Tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc được biết đến là tỉnh có nhiều tài nguyên và tiềm năng để phát triển du lịch. Thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế và dịch vụ. Quốc lộ 2 chạy qua tỉnh đã được nâng cấp, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc cùng với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) chạy qua địa bàn tỉnh góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các nước, vùng lãnh thổ có dòng sông Mê Kông chảy qua. Nằm kề với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, một trong 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước. Vĩnh Phúc gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp. Những thuận lợi về giao thông sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

 

Vĩnh Phúc nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Địa hình như vậy tạo cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan hấp dẫn như: Dãy Tam Đảo, nơi có Khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách; các hồ: Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng… là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc; vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù… là điểm du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu hấp dẫn gắn liền với những tour du lịch đồng quê.

 Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước, trong dòng chủ lưu lịch sử phát triển dân tộc. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm của lịch sử cho đến ngày nay, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú mang giá trị cao như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống (lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…); các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo (hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca…) và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống (làng gốm Hương Canh, làng mộc Thanh Lãng, làng rắn Vĩnh Sơn, làng rèn Lý Nhân, nghề đá Hải Lựu…); trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương của Vĩnh Phúc cũng là sức hút du khách.

 Vĩnh Phúc không chỉ thu hút khách du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, những giá trị nhân văn đa dạng mà còn giàu lòng mến khách, với những nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Quý khách sẽ nhận thấy một không gian an toàn, trong lành và yên bình nơi đây.

 

Tính đến tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh có 288 cơ sở lưu trú du lịch với 4.437 phòng. Trong đó có: 01 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 239 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Ngoài ra có Flamingo Đại Lải Resort đạt đẳng cấp quốc tế. Hiện nay có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 04 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Tổng số lượt khách tham quan du lịch 6 tháng đầu năm 2015 đạt: 1.752.073 lượt khách (trong đó: khách quốc tế: 12.029 lượt khách, khách nội địa: 1.740.044 lượt khách). Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2015 đạt: 583 tỷ đồng. Các Công ty lữ hành hoạt động ngày một phát triển có các chương trình tour chất lượng, phong phú và đa dạng, tổ chức các tour du lịch trong nước, quốc tế, đưa đón khách từ các tỉnh, các nước đến Vĩnh Phúc.

 Ngày 06 tháng 6 năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 1335/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, du lịch Vĩnh Phúc phải xác định rõ hướng phát triển, tạo được hình ảnh đặc trưng riêng phù hợp với tiềm năng du lịch của tỉnh. Năm 2020, du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu khách du lịch các mùa trong năm và du lịch cuối tuần; quan tâm phát triển và khai thác tiềm năng du lịch văn hoá, tâm linh; mở rộng thêm các lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục vụ hội thảo, phát triển mô hình du lịch kết hợp với thăm quan, học tập kinh nghiệm; tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Phúc. Cho đến nay, du lịch Vĩnh Phúc đã phần nào khẳng định được thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Theo Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Vĩnh Phúc nằm trong vùng du lịch Đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, thuộc tiểu vùng thủ đô, riêng Khu Du lịch Tam Đảo là một trong 46 khu du lịch quốc gia được ưu tiên đầu tư 250 triệu USD trong giai đoạn 2011 – 2030.

 Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch và triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước. Vĩnh Phúc cũng đã thuê các đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết các khu Tam Đảo I, Đại Lải và Tây Thiên. Ngành du lịch xác định trước mắt cần tập trung vào những khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu Du lịch Tam Đảo – khu Tam Đảo I, Tam Đảo II, Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên (tiếp tục triển khai để hoàn thành Dự án Khu Trung tâm lễ hội Tây Thiên, trước đó Dự án xây dựng hệ thống cáp treo dài 2,5 km tại Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư đã khánh thành ngày 7/3/2012 góp phần làm tăng lượng khách đến với danh thắng này); Đại Lải (hiện Flamingo Đại Lải Resort vẫn tiếp tục phát triển thêm các hạng mục, Dự án Paradise Đại Lải Resort đang được triển khai, nghiên cứu triển khai Dự án Trường đua  ngựa Đại Lải); Đầm Vạc (Dự án Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc),…

 Vĩnh Phúc đang tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Tỉnh huy động mọi nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư; chủ động dành quỹ đất cho các dự án  đầu tư du lịch. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá gắn với bảo vệ môi trường – tài nguyên. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn, đặc biệt là các địa phương có ngành du lịch phát triển. Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, khẳng định vai trò của du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và phấn đấu đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ Quốc gia.

 Ngoài ra, Vĩnh Phúc có được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ trong việc nâng cấp hạ tầng du lịch. Là địa phương đang đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp, dịch vụ vì vậy Vĩnh Phúc đã và đang đứng trước cơ hội với sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước trong việc nâng cấp và phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng du lịch nói riêng. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển du lịch. Thực tế trong những năm qua cho thấy mức hỗ trợ đối với du lịch Vĩnh Phúc là hàng trăm tỷ đồng. Đường lên Tam Đảo, đến Đại Lải, Tây Thiên… đã và đang nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả từ nguồn ngân sách nhà nước.

 Cùng với sự phát triển kinh tế địa phương, hệ thống các cơ sở dịch vụ, du lịch của Vĩnh Phúc cũng được đầu tư nhiều cả về số lượng và chất lượng, từ hệ thống ngân hàng, bưu chính – viễn thông đến nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… là yếu tố kích thích các dịch vụ phát triển mạnh hơn.

 Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người mến khách, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và thực sự cầu thị. Tỉnh chủ trương phát triển kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để khai thác tiềm năng, xây dựng ngành du lịch ngày càng phát triển, Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Vĩnh Phúc trân trọng và sẵn sàng đón tiếp du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, coi đây là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế du lịch.

  Nguyễn Dũng

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *