Lịch sử hình thành và phát triển

Thời Hùng Vương với tên nước Văn Lang, Vĩnh Phúc nằm trong địa phận bộ Văn Lang, trên hợp lưu của ba con sông: Sông Thao, Sông Đà, Sông Lô…

I. LỊCH SỬ

Năm 257- 110 TCN, địa bàn Vĩnh Phúc nằm trong nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Tên gọi vùng đất này theo thổ âm có thể là ” M’ rinh hay M’ Linh, sau này được phiên âm thành Mê Linh hay Mi Linh”.

Từ năm 111 TCN, nhà Hán xâm chiếm nước ta, chia làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Khi đó, dưới quận là huyện, và Vĩnh Phúc bấy giờ (cho tới năm 243 SCN ) nằm trong huyện Mê Linh.

Đến thế kỷ thứ III, Vĩnh Phúc bị xé lẻ và nằm trong 2 huyện Gia Ninh và Mê Linh (thuộc quận Tân Xương). Tới thế kỷ VI (thời nhà Tuỳ),Vĩnh Phúc nằm trong địa phận 2 huyện Gia Ninh và Tân Xương…

Từ đó đến thế kỷ XIII,Vĩnh Phúc trải qua nhiều biến động. Từ thế kỷ XIII – XIV, nhà Trần vẫn chia nước thành các lộ; đến nhà Hồ lại đổi lộ thành trấn. Dưới lộ (hay trấn) là các phủ, dưới châu là huyện, dưới huyện là các xã. Lúc này, các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (thời Trần Mạt ), nằm trong ba trấn và lộ sau:

+ Lộ Đông Đô: Châu Tam Đới (Vĩnh Tường) có huyện Yên Lạc, huyện Yên Lãng và huyện Lập Thạch.
+ Lộ Bắc Giang: Châu Bắc Giang có huyện Tân Phúc, châu Vũ Ninh có huyện Đông Ngàn (gồm huyện Kim Anh, huyện Từ Sơn).
+ Trấn Tuyên Quang có huyện Dương. Cho tới cuối đời thời Hậu Lê đầu nhà Nguyễn (đầu thế kỉ XIX ) vùng đất Vĩnh Phúc lại nằm trong các trấn sau:
+ Trấn Kinh Bắc: Phủ Từ Sơn có huyện Đông Ngàn, phủ Bắc Hà có huyện Tân Phúc, huyện Kim Hoa.
+ Trấn Sơn Tây: Phủ Tam Đới gồm các huyện Bạc Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng; Phủ Đoan Hùng có huyện Dương.
+ Trấn Thái Nguyên: Phủ Phú Bình có huyện Bình Tuyền.

Dưới triều Nguyễn (thế kỉ XIX), vua Minh Mệnh đổi trấn thành tỉnh, phạm vi Vĩnh Phúc lại nằm vào 3 tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Đến cuối thế kỉ XIX, nhằm thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp tiếp tục chia cắt và xáo lộn các huyện, các xã ở Bắc Kỳ để thành lập các trung tâm cai trị mới.Theo đó, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên bị cắt xén bớt đi, các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên lần lượt ra đời:

– Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1890. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử có những biến động nên mãi tới năm 1899, toàn quyền Pháp ở Đông Dương mới ban hành quyết định chính thức thành lập tỉnh Vĩnh Yên. Tuy vậy, qua nhiều lần xáo trộn, cuối cùng ngày 6/ 10/ 1901, tỉnh Vĩnh Yên mới ổn định với một phủ là Vĩnh Tường và 4 huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên.

– Ngày 6/10/1901, Pháp thành lập tỉnh Phù Lỗ gồm phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh và một phần huyện Đông Khê (cắt từ tỉnh Bắc Ninh ra), hợp với huyện Yên Lãng (tách từ tỉnh Vĩnh Yên ra), tỉnh lỵ đặt ở làng Phù Lỗ huyện Kim Anh.

Ngày 10/12/1903, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên.

Ngày 7/3/1913, tỉnh Phúc Yên đổi làm đại lý Phúc Yên, lệ thuộc tỉnh Vĩnh Yên.

Ngày 31/3/1923, Thống sứ Bắc Kỳ lại ra Nghị định lập lại tỉnh Phúc Yên, gồm hai phủ (Đa Phúc, Yên Lãng) và hai huyện (Kim Anh – Đông Anh) – Đây là tỉnh nhỏ nhất xứ Bắc Kỳ lúc bấy giờ .

* Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950, trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên.

Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1899. Địa bàn của tỉnh bao gồm huyện Bình Xuyên tách từ phủ Phú Bình tỉnh Thái Nguyên, toàn bộ phủ Vĩnh Tường gồm 5 huyện là Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc và phủ Yên Lãng tách từ tỉnh Sơn Tây. Năm 1901 phủ Yên Lãng tách khỏi tỉnh Vĩnh Yên nhập vào tỉnh Phù Lỗ.

Tỉnh Phúc Yên được thành lập ngày 06/10/1901 lúc đầu mang tên Phù Lỗ. Địa bàn tỉnh gồm 3 huyện cắt từ tỉnh Bắc Ninh sang là huyện Kim Anh, huyện Đông Khê (năm 1903 huyện Đông Khê đổi thành Đông Anh) và huyện Đa Phúc. Từ ngày 18/02/1904 tỉnh lỵ dời từ làng Phù Lỗ lên Tháp Miếu tổng Bach Trữ, Phúc Yên, từ đó tên tỉnh đổi tên từ Phù Lỗ sang tỉnh Phúc Yên.

Tháng 2/1950 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phúc. Khi hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.715km2, dân cố 47 vạn người.

Từ khi tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đến nay có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính:

– Năm 1955 huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Vĩnh Phúc, đến năm 1957 lại trở lại tỉnh Thái Nguyên.
– Tháng 6/1957 thị trấn Bạch Hạc và tháng 7/1977 hai thôn Mộ Chu Hạ và Lang Đài của xã Bồ Sao huyện Vĩnh Tường chuyển về thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ.
– Tháng 6/1961 huyện Đông Anh, xã Kim Chung, huyện Yên Lãng, thôn Đoài xã Phù Lỗ huyện Kim Anh tách khỏi Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
– Tháng 2/1968 tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.

Trong thời gian là tỉnh Vĩnh Phú, tháng 10/1977 các huyện trong tỉnh hợp nhất thành huyện lớn. Trên phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc cũ, huyện Kim Anh và Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn. Huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc hợp nhất thành huyện Vĩnh Lạc. Huyện Tam Dương và Lập Thạch hợp nhất thành huyện Tam Đảo. Huyện Yên Lãng và Bình Xuyên hợp nhất thành huyện Mê Linh (trong đó có cả Phúc Yên).

Tháng 12/1978 huyện Lập Thạch tách khỏi Tam Dương trở về huyện cũ Lập Thạch; huyện Bình Xuyên tách khỏi Mê Linh và nhập với Tam Dương thành lập huyện Tam Đảo mới.

Tháng 3/1979 hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh chuyển về Hà Nội; tháng 10/1991 huyện Mê Linh lại tách khỏi Hà Nội trở về Vĩnh Phú.

Ngày 01/01/1996 huyện Vĩnh Lạc tách thành 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.

Tháng 11/1996 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ X đã ra Nghị định tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Thực hiện Nghị quyết trên, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ 01/01/1997.

Tháng 9/1998 huyện Tam Đảo tách thánh 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên. Ngày 09/12/2003 Chính phủ ra Nghị định số 153/2003/NĐ-CP thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo mới.

Ngày 01/12/2006 Chính phủ ra Nghị định số 146/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến tháng 12/2006 sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính trong đó có thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và 7 huyện là: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Đảo, Mê Linh.

II. VĂN HÓA

1. Di sản văn hoá vật thể.

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Con người và vùng đất nơi đây đã để lại một kho tàng di sản văn hoá phong phú và đặc sắc, đó là một tài sản vô giá của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc.

Bên cạnh những di chỉ khảo cổ ở Lũng Hoà, Đồng Đậu, Thành Dên… khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những vùng đất cổ, là trung tâm của nước Văn Lang xưa, nơi đây để lại nhiều di tích lịch sử và di sản văn hoá, tạo nên một nét độc đáo riêng.

Kết quả tổng kiểm kê năm 1998, Vĩnh Phúc có 967 di tích danh thắng trong đó có 287 đình, 122 đền, 95 miếu, 325 chùa. Xếp hạng quốc gia có 86 di tích; tiêu biểu là một số di tích sau:

* Cụm đình Hương Canh:

Thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên có 3 ngôi đình ở 3 làng là Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường. Cả 3 ngôi đình đều thờ 5 nhân vật được phong “thần” là Ngô Xương Ngập (con trưởng Ngô Quyền), Ngô Xương Văn (con thứ Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (một tướng của Ngô Quyền), bà Linh Quang Thái Hậu (vợ Ngô Quyền) và một Ả nữ vương được phong là Thị Tàng Công Chúa.

Cụm đình Hương Canh được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Tất cả các cột đều làm bằng gỗ lim, giữa cột cái và cột quân tông vì chính toà đại đình liên kết với nhau kiểu “cốn chồng rường” với dày đặc các mảng trạm khắc. Kiến chúc cụm đình Hương Canh thuộc loại hình kiến chúc mở, phù hợp với các hoạt động lễ hội của làng.

* Đình Thổ Tang:

Đình làng Thổ Tang, xã Thổ Tang huyện Vĩnh Tường xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII theo kiểu chữ đinh (J) gồm phần hậu cung và một toà 5 gian 2 dĩ. Đình thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, một vị tướng có công đánh giặc Nguyên Mông thời Trần. Đình Thổ Tang có dáng dấp cổ nhất trong số các ngôi đình còn lại hiện nay ở Vĩnh Phúc và cũng là ngôi đình đậm đà tính nhân dân trong chạm trổ trên gỗ, vừa có giá trị mỹ thuật, vừa có giá trị tư tưởng cao, tiêu biểu là bức “ngày hội xuống đồng” chạm trên kẻ nghé ở hè đình ngay cửa ra vào dài 1,5m, rộng 0,7m. Đình Thổ Tang được Bộ Văn hoá ghi vào sổ “danh mục di tích lịch sử văn hoá” ngày 13/01/1964 và cấp bằng “Di tích lịch sử văn hoá” ngày 17/02/1990.

* Đền thờ Trần Nguyễn Hãn tả tướng quốc:

Đền thờ được xây dựng ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, thờ Trần Nguyên Hãn-Tả tướng quốc phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

Đền được cấu trúc theo kiểu chữ đinh (J), xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuân viên vuông vắn. Trong đền có một số cổ vật như 2 Hoành Phi, 4 câu đối, 2 sập thờ, một ngai thờ, 1 án thư, 2 con Hạc gỗ, 2 cây đèn gỗ, một mâm gỗ, một hòm sắt (có 13 đạo sắc phong từ đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719) đến đời Nguyễn Bảo Đại (1926-1945) và một thần tích. Liên quan tới di tích, tương truyền còn có hai cổ vật là một thanh gươm và một phiến đá mài gươm.

* Tháp Bình Sơn:

Tháp Bình Sơn được xây dựng trước Chùa Vĩnh Khánh thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch. Tháp được xây dựng vào thế kỷ XIII, đầu trần (1225-1400). Tương truyền khi mới xây tháp có 15 tầng, do thời gian huỷ hoại nay còn lại 11 tầng và phần bệ tháp với chiều cao là 15m.

Tháp Bình Sơn vừa có giá trị nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng vừa có giá trị về mặt mỹ thuật.

Về kỹ thuật xây độc đáo, mặt bằng tháp hình vuông, đáy bệ tháp có cạnh 4,45m, cao 1,62m, tầng dưới cùng có cạnh 3,3m, cao 2,72m. Các tầng tháp đều xây đòn võng (hơi võng ở giữa), càng lên cao càng thu vào và mỗi tầng có kích thước khác nhau. Tầng trên cùng có cạnh 1,5m, 4 mặt có cuốn cửa tò vò nhỏ dần theo tầng tháp. Tháp được xây dựng nhiều loại gạch khác nhau.

Về mỹ thuật: Lớp gạch ốp ngoài có hoa văn khác nhau ở từng mặt, từng tầng tháp. Kỹ thuật nung gạch vẫn tươi màu không bị rêu phong. Đây cây tháp bằng đất nung được đánh giá là đẹp nhất Đông Nam Á.

* Danh thắng Tam Đảo:

Danh sơn Tam Đảo đứng giữa vùng trung du dài hơn 50 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, từ huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đến huyện Sóc Sơn Hà Nội, là danh giới tự nhiên giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

Dãy Tam Đảo có trên 10 đỉnh cao trên 1.400m, riêng đỉnh núi giữa (giữa 3 tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) cao 1529m đến cuối dãy ở đèo Nhe cao 600m và đến Dõm còn 300m rồi hoà vào đồng bằng Sóc Sơn. Gọi là Tam Đảo vì ở giữa dãy có 3 ngọn núi cao vút trông như 3 hòn đảo nổi bồng bềnh giữa biển mây. Ba ngọn đó thứ tự từ Tây Bắc xuống Đông Nam là Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị. Đỉnh Phù Nghĩa có nghĩa là giúp việc nghĩa, cao 1.400m. Tên này tương tuyền do Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương đặt.

– Đỉnh thiên thị có nghĩa là chợ trời cao 1.375m, gọi vậy vì trên đỉnh có khoảng đất bằng phẳng, rải rác có những tảng đá cao thấp, nhấp nhô trông như người trời xuống họp chợ.

Bao trùm lên danh sơn Tam Đảo là rừng nguyên sinh nhiệt đới được Chính Phủ quy hoạch thành vườn quốc gia Tam Đảo. Nằm trong vườn quốc gia Tam Đảo còn có nhiều danh thắng và di tích lịch sử văn hoá có giá trị, tiêu biểu là danh thắng Tây Thiên và khu nghỉ mát Tam Đảo.

2. Di sản văn hoá phi vật thể.

Ngoài những di sản văn hoá vật thể, Vĩnh Phúc còn là vùng văn hoá dân gian đặc sắc trên nhiều loại hình như: Văn học dân gian, mỹ thuật dân gian, âm nhạc dân gian, trò diễn hội làng. Truyền thuyết dân gian và truyền thuyết lịch sử ở Vĩnh Phúc luôn gắn liền với cội nguồn của dân tộc, được phổ biến và lưu truyền ở nhiều địa phương trong tỉnh như truyền thuyết về người con gái Tam Đảo, truyền thuyết Đinh Thiên Tích, truyền thuyết về tướng lĩnh của Hai Bà Trưng… các truyền thuyết trên đều nói về những tấm gương giúp dân đánh giặc cứu nước ở Vĩnh Phúc. Tục ngữ ca dao dân ca cũng là thể loại được phổ biến trong cộng đồng dân cư của các dân tộc ở Vĩnh Phúc. Nội dung của tục ngữ, ca dao ở Vĩnh Phúc đều nói lên cái hay, vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương và phản ánh đời sống lao động của người dân. Về dân ca ở Vĩnh Phúc vừa mang âm điệu của vùng đồng bằng, vừa phảng phất âm điệu của các làn điệu dân ca các dân tộc miền núi. Tiêu biểu là trống quân Đức Bác, hát ví giao duyên, hát soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Trò chơi hội làng là một hoạt động văn hoá tiêu biểu ở nhiều địa phương trong tỉnh còn lưu giữ đến ngày nay như trò Chọi trâu xã Bạch Lưu (Lập Thạch) vào ngày 17 tháng giêng; trò Kéo co ở Tích Sơn (Vĩnh Yên); trò Bơi chải ở Bạch Hạc; Cướp Phết ở Bàn Giản (Lập Thạch)… ngoài ra còn có trò đua tài khéo léo như Thi Nấu cơm ở Sơn Đông (Lập Thạch), Thượng Trưng (Vĩnh Tường), Tích Sơn (Vĩnh Yên).

Nói đến văn hoá dân gian Vĩnh Phúc còn phải kể đến văn hoá ẩm thực. Đó là những món ăn, cách uống mang nét đặc trưng của miền quê này, gắn liền với cuộc sống của từng vùng đã có từ bao đời nay như: mắm tép ở Đức Bác, cá thính ở Đức Bác, Cao Phong; cá gỏi của người Cao Lan; bánh nẳng ở Đôn Nhân, Nhân Đạo; cháo se, bánh hòn ở Hương Canh; nem chua ở Vĩnh Yên, đa nem ở Tiến Thịnh, bún bánh ở Vĩnh Mỗ ….

3- Truyền thống văn hiến.

Địa linh Vĩnh Phúc đã sản sinh ra nhiều trang tuấn kiệt, bởi đó là đất sinh tụ của những anh hùng.

Mở đầu thời kỳ quốc gia Đại Việt, Vĩnh Phúc có ông Nguyễn Văn Nhượng là một danh tướng nay còn đền thờ ở quê hương ông xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Văn thần có ông Phạm Công Bình người xã Đồng Văn huyện Yên Lạc, thi nho học đỗ đầu hàng Đệ nhất giáp, khoa giáp thìn năm 1124 đời Lý Nhân Tông, ông có công 2 lần đánh thắng quân Chân Lạp, bảo vệ toàn vẹn vùng biên giới phía Nam tổ quốc, tên ông được ghi sáng ngời trong quốc sử.

Thời chiến thì võ công oanh liệt, tiêu biểu là Trần Nguyên Hãn xã Sơn Đông (Lập Thạch) trở thành tả tướng quốc “tên ông liền với tên vua đủ thấy ông được vua coi trọng như thế nào”.

(Lê Quý Đôn-Lê Triều thông sử)

Thời bình thì văn học huy hoàng, những con em người Vĩnh Phúc xuất thân vào chốn trường nho thì đỗ cao, làm quan giỏi, tên tuổi được chép trên bia đá, bảng vàng, trở về quê được suy tôn (đưa lên bậc cao quý), được tôn thờ, tên tuổi ghi lên bia đá, còn sáng mãi hai chữ Thân-Danh.

Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tính từ năm 1124 (Triều Lý) đến năm 1889 (Triều Nguyễn) đã thành đạt 98 danh Nho (nổi tiếng trong làng Nho học), tức là các bậc thi đỗ vào hàng Đại Khoa, đạt danh hiệu từ Phó bảng đến Trạng Nguyên, được phân theo các huyện hiện thời như sau:

– Huyện Vĩnh Tường có 23 người đỗ
– Huyện Lập Thạch có 22 người đỗ
– Huyện Yên Lạc có 22 người đỗ
– Huyện Mê Linh có 15 người đỗ
– Huyện Bình Xuyên có 12 người đỗ
– Huyện Tam Dương có 1 người đỗ
– Thành phố Vĩnh Yên có 3 người đỗ

Tỉnh Vĩnh Phúc khởi đầu khoa bảng là ông Phạm Công Bình là người khai khoa hàng danh Nho của tỉnh, đến triều Nguyễn được truy phong là Trạng Nguyên, kết thúc là ông Phạm Duy Bách (1124-1889), 765 năm liên tục tỉnh có người đăng khoa, một thời phát triển huy hoàng của văn hiến Vĩnh Phúc. Tiêu biểu cho hàng khoa bảng ở Vĩnh Phúc có Trạng Nguyên Đào Sư Tích triều Trần thi đỗ danh sách thứ nhất cả 3 kỳ thi Hương-Hội-Đình, nên đạt danh hiệu Tam Nguyên. Hoàng giáp Phí Văn Thuật triều Lê Trung Hưng, tuy không đạt nhiều danh hiệu hàng Tam khôi nhưng thi đỗ danh sách thứ nhất 3 kỳ thi Hương-Hội-Đình, khi vào ứng chế bài thơ của ông được bình vào bậc nhất, nên được gọi là tứ nguyên. Hoàng giáp Nguyễn Khắc Cần triều Nguyễn hai kỳ thi Hội-Đình đều đỗ danh sách thứ nhất nên đạt danh hiệu Song Nguyên. Đứng vào hàng Tam Khôi Vĩnh Phúc có 3 người.

– Ông Đào Sư Tích (Trạng Nguyên)
– Ông Phạm Du (Bảng nhãn)
– Ông Lê Ninh (Thám Hoa)

Trên đường xuất thân có người đạt được tiêu chí là bậc danh thần (bề tôi có tên tuổi rực rỡ) như Đỗ Nhuận, Nguyễn Duy Thì, những bậc danh tiết (tên tuổi rực rỡ vì gương hy sinh tiết liệt) như Nguyễn Thiệu Tri, Lê Đức Toản, Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Khắc Cần, tên tuổi được chép trong sử thực lục, được lập đền miếu riêng tôn thờ, các triều đại tặng sắc phong, ban ân điển.

III. CON NGƯỜI

Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ, thời dựng nước người Việt cổ đã sớm đến định cư sinh sống ở đây và trở thành trung tâm của nước Văn Lang. Qua các di tích khảo cổ ở Lũng Hoà (Vĩnh Tường), Đồng Đậu (Yên Lạc), Thành Dền (Mê Linh) và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã khẳng định từ 3.500 năm về trước, người Việt cổ ở Vĩnh Phúc đã biết trồng lúa nước.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trước những biến động lớn như chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt, chính sách đồng hoá của phong kiến phương bắc, chính sách phong hầu, kiến ấp của các triều đại phong kiến và chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp… các luồng di cư đến Vĩnh Phúc ngày càng đông.

– Năm 1997 khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc toàn tỉnh có 1.103.810 người trong đó người Kinh chiếm đa số, ngoài dân tộc thiểu số chỉ chiếm 2,7% được phân bố:

+ Thị xã Vĩnh Yên: 35.592 người
+ Lập Thạch: 227.960 người
+ Tam Dương + Bình Xuyên: 254.570 người
+ Vĩnh Tường: 190.459 người
+ Yên Lạc: 146.645 người
+ Mê Linh: 248.584 người
– Năm 2005 toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.169.067 người được phân bố:
+ Vĩnh Yên: 81.537 người
+ Phúc Yên: 86.650 người
+ Lập Thạch: 211.776 người
+ Tam Dương: 94.305 người
+ Tam Đảo: 67.591 người
+ Bình Xuyên: 105.755 người
+ Mê Linh: 182.036 người
+ Yên Lạc: 145.890 người
+ Vĩnh Tường: 193.257 người

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc đã nêu cao ý chí quật cường, anh dũng đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ quê hương đất nước.

Vào buổi sơ khai lịch sử dân tộc, khi giặc Ân sang cướp nước Văn Lang, nhân dân vùng Vĩnh Phúc đã đứng lên giúp Vua đánh giặc cứu nước. Đến thời An Dương Vương nhiều người Vĩnh Phúc đã giúp nhà Vua chống giặc ngoại xâm bảo vệ nước Âu Lạc.

Trong một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân Vĩnh Phúc liên tục đứng lên chống lại ách áp bức, bóc lột và âm mưu đồng hoá của kẻ thù, giữ vững bản sắc dân tộc và độc lập tự do của tổ quốc. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm đầu Công nguyên. Thế kỷ VI nhân dân Vĩnh Phúc tham gia ủng hộ nghĩa quân của Lý Bí chống quân Lương ở vùng hồ Điển Triệt (Tứ Yên – Lập Thạch). Thế kỷ X giúp tướng quân Nguyễn Khoan xây dựng thành Gia Loan chống giặc. Thế kỷ XIII giúp vua tôi nhà Trần làm nên chiến thắng Bình Lệ Nguyên đánh giặc Nguyên Mông thắng lợi. Thế kỷ XV có danh tướng Trần Nguyên Hãn giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, được phong tới chức tả tướng quốc. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên đất Vĩnh Phúc từ năm 1885 đến 1893, các thổ hào trong tỉnh gồm các ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh… (những chức quan thời Nguyễn) đã dấy binh chống lại xâm lược của thực dân Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Hoạt động ở vùng Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch có nghĩa quân của Đốc Khoát, Đốc Giang, Đốc Huỳnh, Đốc Thành. Hoạt động ở cùng Kim Anh, Đa Phúc, Yên Lãng có Lãnh Giang, Đốc Két, Tuần Bốn…

Những năm đầu thế kỷ XX nhân dân vùng Vĩnh Phúc lại đứng lên ủng hộ nghĩa quân Đề Thám chống Pháp ở vùng núi Tam Đảo. Tiếp theo là ủng hộ cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên do Đội Cấn cầm đầu năm 1917, khi nghĩa quân về hoạt động trên đất Vĩnh Phúc. Năm 1930 Nguyễn Thái Học quê ở Vĩnh Tường Vĩnh Phúc là lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đã để lại tiếng vang và bài học về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Những truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Vĩnh Phúc qua hàng nghìn năm lịch sử, chẳng những tô thắm thêm truyền thống của quê hương mà còn là mảnh đất tốt để khi có hạt giống cách mạng của Đảng gieo mầm sẽ nhanh chóng phát triển.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *