Tình hình phát triển Kinh tế – Xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc

  1. Khái quát về tỉnh Vĩnh Phúc.

– Tỉnh Vĩnh phúc được thành lập năm 1950 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Năm 1968, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ sáp nhập lại thành tỉnh Vĩnh Phú. Đến năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trở lại. 

– Tỉnh có diện tích 1.231 Km2, dân số trên 1 triệu người. Có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 1 thành phố và 1 thị xã. Tỉnh có 137 xã, phường, thị trấn.

– Vĩnh Phúc nằm ở phía Bắc và Tây bắc Thủ đô Hà Nội, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng lan toả của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

 – Tỉnh có vị trí rất thuận lợi: Gần sân bay quốc tế Nội Bài; Giáp với Thủ đô Hà Nội; Có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai và tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Lào Cai, tiếp giáp với Trung Quốc; Có nhiều danh lam thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng.

  1. Thành tựu đạt được.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, bằng sự nỗ lực cố gắng cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã giành được kết quả toàn diện trong phát triển KT-XH.

+ Về phát triển kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng (GDP) 16 năm qua bình quân đạt khoảng 17%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 tăng 6,11% so với năm 2013, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

– Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 đạt 20.966 tỷ đồng, vượt dự toán được giao và tăng 7,4%, đặc biệt, trong đó thu nội địa đạt 17.702 tỷ đồng, là năm có thu ngân sách và thu nội địa đạt cao nhất từ trước đến nay.  Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.590 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ.

– GDP bình quân đầu người (theo giá thực tế) liên tục tăng, năm 1997 mới chỉ đạt khoảng 140 USD/người bằng 48% bình quân chung của cả nước, đến năm 2014 đạt trên 2.320 USD/người.   

– Về thu hút đầu tư, năm 2014, Vĩnh Phúc đã thu hút được 85 dự án đầu tư mới, trong đó, có 40 dự án DDI và 45 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư mới và vốn tăng từ các dự án cũ là 5.679,6 tỷ đồng và 418,4 triệu USD.  Đây là năm có số dự án và số vốn đăng ký cao nhất trong 18 năm sau tái lập tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh cấp mới GCNĐT cho 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 163,43 triệu USD và 31 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.332 tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.080,85 triệu USD và 594 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 44.493,2 tỷ VND. Về tình hình vận động và giải ngân vốn ODA: Tỉnh đã tập trung vận động và chuẩn bị văn kiện cho 06 dự án lớn, với tổng vốn vận động dự kiến khoảng 400 triệu USD. Trong đó, 03 dự án sử dụng nguồn vốn WB, ADB và OFID dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vào quý III/2015.

– Trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn, Vĩnh Phúc có truyền thống phát hiện và đột phá về cơ chế, từ cơ chế khoán hộ những năm 1966-1968 của thế kỷ trước và đưa vụ Đông thành vụ sản xuất chính. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, việc làm cụ thể đi tiên phong trong cả nước về nông nghiệp, như năm 2006 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã hoàn thành 100% quy hoạch xã nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới… sớm nhất cả nước và cũng là tỉnh đi đầu cả nước trong việc kiên cố hoá kênh mương phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Thành phố Vĩnh Yên đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II, thị xã Phúc Yên trở thành đô thị loại III.

– Nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh được cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như : Khu công viên quảng trường tỉnh, khu danh thắng Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Văn miếu tỉnh, Khu các trường Đại học… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với cầu Vĩnh Thịnh, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cùng các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được đẩy nhanh tiến độ, được đưa vào sử dụng, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tới.

+ Về phát triển văn hóa xã hội: Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh đã quan tâm phát triển văn hóa-xã hội.

– Về giáo dục và đào tạo: tiếp tục phát triển ổn định ở mức cao, là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, luôn là địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục được,luôn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực, trong đó có cả huy chương vàng.

– Về y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm, ngày càng đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỉnh đã và đang tập trung đầu tư xây dựng, phát triển y tế công, đồng thời khuyến khích xã hội hóa về y tế.

– Các lĩnh vực văn hoá thể thao không ngừng được đầu tư và phát triển. Tỉnh quan tâm đầu tư vào các khu di tích, khu du lịch, các công trình văn hoá công cộng như khu Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải, Công viên quảng trường, Nhà hát tỉnh….

+ Công tác quốc phòng, an ninh luôn được quan tâm, tăng cường củng cố về mọi mặt, nhất là trong công tác huấn luyện, đầu tư cơ sở vật chất …. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Có thể nói: Thành tựu mà tỉnh đạt được trong những năm qua đã tạo ra diện mạo và thế phát triển mới cho Vĩnh Phúc hôm nay.

  1. Về nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Tỉnh đã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI”.  Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao quy mô chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá.

Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có chính sách, cơ chế để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hợp tác và hợp tác xã.

Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tập trung làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để thu hút đầu tư.

– Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thể dục thể thao. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ.

–  Tiếp tục đảm bảo trật tự an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững sự ổn định để tập trung phát triển kinh tế. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *