Điều kiện tự nhiên của Vĩnh Phúc

 

       Đến năm 2008 có tổng diện tích tự nhiên là 123.176,43 ha, dân số 1.059.063 người, gồm 9 đơn vị hành chính là: Thành phố Vĩnh Yên (tỉnh lỵ), thị xã Phúc Yên và các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên, Sông Lô. Toàn tỉnh có 137 xã, phường, thị trấn.

       Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng, là miền chuyển tiếp, cầu nối giữa các tỉnh miền núi Việt Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với vị trí như vậy, Vĩnh Phúc có 3 loại địa hình chính: địa hình miền núi, địa hình vùng đồi và địa hình vùng đồng bằng.

Thành phố Vĩnh Yên
* Địa hình miền núi Vĩnh Phúc được chia thành 3 loại:

       – Địa hình núi lửa chủ yếu thuộc dãy Tam Đảo. Trong đó địa phận của Vĩnh Phúc được bắt đầu từ xã Đạo Trù (Lập Thạch) đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) có chiều dài 30 km theo hướng Đông Nam, có nhiều đỉnh cao trên 1000m. Cao nhất là núi giữa (1.542m), đỉnh Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị cao trên dưới 1.400m, nổi lên như 3 hòn đảo được gọi là Tam Đảo.

       – Địa hình núi thấp đại diện là núi Sáng thuộc địa phận xã Đồng Quế và Lãng Công (Lập Thạch) cao 633m, đây là một dạng địa hình xâm thực, bóc mòn. Địa hình núi thấp ở Vĩnh Phúc rộng hàng chục km2.

       – Địa hình núi sót gồm núi Đinh, núi Trống (Vĩnh Yên), núi Thanh Tước (Mê Linh). Địa hình núi sót chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, có chiều dài vài km, rộng vài trăm mét, với độ cao từ 50-70m.

* Địa hình vùng đồi: Phổ biến ở các huyện trong tỉnh với mức độ khác nhau. Nhiều nhất là các huyện Lập Thạch, Tam Dương có độ cao từ 50-200m. Đồi ở các huyện đồng bằng thưa thớt có độ cao từ 20-50m.

* Địa hình đồng bằng: Chiếm 40% diện tích toàn tỉnh được chia thành 3 loại:

       – Đồng bằng châu thổ được hình thành do quá trình lắng đọng trầm tích tại các cửa sông lớn như Sông Hồng, Sông Lô, Sông Phó Đáy và hệ thống sông suối từ dãy Tam Đảo chảy ra.

        Diện tích đồng bằng được phân bố trên toàn bộ huyện Yên Lạc, hầu hết huyện Vĩnh Tường, chiếm diện tích lớn ở Tam Dương, Bình Xuyên, Mê Linh. Đồng bằng châu thổ phì nhiêu đã thu hút con người đến sinh cư lập nghiệp từ rất sớm.

       – Đồng bằng trước núi (đồng bằng giới hạn) được hình thành do sức bóc mòn, xâm thực của nước mặt bồi lắng tạo thành, được bao quanh là đồi núi. So với đồng bằng châu thổ, đồng bằng trước núi kém màu mỡ hơn.

       – Địa hình thung lũng, bãi bồi  sông được hình thành chủ yếu do tác động xâm thực của dòng chảy, là nguồn phù sa màu mỡ tạo thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đồng thời còn cung cấp cát, sỏi, thạch anh và si – lích cho ngành xây dựng.

* Sông ngòi và đầm hồ: Vĩnh Phúc có hệ thống sông ngòi, đầm hồ dày đặc, ngoài giá trị về kinh tế còn tạo ra môi trường cảnh quan, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển trong tương lai.

        Hệ thống Sông gồm Sông Hồng, Sông Lô và Sông Phó Đáy. Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ ngã 3 Hạc đến xã Tráng Việt (Mê Linh) dài 41km. Sông Lô chảy vào Vĩnh Phúc qua Lập Thạch đến ngã 3 Hạc dài 43 km. Sông Phó Đáy chảy vào địa phận Vĩnh Phúc từ xã Quang Sơn (Lập Thạch) đến xã Sơn Đông (Lập Thạch) rồi đổ vào Sông Lô dài 55 km. Ngoài ra còn có Sông Phan, Sông Cầu Bòn, Sông Bá Hạ, Sông Cà Lồ đều được bắt nguồn từ dãy Tam Đảo và chảy về phía Nam của tỉnh.

        Ngoài hệ thống sông ngòi, Vĩnh Phúc còn có hệ thống đầm, hồ phân bố rải rác khắp trên địa bàn tỉnh như đầm Vạc (Vĩnh Yên), đầm  Dưng, Vực Xanh, Vực Quảng Cư, đầm Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), đầm Tam Hồng, Cốc Lâm (Yên Lạc). Hồ Đá Ngang, hồ Khuân, hồ Bò Lạc, Vân Trục, suối Sải (Lập Thạch), hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Bình Xuyên), hồ Làng Hà.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *