Xây dựng thương hiệu tương Khả Do

Tồn tại qua hàng trăm năm, trải qua không ít biến cố thăng trầm cùng thời đại, làng nghề tương Khả Do hôm nay dần được khôi phục lại, bằng việc xây dựng thương hiệu, logo sản phẩm để khẳng định thương hiệu trên thị trường.

 Theo lời giới thiệu của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, chúng tôi đã có mặt tại thôn Khả Do, xã Nam Viêm (Phúc Yên) khi xã vừa hoàn thành xong các thủ tục, đang chờ Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu. Xây dựng được thương hiệu, logo sản phẩm đây sẽ là một dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới trên chặng đường khôi phục, phát triển làng nghề Tương Khả Do của xã Nam Viêm. Chỉ với những nông sản sẵn có như ngô, đậu tương, muối, người dân thôn Khả Do đã sáng tạo ra một thứ nước chấm mang đậm hương vị quê hương với mùi thơm đặc trưng và vị ngọt tự nhiên khó có thể nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại và từng được gọi vinh dự gọi với cái tên “tương tiến vua”. Chia sẻ với chúng tôi những thăng trầm của làng nghề, chị Đào Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Viêm cho biết: “Trước đây 100% người dân Khả Do đều dùng tương làm thứ nước chấm chính trong các bữa ăn, 90% hộ gia đình biết làm tương. Tuy nhiên, trong thời kỳ xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, vận hành cơ chế thị trường, các loại nước mắm, xì dầu có mặt khắp nơi, phần lớn hộ gia đình trong thôn không sản xuất tương nữa, đến nay, trong thôn chỉ có khoảng 8 -10 % số hộ còn tiếp tục làm tương. Thậm chí, thời điểm thấp nhất, cả xã chỉ có khoảng trên dưới 10 hộ còn làm tương để ăn và làm quà biếu”. 

 

Hiện nay, có khoảng hơn 2 nghìn lít tương Khả Do được tiêu thụ ra thị trường mỗi tháng. Ảnh Thế Hùng 

Với mong muốn vực dậy một sản phẩm truyền thống, năm 2013, CLB sản xuất tương truyền thống xã Nam Viêm được thành lập với 20 thành viên. Sau 1 năm hoạt động, nhận thấy nghề làm tương có thể phát triển và nhân rộng, CLB được nâng thành tổ hợp tác làm tương truyền thống với 30 thành viên. Không chỉ làm tương phục vụ nhu cầu của gia đình, làng, xóm, sản phẩm tương Khả Do dần được thị trường biết đến nhiều hơn. Được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, được tham gia các hội chợ, triển lãm, được quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu đầu vào, cùng với quyết tâm giữ nghề của các thành viên, hoạt động của tổ hợp tác dần cho những kết quả khả quan. Trừ chi phí trung bình mỗi thành viên tổ hợp tác thu lãi từ 1,5 – 2 triệu đồng/người. Có hàng chục năm gắn bó với tương Khả Do, chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Tân Tiến (Nam Viêm) không giấu khỏi niềm vui khi nhắc đến nghề truyền thống của địa phương hôm nay: “Trước đây, tương mình làm chủ yếu để ăn, từ khi xã có chủ trương khôi phục làng nghề, gia đình tôi cùng nhiều hộ trong xã bắt đầu làm tương để bán. Ngày càng có nhiều khách hàng biết đến và yêu thích sản phẩm. Trung bình mỗi năm gia đình mình bán từ 2000 – 3000 lít, chủ yếu cho khách quen mang làm quà biếu và một số nhà hàng ở Đại Lải và thị xã Phúc Yên”

Mặc dù đã có những bước tiến tích cực trên chặng đường khôi phục sản phẩm truyền thống của địa phương, tuy vậy, đến nay, sản lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng chỉ vào khoảng hơn 2 nghìn lít, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt trong gia đình và làm quà biếu cho khách, bán cho một số nhà hàng hoặc bán lẻ tại một số chợ quanh thị xã Phúc Yên, mà chưa mở rộng được thị trường ra các huyện, tỉnh lân cận. Không những thế việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Là loại nước chấm nguyên chất, được làm khá kỳ công với thời gian ủ tương đối lâu, tương Khả Do có giá thành khá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại khác khoảng 30.000 đồng/lít, nên khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hiện nay trên thị trường có nhiều loại tương đã có thương hiệu, mỗi vùng miền lại có những loại tương đặc trưng khác nhau. Do đó, được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, mới đây, UBND xã Nam Viêm đã giao cho Hội LHPN xã thực hiện đăng ký logo, nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm lấy tên tương Khả Do. Đến nay mọi thủ tục hồ sơ đã hoàn tất. Chị Huệ cho biết: “Ngay khi có quyết định công nhận thương hiệu, chúng tôi sẽ tiến hành đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm. Lấy đó làm cơ sở để liên hệ với các hệ thống siêu thị, nhà hàng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm”. Cùng với đó, UBND xã cũng đang đốc thúc xây dựng Đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề tương Khả Do – xã Nam Viêm” với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, làng nghề truyền thống tương Khả Do phát triển mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao sản lượng, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cùng với quyết tâm xây dựng thương hiệu của chính quyền địa phương và những người làm nghề, tin rằng sản phẩm Tương thương hiệu Khả Do sẽ sớm khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nước chấm trong và ngoài tỉnh.

 Nguyễn Hường – http://baovinhphuc.com.vn/

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *