10 THÀNH TỰU KINH TẾ – XÃ HỘI NỔI BẬT CỦA TỈNH VĨNH PHÚC SAU 20 NĂM TÁI LẬP

  1. Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 5 kì Đại hội, đề ra phương hướng phát triển kinh tế xã hội đúng đắn cho từng giai đoạn, đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông, GRDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 bình quân toàn quốc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với GRDP bình quân đạt 72,3 triệu đồng năm 2016.
  2. Giai đoạn 1997 – 2016 đã chứng kiến nhiều đổi thay về địa giới hành chính tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập; năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội; năm 2009, huyện Lập Thạch được chia tách thành 2 huyện: Lập Thạch và Sông Lô. Hiện Vĩnh Phúc có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện.
  3. Sau 20 năm tái lập, kinh tế Vĩnh Phúc có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997- 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 15%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2016: Công nghiệp – xây dựng: 61,97%; dịch vụ: 27,78%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 10,25%.
  4. Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn tăng 236 lần so với năm 1997. Từ 114 tỷ đồng năm 1997, thu ngân sách của Vĩnh Phúc đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng năm 2002 và mốc 10.000 tỷ đồng năm 2009. Năm 2016, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 236 lần so với năm 1997, đứng thứ 8 về tổng thu và đứng thứ 6 cả nước về thu nội địa.
  5. Thu hút đầu tư tăng mạnh với 884 dự án, tăng 875 dự án so với năm 1998. Trong đó có 231 dự án FDI, vốn đăng kí 3,56 tỷ USD và 653 dự án DDI, vốn đăng kí 56.800 tỷ đồng. Vĩnh Phúc đã trở thành “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới: TOYOTA, HONDA, PIAGIO, SUMITOMO…
  6. Giai đoạn 1997 – 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lượt lao động, trong đó có hơn 2 vạn lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016.
  7. Đô thị và nông thôn mới phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III và 20 xã, thị trấn được công nhận đô thị loại V. Hết năm 2015, có 68/112 xã và 2 huyện: Yên Lạc, Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2016, có thêm 24 xã đạt chuẩn.
  8. Phát triển cơ sở hạ tầng đi trước một bước. Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh, nhiều tuyến đường tránh đô thị, đường tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hiện 100% tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, 90% đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số xã, hơn 80% số thôn. Toàn tỉnh có 95.000 thuê bao internet, 910 nghìn thuê bao điện thoại các loại, đạt mật độ 90 máy/100 dân.
  9. Nhiều công trình văn hóa, tâm linh, phúc lợi được khởi công, đưa vào sử dụng: Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, khu trung tâm lễ hội Tây Thiên…Tháp Bình Sơn, khu danh thắng, di tích Tây Thiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
  10. Với hơn 18.000 nhà đại đoàn kết đã được xây dựng, tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo vào năm 2011; không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều hiện còn 4,9%.

Cổng TTGTĐT

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *