Chung tay giảm thiểu ô nhiễm môt trường không khí

Trước mức độ nguy hại từ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương đang đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của hiện tại và tương lai, việc khuyến khích các giải pháp ngăn ô nhiễm không khí, rác thải nhựa trên biển cũng như trên đất liền đã và đang được cả thế giới đề cao. Và chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” được chọn cho ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay chính là thông điệp kêu gọi các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á- Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ô zôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

 Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về các ca bệnh liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí, thế nhưng dự báo, tỷ lệ người dân bị viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gia tăng vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm. Đáng lo, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ về khí phát thải và lưu lượng phương tiện giao thông cơ giới ngày càng tăng cao.

 Tại Vĩnh Phúc, những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng nhanh chóng về dân số, bên cạnh những lợi ích mang lại, môi trường không khí các khu đô thị, các làng nghề đã và đang chịu những ảnh hưởng nhất định. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh năm 2018, diễn biến môi trường không khí xung quanh vào mùa khô ghi nhận chỉ tiêu tổng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn 6/17 vị trí quan trắc; 2 vị trí có chỉ tiêu tiếng ồn vượt quy chuẩn; 2 làng nghề mộc Lũng Hạ, xã Yên Phương, và thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, Yên Lạc cũng phát hiện chỉ tiêu tổng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, tại thành phố Vĩnh Yên, nồng độ bụi tại một số khu vực như ngã ba, ngã tư, các khu công nghiệp đều cao hơn quy chuẩn cho phép.

 Bên cạnh đó, hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn cũng đang làm phát sinh một lượng khí thải, bụi có chứa các thành phần độc hại như: CO, NO2, SO2… là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị. Cùng đó, hoạt động xây dựng cũng có những tác động đáng kể đến môi trường như: Chiếm dụng đất, gây tiếng ồn, bụi bẩn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

 Để kiểm soát chất lượng môi trường, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư, lắp đặt 6 trạm quan trắc môi trường tự động; duy trì hoạt động của phòng thí nghiệm đã đạt chuẩn Vilas 329, đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc phân tích môi trường. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề như: Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, làng nghề và các khu, cụm công nghiệp… Cùng đó, chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở, doanh nghiệp nhằm phát hiện, xử lý những vi phạm về môi trường; buộc các chủ dự án phải thực hiện nghĩa vụ đầu tư kinh phí cho các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

 Ông Nguyễn Bá Hiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: Cùng với tích cực hưởng ứng chương trình, kế hoạch Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra Ngày Môi trường Thế giới năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, các giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai thực hiện là: Tập trung kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp; thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí; huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác… Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, theo ý kiến của các chuyên gia về môi trường, cộng đồng dân cư là đối tượng chính tham gia các hoạt động phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí và cũng chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả. Vì vậy, bảo vệ môi trường không khí không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

 Trong bối cảnh hiện nay, nếu như mỗi người dân tích cực tham gia góp sức vào công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; hạn chế việc đốt chất thải nông nghiệp sau thu hoạch tại các khu vực nông thôn gắn với trồng thêm nhiều cây xanh quanh khu vực đo thị, khu công nghiệp… chắc chắn bài toán ô nhiễm môi trường không khí sẽ không quá khó để tìm ra lời giải.

 

Bích Phượng – Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *