Tây Thiên và những địa điểm chưa nhiều người biết đến

Khu di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên nằm trên sườn dãy núi Tam Đảo nơi linh khí hội tụ. Hàng năm thu hút hàng triệu du khách thập phương hành hương, chiêm bái, cầu bình an may mắn. Trong hành trình “Đến với Phật – Về với Mẫu”, dưới sự tĩnh mịch của rừng sâu núi thiêng Tam Đảo ai ai cũng hoan hỉ cảm nhận được đức từ bi của Phật và lòng quảng đại của Mẫu, là sự bao dung, che chở, phổ độ nhân gian, cho mưa thuận gió hòa…

Tây Thiên được biết đến không chỉ là nơi khởi nguồn của Phật giáo từ rất sớm, mà còn là nơi phát triển cả tín ngưỡng thờ Mẫu – Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu – Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ 7. Chính sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo cùng quần thể di tích lịch sử, văn hóa bao gồm hệ thống đền, chùa đã tạo nên nét độc đáo riêng của Tây Thiên. Tây Thiên giữ được nét đẹp quyến rũ giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ, hội đủ thác, suối cùng đền, chùa cổ kính ẩn hiện giữa mênh mang núi rừng.

Đến với Tây Thiên là đến với một quần thể hơn 20 điểm dừng chân trải dài từ cổng tam quan, sân trung tâm lễ hội, đại bảo tháp Mandala, đền Thõng, nhà ga cáp treo, đền Cậu, đền Cô…lên tới bàn cờ tiên. Mỗi địa điểm đều có những câu chuyện hấp dẫn riêng tuy nhiên du khách thường đi trong ngày nên có nhiều địa điểm thú vị mà nhiều người kể cả đã đi nhiều lần cũng có thể chưa biết tới.

Đầu tiên phải kể đến là: Mộ tổ thiền sư ngay phía sau chùa Thượng Tây thiên, bên phải chùa có một lối rẽ nhỏ, xếp bậc đá là khu mộ tổ của 3 vị thiền sư. Nơi đây là một khu vườn tháp nhỏ với 3 tháp còn bia danh ghi danh 3 vị: Võng Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư, Giác Linh Ngã Thiền Sư. Xưa kia là 3 ngôi mộ có chỉ có bia đá, về sau được xây thành tháp bia…đến nay cũng đã phủ màu rêu phong.

Mộ tổ thiền sư

Từ vườn tháp này đi tiếp thêm khoảng 150m theo lối nhỏ xếp bậc đá, sâu vào núi cao, rừng xanh u tịch là tới Bàn cờ tiên. Đây là một khối đá lớn, dài có địa thế nằm gần như độc lập trong quá trình tạo sơn khu vực này, mũi của tảng đá hướng về hướng đồng bằng, trên đỉnh cả khối đá có khắc 1 bàn cờ rõ nét, từ khi nào không ai biết rõ, truyền thuyết kể rằng xưa kia trong những lần đi cầu đảo đã nhiều lần gặp các vị tiên thường xuống đây đánh cờ vì thế nên được gọi là bàn cờ tiên hay đá bàn cờ.

Ngày nay bàn cờ tiên được xây quây lại, đậy bằng lớp kính nhằm bảo tồn những đường khắc của bàn cờ được nguyên vẹn bởi thời gian.

Điểm tiếp theo còn ít người biết đến đó chính là Bia đá Bát Nhã. Từ đền thờ thần núi Thanh Sơn Đại Vương, bên trái có một lối mòn với cây cối rậm rạp, đi theo lối mòn này khoảng 300m là đến Bia đá Bát Nhã. Sở dĩ gọi là Bia đá Bát Nhã vì tảng đá lớn khắc chữ này nằm ngay cạnh suốt Bát Nhã. Đây là một di vật lịch sử có giá trị, là tấm bia ma nhai ở khu vực mà người dân địa phương gọi là Bia đá chữ. Tấm bia này trước đây đã được phát hiện nhưng ít người biết đến bởi những khó khăn trong việc đi lại tiếp xúc với hiện vật. Qua khảo sát thực tế, đó là bài văn bia được khắc trực tiếp vào giữa một phiến đá màu ngà, chiều dài khoảng 5m, cao khoảng 3m. Cả phiến đá nằm nghiêng bên bờ suối, tạo ra hình vòm, tựa như hàm ếch, khiến cho phần chữ của bia khắc ở giữa hàm ếch không bị bào mòn bởi mưa nắng dù đã khắc cách đây 572 năm. Bia đá chữ có tổng cộng 121 chữ Hán, chữ khắc theo hàng dọc, phân bố trên 11 dòng, dòng nhiều 16 chữ, dòng ít 3 chữ. Chữ dùng theo thể khải thư, với đặc điểm chữ khắc sâu, dễ đọc. Duy ba chữ Bát nhã tuyền (Suối Bát Nhã) đặt ở cuối bia được khắc to. Nội dung nhằm ghi lại dấu ấn về một lần đi tế thần núi Tam Đảo năm 1450 do quan đại thần Lê Khắc Phục lập.

Suối Bát Nhã hay còn gọi là suối Giải Oan, nơi tấm bia đá nằm ngay cạnh.

Tịnh Thất Tây Thiên

Nếu như đường vào Bia đá Bát Nhã khá khó khăn thì đường tới Tịnh thất Tây Thiên tương đối dễ dàng, theo lối nhỏ đã được xếp bậc đá bên phải Nhà hàng Tây Thiên, khoảng 500m. Đây là cung đường nội bộ nên đường khá vắng vẻ, rất ít du khách bộ hành theo lối này, trên đường đi bạn sẽ bắt gặp nhiều cây cổ thụ hay các loại hoa dại ven đường, những bậc đá rêu phong cùng con suối róc rách sẽ đưa du khách đến chốn tĩnh mịch tu đạo.

Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa nhưng chỉ nhận sư nữ. Dòng truyền thừa này đã có lịch sử trên 800 năm, qua 12 đời Pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ Châu Á sang Âu. Hiện nay tại tịnh thất thường xuyên có khoảng vài chục ni cô sinh sống, tu tập tại đây. Các ni cô tại tịnh thất có lối sống khá khép kín do đó bạn sẽ khó có thể chụp được ảnh tại khu vực tịnh thất này.

Từ Tịnh Thất đi ngược lên theo lối đã xếp bậc đá, dốc dựng đứng theo hướng đi lên chùa Phù Nghì (chùa Phù Nghì là một trong năm ngôi chùa lớn tại Tây Thiên, gồm: Chùa Thượng Tây Thiên, chùa Phù Nghì, chùa Bảng, chùa Bảo Tháp, chùa Thiên Ân). Ven đường, du khách sẽ bắt gặp một khu vườn tháp mộ của các thầy tu sĩ từng tu tập và đã viên tịch tại Tịnh Thất. Vườn tháp mộ được xây dựng bằng gạch nung đỏ tươi nhiều hoa văn chi tiết cầu kỳ, trên nền chùa cổ Phù Nghì theo kiến trúc Kim cương thừa.

Tuyến đường đi bộ khám phá Bia đá Bát Nhã và Tịnh Thất sẽ nối đến đền Cô. Hành trình khám phá những điều mới mẻ, thú vị này dành cho những du khách muốn được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành và tự mình cảm nhận sự linh thiêng của vùng đất Tây Thiên.

Để đảm bảo thời gian di chuyển đi và về trong một ngày, bạn nên đến Tây Thiên từ sớm (trước 9h sáng). Nên di chuyển bằng cáp treo một chiều đi để tiết kiệm thời gian và không tốn quá nhiều sức, sau đó đi bộ tham quan, khám phá các địa điểm kể trên và hạ dần độ cao. Tuy đường đi không quá khó nhưng bạn nên chuẩn bị một sức khỏe thật tốt, chuẩn bị nước uống và đồ ăn nhẹ để bổ sung năng lượng và đừng quên mang theo thuốc chống côn trùng để bảo vệ bản thân.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *