5 cơ quan vào cuộc, siết hoạt động chuyển tiền trái phép

Theo yêu cầu của Chính phủ, ngay trong tháng 6 này, các bộ ngành liên quan sẽ phải có báo cáo về thực trạng các hoạt động thanh toán, đồng thời đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp để hạn chế việc sử dụng các thiết bị cao để chuyển tiền bất hợp pháp.
 >> Thưởng nóng BĐBP An Giang bắt hàng lậu, chuyển tiền trái phép số lượng lớn

 Kiểm tra, bắt giữ một vụ vận chuyển tiền trái phép (Ảnh minh họa/Lao động)

Kiểm tra, bắt giữ một vụ vận chuyển tiền trái phép (Ảnh minh họa/Lao động)

Cụ thể, theo yêu cầu của Phó Thủ trướng Vương Đình Huệ, các Bộ: Bộ Công An, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, hệ thống cửa hàng và việc giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật; kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.

Trong đó, NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới để đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp; hạn chế việc lợi dụng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để thanh toán, chuyển tiền bất hợp pháp, không đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2018.

Hiện NHNN đã hoàn tất bản dự thảo báo cáo Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành chức năng có liên quan.

Theo ghi nhận thực tế tại một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa hiện có cửa hàng không bán hàng cho khách Việt Nam mà chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc. Đặc điểm của các cửa hàng này cũng được Dân trí phản ánh là đều đặt ở Việt Nam nhưng lại mở tài khoản thanh toán ở Trung Quốc nên rất khó khăn cho việc quản lý thuế.

Các sản phẩm bán ra tại cửa hàng khá đa dạng nhưng thông tin về hàng hóa, nhãn mác, xuất xứ lại không rõ ràng. Khi thanh toán, khách hàng quẹt trên thiết bị POS kết nối trực tiếp đến ngân hàng thanh toán tại Trung Quốc hoặc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động… Tiền sau đó được chuyển giữa người mua người bán thông qua ngân hàng Trung Quốc, khiến công tác quản lý gặp khó khăn.

Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, việc niêm yết, quảng cáo, báo giá, ghi giá hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Điều này có nghĩa mọi hành vi niêm yết, báo giá, quảng cáo tương tự khác bằng ngoại tệ đều vi phạm và bị xử lý.

Trước đó Dân trí đã từng thông tin về việc một cửa hàng mang tên “Ngôi nhà mơ ước” tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, chỉ bán cho người Trung Quốc, đã bị xử phạt với mức phạt lên tới 500 triệu đồng do vi phạm việc niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ.

Đây cũng là lần thứ hai cửa hàng này bị cơ quan chức năng “sờ gáy” với cùng một hành vi. Trước đó cửa hàng này đã bị thành phố đề nghị xử phạt 800 triệu đồng về hành vi niêm yết giá, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng may mắn “thoát đẹp” do có sự vênh nhau về thời hạn chuyển biên bản vi phạm.

H.Anh

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *