi, thân thương, vừa mộc mạc, chân chất đậm vị quê- Cây gạo. Một biểu tượng của làng Việt mà bấy lâu nay vẫn gần gũi, gắn bó với người dân chốn quê nhưng lại ít được nhắc đến, đó là những cây gạo cổ thụ.
Những cây gạo rất ít thấy được trồng tại các khu di tích của làng như: đình, đền, chùa,…mà chủ yếu được trồng ở đầu làng, cạnh đường cái lớn hoặc những gò đất cao ngoài đồng. Không biết có phải vì lý do đó không mà những gốc gạo cổ thụ sần sùi kia luôn trầm mặc, lặng im đưa và đón bao thế hệ dân làng ra đi và trở về. Và rồi, sự im lặng ấy dường như được bừng thức bởi những bông hoa lửa làm rực sáng cả một khoảng trời quê vào mỗi độ tháng ba.
Giống như một “thành viên” của làng xã, cây gạo cổ thụ kia dường như có “linh hồn” và nó hòa nhập vào cuộc sống tâm linh của mỗi người dân thôn quê bình dị mộc mạc. Hai cây gạo thần nông hơn 300 năm tuổi, đường kính thân hơn 4 mét bên bờ sông Lô (thôn Phan Dư, xã Cao Phong, Sông Lô, Vĩnh Phúc) được Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là địa danh thứ 5 của tỉnh Vĩnh Phúc có cây cổ thụ được vinh danh Cây Di sản Việt Nam và là cây thứ 2.909 của nước ta được nhận danh hiệu cao quý này.


Những cột đá, bia đá, miếu nghè và những cây Gạo cổ thụ này là những chứng tích còn sót lại. Đầu làng, bến sông, người xưa đã trồng cây khẳng định ranh giới và che bóng mát cho những người đợi đò. Đây cũng là nơi người dân quê tổ chức tế lễ xuống đồng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, cây Gạo vẫn trường tồn xanh tốt và che chở bóng mát cho dân làng, cho những đoàn quân đi đánh giặc và cũng là nơi hẹn hò cho bao thế hệ trẻ.
Hằng năm, cứ từ Tết Hàn Thực trở đi, hai cây gạo lại bung nở những bông hoa lửa sáng rực một khoảng trời quê Sông Lô. Trên nền xanh biêng biếc của cánh đồng lúa đang thì con gái, của ao bèo tấm ven làng thì vẻ đẹp của nó dường như lung linh hơn và có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với nhiều loài chim từ đâu bay về ca hót. Nếu có dịp được quan sát trực tiếp những cây gạo nở hoa vào mỗi độ tháng ba, chắc chắn ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê, cảm nhận cái chiều sâu của bản sắc văn hóa làng xã cổ truyền mà những cây gạo kia là một lát cắt.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của thời đại, diện mạo của làng quê đang từng bước thay da, đổi thịt. Những con đường thôn, liên thôn, liên xóm, đường nội đồng được bê tông hóa. Những ngôi nhà tranh, nhà ngói dần được thay thế bằng nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, kiên cố. Cuộc sống của người dân chốn quê từng bước được nâng lên rõ rệt với những tiện nghi sinh hoạt ngày càng phong phú, đa dạng. Làng quê thay đổi, những lũy tre, cây gạo cổ thụ đầu làng không tránh khỏi bị tác động mà rõ rệt là sự giảm dần về số lượng. Những gốc gạo cổ thụ, sần sùi ngày một ít dần, chính vì vậy hai cây gạo thần nông đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời trở thành niềm ký ức kỷ niệm đẹp đẽ đối với những ai say sưa với văn hóa làng xã và nhất là những người dân chốn quê thanh bình.
Hai cây gạo thần nông sần sùi mang màu thời gian không chỉ được coi là dấu hiệu quen thuộc để nhận diện một làng quê mà nó còn là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan chụp ảnh mỗi độ hoa nở. Chính vì thế, những cây gạo cổ thụ rất cần được người dân bảo tồn, chăm sóc, vun trồng, gìn giữ để nó thực sự và mãi mãi là biểu tượng của làng xã Sông Lô nơi đây.

HỒNG QUÂN

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *