Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc và thông điệp của sự nghiệp đổi mới

Ông Kim Ngọc (1917-1979) – tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh 10 tháng 10 năm 1917, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa, vào Đảng từ 1939. Trong kháng chiến chống Pháp ông từng làm Bí thư Huyện ủy Tam Dương, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, từng tham gia khu ủy Việt Bắc. Năm 1954, ông là Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc, từ 1954-1958 Cục trưởng Cục Dân quân –  Bộ quốc phòng. Từ năm 1958 đến tháng 1/1968, ông là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Từ tháng 2/ 1968, khi Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành Vĩnh Phú, ông là Bí Thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú đến tháng 4/1977. Từ tháng 4/1977, ông về nghỉ hưu. Ông mất ngày 26/5/1979.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (ảnh trên) được coi là “Cha đẻ” của chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc từ những năm 1966-1968, tiền đề của Chỉ thị 100 (1981) và Nghị quyết 10 (1988) của Bộ Chính trị, những quyết sách đã tạo ra một bước phát triển kỳ diệu của nông nghiệp Việt Nam, thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn Việt Nam, giúp nước ta từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Là người cộng sản luôn gần gũi nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ngay từ những năm 1960, trong cao trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Bắc, Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã sớm nhận ra những hậu quả của cách quản lý bằng tiếng kẻng, rong công phóng điểm trong các hợp tác xã nông nghiệp đang đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa như cách gọi của thời ấy. Đó là cách quản lý tập trung quan liêu bao cấp, “cha chung không ai khóc”, tách người nông dân ra khỏi thành quả lao động của chính mình, tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Mùa qua mùa, nhìn các khoảng ruộng nhỏ bé năm phần trăm được giao cho người nông dân làm chủ luôn tốt xanh mơn mởn trong khi những thửa ruộng chung mênh mông của hợp tác xã luôn xác xơ vàng vọt vì người nông dân chỉ là kẻ làm thuê ăn công điểm, Kim Ngọc hiểu rằng cần phải trả lại quyền làm chủ ruộng đất cho người nông dân, gắn thành quả và quyền lợi của người lao động mới tạo được động lực thực sự để phát triển sản xuất, tiến tới thực hiện mục tiêu làm cho nhân dân được “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”, mà theo ông là mục tiêu chân chính của chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở những suy ngẫm chiêm nghiệm cá nhân và kết quả việc tự phát thực hiện khoán hộ tại một số hợp tác xã trong tỉnh Vính Phúc từ năm 1963 đến 1965, ông Kim Ngọc và tập thể tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cho ban hành một nghị quyết mang tên “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết này đề ra phương thức quản lý sản xuất của hợp tác xã với nhiều cách khoán như: a) Khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài. b) Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ. c) Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm. d) Khoán trắng ruộng đất cho hộ. Trong đó hình thức khoán gọn đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thực chất của cách khoán này là trao ruộng đất trở về cho từng hộ nông dân quản lý, sản xuất, coi hộ nông dân là đơn vị cơ bản của sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết mang số 68 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ra đời ngày 10/9/1966 đó, một nghị quyết lịch sử được người nông dân Vĩnh Phúc coi như một thang thuốc “cải tử hoàn sinh” của mình. Các cánh đồng 5-7 tấn liên tiếp hình thành, năng suất và sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, nạn đói giáp hạt kinh niên từng bước được loại bỏ trên địa bàn tỉnh, cảnh ấm no hạnh phúc đã hiển hiện trên quê hương nghèo đói xưa. “Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc/Ôi cái thưở lòng ta yêu tổ quốc/Hạnh phúc nào chẳng hạnh phúc đầu tiên”, nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng có những câu thơ hân hoan như thế về quê hương của Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc khi thực hiện chủ trương khoán hộ nửa cuối thập niên 1960.

Tuy vậy, nghị quyết tâm huyết, dũng cảm, táo bạo, dám công khai thay đổi cả một kiểu tư duy và phương thức quản lý đã thành nguyên tắc, điều lệ ấy của Kim Ngọc và các đồng chí của ông đã làm cho tư duy giáo điều không hài lòng. Ngày 6-11-1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú, chủ trương “khoán hộ” đã bị phê phán hết sức nặng nề. Hội nghị kết luận: “Việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã. Kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã”. “Bằng cách giao khoán ruộng đất của hợp tác cho hộ, trong một số hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất… Bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số hợp tác xã đã biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên… Trong nhiều hợp tác xã, phương thức sản xuất cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể… Ở một số địa phương, đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bị vi phạm nghiêm trọng”… (Trích tài liệu lưu trữ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).

Tiếp theo kết luận của hội nghị Tỉnh ủy Vĩnh Phú, ngày 12/12/1968, cấp trên đã ra Thông tri số 224-TT/TW “Về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương”  cũng nhận định việc khoán hộ là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán trồng trọt, khoán chăn nuôi, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hoá tư liệu sản xuất, trái với đường lối hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng, phá vỡ nguyên tắc quản lý XHCN, phục hồi kinh tế cá thể tư bản chủ nghĩa…

Trên cơ sở những kết luận và nhận định đó, chủ trương khoán hộ của Vĩnh Phú bị chính thức đình chỉ vào cuối năm 1968, Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc bị buộc phải kiểm điểm và thừa nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong chủ trương khoán hộ”.

Tuy bị buộc phải chấp hành tổ chức kỷ luật của Đảng, công khai thừa nhận là “sai lầm nghiêm trọng” về chủ trương khoán hộ nhưng ông Kim Ngọc vẫn dũng cảm bảo lưu chủ trương của mình và trong gần mười năm sau đó khi còn giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, ông vẫn không ngần ngại bênh vực và cổ vũ cho chủ trương mà ông cho là ích nước lợi dân và gắn bó với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội này. Ông thường tâm sự với các đồng chí thân thiết của mình: “Phải tìm mọi cách duy trì cho được “khoán hộ” chứ để quay lại kiểu làm ăn theo tiếng kẻng, rong công phóng điểm thì chết đói hết”. Và trên thực tế, tuy bị cấm đoán, nhưng do lợi ích hiển nhiên và to lớn của nó, “khoán hộ”, khi đó được gọi là “khoán chui”, vẫn được nhiều hợp tác xã ở Vĩnh Phú tiếp tục âm thầm thực hiện. Rồi “khoán chui” lan nhanh sang Hà Sơn Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, khắp cả miền Bắc và đến cả một số tỉnh miền Nam như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hậu Giang…

20 năm sau khi chủ trương “khoán hộ” của Bí thư Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị phê phán nặng nề và bị đình chỉ, năm 1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nghị quyết 10 chính thức coi “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” và cho thực hiện khoán hộ trong toàn bộ nền nông nghiệp.

Nghị quyết ghi: “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, thừa nhận tư cách pháp nhân, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, bảo hộ quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân…Lấy hộ làm đơn vị sản xuất tự chủ. Người nông dân được trao quyền tự chủ sản xuất, sử dụng ruộng đất lâu dài, tự do tiêu thụ sản phẩm…”

Có thể nói, nội dung cơ bản của Nghị quyết 10, nghị quyết tạo nên một bước nhảy vọt trong sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam,thực chất đã được hình thành từ  chủ trương được gọi là “khoán hộ”, “khoán chui” của Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc, Đảng bộ và người nông dân Vĩnh Phúc hơn 20 năm trước đó.

Bây giờ nhìn lại, có thể thấy, chủ trương khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 66 là cả một cuộc cách mạng về tư duy cũng như phương thức quản lý sản xuất nông nghiệp khi chủ trương giao ruộng đất lại cho bà con nông dân, công nhận vai trò của tư hữu, tìm cách giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa công hữu và tư hữu, giải phóng sức sản xuất bị kìm hãm bấy lâu. Đó cũng là một trong những tiền đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và đã đạt được những thành công vĩ đại từ hơn 30 năm qua

Tấm gương của Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc và sự kiện khoán hộ dũng cảm những năm 1960 ở Vĩnh Phúc đã đem đến cho sự nghiệp đổi mới phát triển của đất nước thông điệp quan trọng: chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, không phải những giáo điều kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê nin, những ảo tưởng duy lý lỗi thời mà thực tế cuộc sống với mục tiêu độc lập, tự do, dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh sẽ là thước đo chuẩn nhất để ta đánh giá sự sai đúng hay dở của các chủ trương chính sách. Tấm gương ấy khẳng định: Muốn có chủ trương chính sách đúng, người lãnh đạo không thể ban hành chính sách từ bàn giấy mà phải từ sự đồng cảm sâu sắc cuộc sống của người dân, cùng vui nỗi vui, cùng đau nỗi đau, cùng chia sẻ những nguyện vọng của nhân dân, dám tháo bỏ những nguyên tắc hình thức, những quy định cứng nhắc  mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển. Tấm gương còn cho thấy: Để tư duy mới được công nhận, để sự nghiệp đổi mới phát triển thành công, những người lãnh đạo đi tiên phong phải sẵn sàng dám chịu trách nhiệm đến cùng trước Đảng, trước nhân dân.

Cuối cùng, tấm gương ấy nhắc chúng ta nhớ đến một danh ngôn bất hủ của đại thi hào Gớt: “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Hội thảo ‘Văn hiến Vĩnh Phúc – truyền thống và hiện đại” của chúng ta tiến hành vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh theo tuổi ta của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (10/10/1917 – 10/10/2016). Cho đến nay, những hiểu sai về khoán hộ trong nông nghiệp mà sinh thời Bí thư Kim Ngọc thực hiện đã được hoàn toàn gỡ bỏ. Ông đã được vinh dự truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Vĩnh Yên đã được mang tên ông. Một  trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở quê ông (xã Bình Định, huyên Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã được mang tên Kim Ngọc, rất nhiều bài viết ngợi ca ông trên báo chí cả nước.  Một cuốn tiểu thuyết về ông đã được xuất bản, một bộ phim truyền hình dài nhiều tập về ông đã được công chiếu trên VTV, một tác phẩm sân khấu về ông đã được Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc thực hiện…

Tuy nhiên, theo tôi, trách nhiệm của hậu thế chúng ta đối với Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, người cộng sản đã đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước ta, chưa phải là đã trọn vẹn. Nói như đại tướng Võ Nguyên Giáp thì “trong quá trình xây dựng đất nước, Đảng ta cần phải biết ơn nhiều hơn những người như Kim Ngọc, những Đảng viên sáng tạo, biết chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân” và sự biết ơn đó không chỉ là việc cần dựng tượng Kim Ngọc như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề nghị mà còn là trách nhiệm làm sống mãi trong cuộc sống tấm gương đầy sức cảm hóa của ông. Có thể thấy, hình như vai trò của Bí thư Kim Ngọc và nghị quyết 68 Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với tư cách là những cá nhân và tập thể đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới chưa được đánh giá thật xứng đáng và còn bao câu hỏi, bao bài học về cuộc đời, sự nghiệp phong phú và nhân cách cao đẹp của Kim Ngọc đòi hỏi chúng ta phải trả lời, phải giải mã, phải tổng kết một cách khách quan, sâu sắc, toàn diện.

Bới những lý do đó, tôi nghĩ rằng rất cần có một hội thảo khoa học mang tên “Kim Ngọc với sự nghiệp đổi mới” được tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương tổ chức vào tháng 10 năm 2017, khi chúng ta chính thức tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh của người cộng sản vĩ đại này. Và nhân hội thảo đó, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiến hành đề nghi truy tặng danh hiệu anh hùng cho Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Chúng ta cần làm những điều này không chỉ để tôn vinh Kim Ngọc. Có lẽ tất cả chúng ta đều hiểu rằng, cuộc đời vì nước vì dân, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ đem lại nhiều bài học thiết thực nóng hổi cũng như nguồn cảm hứng lớn lao, bền vững cho sự nghiệp đổi mới phát triển của đất nước và sự nghiệp xây dựng chính đốn Đảng hôm nay và tương lai.

Nguồn: Tham luận tại Hội thảo khoa học

“Văn hiến Vĩnh Phúc – Truyền thống và hiện đại”

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *