Vĩnh Sơn khẳng định thương hiệu rắn

Miền Bắc Việt Nam có nhiều địa phương nuôi rắn nổi tiếng như làng nghề rắn Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội), làng nghề rắn Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) và làng nghề rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Trong đó, nhắc đến Vĩnh Sơn ai ai đều biết đây là địa phương đã khẳng định được tên tuổi cùng con rắn.

Xưa Vĩnh Sơn có tên gọi là Sơn Tang và theo dân gian truyền lại còn có tên Hai Nước. Vĩnh Sơn nằm ở vị trí trung tâm huyện Vĩnh Tường – tỉnh Vĩnh Phúc, cách Vĩnh Yên khoảng 13km và cách đường quốc lộ số 2A 3km về phía Nam. Có dòng sông Phan nằm ở phía Tây Nam xã, chảy theo hướng Tây Đông trong vùng văn minh lúa nước Sông Hồng. Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có từ bao giờ thì vẫn chưa ai khẳng định được, chỉ biết rằng xưa kia sản xuất nông nghiệp khó khăn, một số người chuyên vào rừng bắt rắn, sau có người thu mua đem về các thị trường miền xuôi tiêu thụ. Dần dần nguồn rắn trong tự nhiên ít đi, nhiều gia đình đã tổ chức chăn nuôi với số lượng tăng dần để cung cấp cho thị trường.
Vượt qua khó khăn để khẳng định thương hiệu

Nghề rắn ở Vĩnh Sơn trải qua nhiều thăng trầm. Trong giai đoạn bao cấp, phong trào nuôi rắn phải lắng xuống cùng với khó khăn chung của nền kinh tế. Nhiều gia đình đã phải bỏ nghề chuyển sang nghề khác. Đến 1979, được sự quan tâm giúp đỡ của UBND các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Khoa học – Kỹ thuật của tỉnh (nay là ngành Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Sinh lý – Hoá sinh người và động vật (nay là Viện Công nghệ Sinh học), Vĩnh Sơn đã khánh thành Trung tâm nhân giống rắn (thường gọi là Trại rắn Vĩnh Sơn). Trại rắn đi vào hoạt động là sự kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền và tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân trong xã nâng cao hiệu quả hoạt động chăn nuôi rắn. Đến cuối năm 2010, trên diện tích 327ha của xã, có 3.346 lao động, lao động nuôi rắn là 2.216 (chiếm 66,2 %). Tổng số hộ trên toàn xã là 1.295 hộ, hộ chăn nuôi rắn là 970 (bằng 75%), trong đó 540 hộ nuôi rắn sinh sản, rắn con ấp nở của các trại nuôi ước đạt 520.000 con. Những con số trên cho thấy hầu hết nhân dân Vĩnh Sơn hiện nay đều gắn bó với con rắn.

  

Ngày 24/11/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định số 3120/QĐ-UBND về công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống.

Ngày 31/12/2007, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập và là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể số: 113742 cấp ngày 14/11/2008 cho các sản phẩm: Nọc rắn, rắn ngâm rượu, cao rắn, rắn ngâm rượu mật ong, thịt rắn, thịt rắn đóng hộp…..

Quá trình bắt, chăn nuôi nảy sinh nhiều kinh nghiệm chế biến rắn của dân Vĩnh Sơn. Rắn có thể chế biến cho nhiều nhu cầu: Làm dược liệu như: Ngân thuốc, nấu cao, ngâm rượu (tam xà, tứ xà, ngũ xà), lấy mật…Các sản phẩm rắn ngâm rượu, cao rắn, cao rắn ngâm rượu mật ong là những thực phẩm chức năng quý, có tác dụng phòng ngừa bệnh xương khớp, bổi bổ và tăng cường sức khoẻ cho người sử dụng, đặc biệt là người cao tuổi; Nọc rắn được điều chế thành các loại biệt dược, kem xoa bóp đem lại hiệu quả điều trị bệnh rất tích cực; Làm món ăn: Thịt rắn Vĩnh Sơn thơm, ngon, tính hàn, hàm lượng dinh dưỡng cao, chế biến ra nhiều món ẩm thực rất bổ dưỡng như súp rắn (món khai vị), xương rang dùng kèm phồng tôm, lòng xào, thịt xào lăn, nem rắn, chả lá lốt, xương và da rắn chiên giòn, rắn tần thuốc bắc, rắn hấp, rắn nướng, canh gừng, xương rắn ninh cháo đậu xanh…; Bên cạnh việc bán rắn thành phẩm, người nuôi còn xuất bán rắn thương phẩm. Các sản phẩm được chế biến từ rắn và rắn thương phẩm đều có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong Nam ngoài Bắc tiêu thụ với số lượng lớn, đặc biệt thị trường một số nước Châu á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng.

Làm thay đổi đời sống nhân dân

Đã có thời gian Vĩnh Sơn nổi tiếng với nghề chăn nuôi lợn sinh sản (lợn nái), nhưng hiện nay nghề nuôi rắn đã thực sự lên ngôi. Hàng năm toàn xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 100 tấn rắn thương phẩm. Nghề chăn nuôi rắn truyền thống đã và đang có chiều hướng phát triển tốt, kỹ thuật chăn nuôi đã được nâng lên rõ rệt so với các năm trước, các sản phẩm chế biến từ rắn ngày càng đa dạng hơn, qui mô chăn nuôi được mở rộng, nhân dân đã chú trọng hơn đến thủ tục pháp lý chứng minh nguồn gốc của rắn nuôi theo quy định của pháp luật, một số dự án chăn nuôi rắn hổ chúa có chiều hướng phát triển tốt, đây chính là cơ sở quan trọng cho việc cấp phép chăn nuôi loại hổ chúa.

  

Chúng tôi có dịp phỏng vấn bác Nguyễn Văn Thịnh, người đã có 30 năm gắn bó với nghề và gia đình bác là một trong các hộ chăn nuôi rắn sinh sản lớn nhất trong xã. Trước đây khi Trại rắn Vĩnh Sơn mới thành lập, bác Thịnh là người phụ trách Trại. Sau cũng giống như nhiều gia đình khác ở Vĩnh Sơn bác Thịnh chuyển sang nuôi rắn cá thể. Chỉ cần 1 – 2 nhân công chăm sóc, gia đình bác Thịnh hiện thu nhập 3 đến 4 trăm triệu đồng/năm từ việc nuôi rắn. Bác Thịnh cho biết nhờ con rắn mà con cái bác được ăn học và nay đều đã thành đạt. Theo bác Thịnh nếu nuôi rắn tại nhà thì chỉ cần ít nhân công vì thường thì 4 ngày mới phải cho rắn ăn và hàng tháng dọn vệ sinh chuồng rắn 1 lần. Nếu làm hang tầng thì chỉ mất ít diện tích, hang trệt thì mặt bằng cho chăn nuôi lớn hơn. Trước đây, nguồn thức ăn cho rắn gặp nhiều khó khăn, hộ chăn nuôi phải sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như cóc, nhái, rắn mồi,…nhưng các loại thức ăn này phải bắt ngoài tự nhiên, đến nay đã cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và không chủ động. Trong giai đoạn 2009 – 2010, Trung tâm Khuyến nông tỉnh có chương trình hỗ trợ tìm nguồn thức ăn mới cho rắn. Từ đó đến nay, các hộ nông dân Vĩnh Sơn đều sử dụng loại thức ăn này trong chăn nuôi rắn. Những người chăn nuôi có kinh nghiệm ở Vĩnh Sơn còn truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ rắn giống cho bà con ở địa phương khác (thị trấn Thổ Tang – Vĩnh Tường…).

Có dịp đến Vĩnh Sơn sẽ thấy diện mạo nông thôn thay da đổi thịt rõ rệt từng ngày. Hầu hết các hộ gia đình đã có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, an ninh xã hội được đảm bảo; những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát; hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh; các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế… được xây dựng khang trang; các gia đình đều quan tâm và đầu tư cho con em ăn học.

Góc khuất của nghề

Thành quả mà người dân Vĩnh Sơn đạt được hôm nay phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và có khi bằng cả mạng sống. Người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn không ai trong nghề mà không vài lần bị rắn cắn. Năm 2003, cả xã có 2 trường hợp tử vong vì rắn cắn, chuyện đưa đi cấp cứu ở đây đã thành cơm bữa. Các hộ nuôi rắn cũng có bài thuốc gia truyền để lại, nhưng thoát được cái chết cũng do may mắn. Hiện nay trong xã đã có 2 thầy lang chuyên chữa rắn cắn giúp cho bà con yên tâm hơn khi tiếp cận rắn.

  

Quá trình nuôi được con rắn đến khi trưởng thành cũng lắm gian nan. Mấy năm trước, khi chưa có Dự án nuôi rắn qua mùa đông của Viện Di truyền Nông nghiệp, các hộ ở đây phải lao đao về việc sưởi ấm cho rắn: từ việc dùng lửa sưởi, dùng điện, thậm chí có hộ còn đầu tư sắm điều hoà nhiệt độ làm cho chi phí chăn nuôi lên rất cao…nhưng rắn vẫn chết như ngả dạ, người nuôi phải bán tháo với giá rẻ. Trước đây, rắn nuôi Vĩnh Sơn thường bị kiểm lâm thu phạt vì không chứng minh được nguồn gốc. Từ năm 2000, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác nhận rắn Vĩnh Sơn là rắn nuôi đồng thời cấp giấy phép vận chuyển khi xuất rắn. Hộ nuôi rắn vơi đi lo ngại về việc bị tư thương, đầu nậu Lạng Sơn, Móng Cái chèn giá, ép giá,… Thế nhưng, sự bấp bênh của thị trường đầu ra vẫn là một thách thức. Năm 2003, dân Vĩnh Sơn gặp phen lao đao, nhiều hộ trong xã không đủ tiền trả ngân hàng. Đấy là do ảnh hưởng của dịch SARS, phía Trung Quốc không cấp phép cho rắn Vĩnh Sơn vào thị trường nước bạn. Nông dân phải bán đổ bán tháo, từ mức giá trên 400.000đ/1 kg xuống mức giá 170.000đ/kg. Cho nên, nuôi rắn mà như đánh bạc.

Mở rộng thị trường và tiếp cận với du khách

Thực hiện nghị quyết của Trung ương về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và phát triển tiểu thủ công nghiệp. Đảng uỷ, UBND xã Vĩnh Sơn luôn chú trọng công tác này, khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở, các hộ làm nghề mở rộng sản xuất.

Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, khu quy hoạch làng nghề Vĩnh Sơn đã được phê duyệt tại quyết định số 2488/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích là 20,87 ha. Đây là khu làng nghề truyền thống của xã Vĩnh Sơn, tập trung các cơ sở chăn nuôi và chế biến các sản phẩn từ rắn. Đồng thời là khu dịch vụ du lịch (chợ tham quan, thưởng thức và mua sắm những sản phẩm chế biến từ rắn) và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hiện tại, con rắn Vĩnh Sơn có rất nhiều “đất sống”, nhất là khi các loại đặc sản đang lên cơn sốt, các “thượng đế” đang đổ xô đi tìm các loại thuốc quý và thị trường nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng để con rắn Vĩnh Sơn thực sự là hàng hoá, đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi thì cần xây dựng một “thương hiệu” cho làng rắn.

Để đưa rắn Vĩnh Sơn trở thành một thương hiệu mạnh hơn nữa, sớm đưa khu quy hoạch làng nghề vào hoạt động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng:

Có chủ trương và cơ chế cụ thể hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng khu quy hoạch làng nghề.

Khuyến khích, tìm đối tác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài theo con đường chính ngạch.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng nhà lạnh, máy đông khô để bảo quản thức ăn và nọc rắn cho làng nghề.

Công nhận nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề rắn (thực tế làng nghề rắn Vĩnh Sơn đã được công nhận là một trong 12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của cả nước).

Hỗ trợ xây dựng phòng cấp cứu rắn cắn tại trạm y tế bằng việc trang bị máy hút đờm, máy trợ thở, xe cứu thương.

Đầu tư kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia hội trợ triển lãm và kích cầu các đơn vị sản xuất phát triển mạnh hơn. Ví dụ: Hỗ trợ kinh phí phát triển chương trình cho rắn hổ chúa sinh sản trong môi trường nhân tạo,…

Hỗ trợ kinh phí, tổ chức cho các đoàn đại diện chính quyền, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất các sản phẩm từ rắn đi tham quan các mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển làng nghề và đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng làng nghề.

Giúp đỡ về nguồn vốn vay tạo điều kiện cho các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh phát triển tốt.

Hiện nay, khách đến với làng nghề rắn Vĩnh Sơn sẽ được thụ hưởng nhiều dịch vụ: Tham quan khu chăn nuôi, trực tiếp quan sát loài động vật đang dần hiếm gặp trong môi trường tự nhiên, cảm nhận những khó khăn của nghề chăn nuôi rắn; thưởng thức món ăn ngon, lạ chế biến từ rắn và ra về với niềm hân hoan được sở hữu sản phẩm thịt, cao, rượu…rắn./.

 

Nguyễn Dũng – XTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *