Ước vọng đau đáu từ bản Di chúc

Trong suốt cuộc đời mình, cho tới tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ngay những dòng đầu tiên của Bản Di chúc – Bức thư để lại, trong Người vẫn là ước vọng đau đáu: được vào với đồng bào miền Nam.

“Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”

Năm 1965, trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào hồi quyết liệt, Bác Hồ tiếp đón phái đoàn Anh hùng chiến sĩ miền Nam vượt tuyến lửa ra thăm miền Bắc thân yêu. Bác ôm hôn thắm thiết các chiến sĩ và Người rưng rưng xúc động nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Chừng nào nhân dân miền Nam còn sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng, chừng đó ngày tôi ăn không ngon và đêm tôi ngủ không yên”.

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên, Người bày tỏ tình cảm, mối quan tâm đặc biệt dành cho miền Nam, cho đồng bào miền Nam. Ngay sau ngày lập Nước, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới đồng bào miền Nam, Người thường xuyên theo dõi, chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam chống quân xâm lược và bè lũ tay sai đồng thời gửi thư động viên.

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng. 

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng. 

Ngày 26/9/1945, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã có lá thư đầu tiên gửi đồng bào Nam Bộ nhằm động viên, kêu gọi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam khi thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong lá thư, Người bày tỏ sự tin tưởng dành cho đồng bào miền Nam: “Tôi chắc và đồng bào cả nước cũng chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”.

Ngày 1/6/1946, trước khi lên đường sang Pa-ri để đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Hồ Chủ tịch lại có thư gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư, một lần nữa tình cảm với đồng bào Nam Bộ lại được Người khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi…”.

Năm 1952, trong lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”. Ngày 01/01/1956, trong lời chúc mừng năm mới Bác Hồ đã viết: Miền Nam yêu quý của chúng ta luôn xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc”.

“Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”

Với những người làm cha làm mẹ dành cho con mình, đứa con nào càng ở xa, càng trong thử thách, càng dành cho đứa con ấy nhiều tình cảm hơn. Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam, với đồng bào miền Nam cũng như vậy. Khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam ngày càng diễn ra khốc liệt, trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Bác Hồ luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Người kêu gọi: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, dồn sức người, sức của để chi viện cho quân dân miền Nam chiến đấu.

Năm 1966, trong một lần tiếp phóng viên Cuba, Hồ Chủ tịch đã đặt tay lên ngực mình và nói: “Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi!”. Nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Hồ Chủ tịch là miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa được thống nhất. 

Càng trong nỗi đau đấy, Bác càng dành tấm lòng thương yêu đặc biệt cho đồng bào miền Nam: Bác chăm sóc các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc, Bác cho xe ôtô đón các cháu từ Hải Phòng về Thủ đô ăn Tết với Bác; xem triển lãm tranh tượng của họa sĩ miền Nam; thăm trại an dưỡng, trại thiếu nhi miền Nam. Bác luôn dành những khoảng thời gian quý giá của mình để tiếp đón, trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc… Ngày 20/12/1962, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, Bác xúc động ôm hôn Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, đặt tay lên ngực trái mình, Bác nói: “Miền Nam yêu quý luôn luôn trong trái tim tôi”. Năm 1963, Bác mời Thượng tướng Trần Văn Trà đến ăn cơm chia tay, trước khi vào Nam chiến đấu, Bác nhắn nhủ: “Cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”. Năm 1965, gặp đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam, Bác xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Mùa Xuân năm 1969, dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn dành thời gian tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bác nói: “Tôi chỉ xin nói một câu thôi: Bao giờ Nam – Bắc một nhà/Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”.Bác xúc động nhắc lại điều Bác đã từng nói nhiều lần: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”.

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam  năm 1969.

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam  năm 1969.

Đau đáu một niềm mong

“Bác sẽ về thăm lại miền Nam/Miền quê luôn có trong trái tim của Bác/Bác sẽ về thăm lại miền Nam/Sẽ đến từng nhà, sẽ đính vào cổ chiếc khăn rằn Nam Bộ/Sẽ hỏi chúng con chuyện lúa làm ba vụ…”  Những dòng ca của tác giả Nguyễn Trung Nguyên trong bài vọng cổ “Bác sẽ về thăm lại miền Nam” cũng chính là niềm mong ước, nỗi khát khao cháy bỏng của Bác.

Lúc sinh thời, Người đã từng chia sẻ: “Quê mình ở Nam Đàn – Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở Xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, lúc sống, mình đã từng đến Phan Thiết, Sài Gòn,… nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn….”.

Nỗi mong mỏi ấy đau đáu trong Bác đến mức, ngay trong những dòng đầu tiên trong Di chúc – “Bức thư để lại”, Người, sau khi đặt niềm tin rằng “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, Bác bày tỏ: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”…

Những năm trước đó, “được vào thăm đồng bào miền Nam” luôn là niềm ước vọng được Bác bày tỏ trong nhiều dịp. Tháng 9/1954, trong thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”. Ngày 10/3/1968, trong “Bức thư gửi đồng chí Lê Duẩn”, ngay đầu bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu chuyện “hồi Noel năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, nhưng nay Bác muốn đổi chữ sau thành chữ trước”.

Cho tới những năm cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu mệt, Bác vẫn đề nghị: Hãy tổ chức cho Bác đi vào miền Nam. Nhưng các đồng chí phụ trách có thưa với Bác: Theo tiến triển của cuộc chiến thì có thể không bao lâu nữa sẽ thắng lợi hoàn toàn. Và lúc bấy giờ Bác sẽ đi thăm đồng bào miền Nam. Sau khi nghe xong, Bác chỉ nói: – Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng giặc Mỹ mới vào thì còn nói làm gì? Lâu lâu, Bác lại nhắc việc chuẩn bị đến đâu rồi. Thấy Bác rất quyết tâm, các đồng chí phụ trách đành phải báo cáo đường đi khó khăn, vất vả, e Bác đi không được. Bác lại nói: – Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi cũng đi được. Đi mỗi ngày một ít, chưa chắc thua các chú đâu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trả lời phỏng vấn đề tài: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc” đã kể: “Chiều hôm ấy là 29/8/1969, Bác rất mệt, nhưng khi thấy người tỉnh táo thì Bác lại gọi tôi vào báo cáo tình hình chiến sự miền Nam. Tôi đứng bên cạnh giường Bác, chỉ lên tấm bản đồ báo cáo Bác: Thưa Bác, tình hình rất tốt… Bác nghe rất chăm chú, rất tỉnh, hai mắt sáng ngời. Đó là lần cuối cùng Bác nghe báo cáo và nội dung báo cáo ấy là về tình hình miền Nam… Trao cho Bác mấy cành hoa nhài, Bác ra hiệu cắm vào trong một cái lọ nhỏ bên cạnh giường. Bác nghe tin chiến thắng miền Nam, Bác nhìn hoa nhài, và Bác cười rất tươi. Đó cũng là nụ cười cuối cùng của Bác”.

Bác đã không thể chờ đến ngày 30/4/1975 khi hai miền Nam – Bắc chính thức thống nhất. Sẽ mãi, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha…

Thư Trang

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *