Vĩnh Phúc – Điểm đến các nhà đầu tư Nhật Bản

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, những năm qua, cùng với tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Công ty TNHH Sun Steel Hà Nội (KCN Bình Xuyên) giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động,
thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng Ảnh Trần Tỉnh
 

Theo báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, từ năm 2013 đến tháng 2 năm 2016, toàn tỉnh thu hút được 105 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 1,2 tỷ USD; 111 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký trên 21 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 821 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 213 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 3,33 tỷ USD và 608 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 49 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Nhật Bản đứng đầu danh sách về vốn đầu tư (khoảng 800 triệu USD) trong số 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vàođịa bàn, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đặc biệt, với việc UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư khu công nghiệp Thăng long cho Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản)- một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hàng đầu trên thế giới, mở ra cơ hội cho tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư đến từ Nhật Bản…Điều đó, một lần nữa khẳng định những chính sách đột phá thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Với phương châm “Các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, những năm qua, tỉnh ta tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính; ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Ngoài tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư vào các thị trường tiềm năng, tỉnhtăng cường kết nối với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài để hợp tác về xúc tiến đầu tư, tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ, triển lãm;đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc giới thiệu các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của các nhà đầu tư đang hoạt động tại tỉnh đến với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, giúp tỉnh giới thiệu, quảng bá, vận động các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhất là sau chuyến công tác thành công của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại tỉnh vào cuối tháng 10 năm 2015, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền tỉnh và các nhà đầu tư Nhật Bản và đây là cơ hội lớn để Vĩnh Phúc quảng bá các lợi thế đầu tư đến các doanh nghiệp….

Với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy của cả nước, thu hút rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến đầu tư và rất thành công, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản như: Công ty Toyta Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam, Công ty TNHH Exedy Việt Nam, Công ty TNHH Maruichi Sun Steel.

Theo ông Kawasaki Yohei, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Sun Steel Hà Nội, với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi; hạ tầng đầu tư khá đồng bộ , sau thời gian khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh, năm 2008, Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel đã quyết định thành lập Công ty con Sun Steel Hà Nội (khu công nghiệp Bình Xuyên) chuyên sản xuất thép hình kỹ thuật phục vụ công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy và sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty mẹ Sunsco (Nhật Bản). Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, với dây chuyền công nghệ mới, hiện đại cùng hệ thống quản lý chất lượng JIS (tiêu chuẩn Nhật Bản) đã giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành công nghiệp. Hiện nay, hơn 80% sản phẩm của công ty cung cấp cho Honda Việt Nam; Yamaha Việt Nam. Với định hướng đúng, chiến lược kinh doanh hiệu quả, góp phần đưa sản lượng của công ty năm 2015 đạt 14 nghìn tấn, doanh thu đạt gần 15 triệu USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2106, sản lượng đạt 3 nghìn tấn, doanh thu đạt 4 triệu USD; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/tháng.

Hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước như Philippines và Indonesia nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp thép hiện nay, thời gian tới, cùng với đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm tối đa chi phi sản xuất; ông ty hướng mạnh sang sản xuất thép cán, thép tấm, bởi đây là loại vật liệu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật cũng như đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các công trình.

Theo bà Kana Miyazaki, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc là bến đỗ của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có nhà đầu tư của Nhật Bản. Hiện Nhật Bản là Quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký tại Việt Nam. Bà mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Vĩnh Phúc. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ phát huy vai trò trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh và các doanh nghiệp Nhật Bản vì sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.

Để thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn lớn vào tỉnh, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các thành, tỉnh trong cả nước, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong phát triển đầu tư sản xuất kinh doanh. Công khai minh bạch các thủ tục hành chính; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh để phục vụ hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng đầu tư của tỉnh; nhất là các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, cung cấp dịch vụ y tế, nhà ở cho công nhân; thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh….

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *