Gốm Hương Canh

Khi nhắc đến nghề gốm, chúng ta vẫn thường nghe cái tên: Bát Tràng, Phù Lãng, Thanh Hà cùng sự ghi nhớ của người đời, người sành gốm cũng như tất cả những ai thích chơi gốm, dùng gốm và du khách muốn mua sản phẩm làm từ gốm về làm quà. Làng gốm Hương Canh-Bình Xuyên- Vĩnh Phúc hình như còn là một cái tên vang bóng một thời và đang trong thời kỳ trỗi dậy để khẳng định mình.
Làng gốm Hương Canh nằm ngay bên đường quốc lộ 2, đã tồn tại cách ngày nay chừng 300 năm. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai. Ông Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất và đem người đến đây làm nghề cang chĩnh. Cuộc sống dần đi vào ổn định và khấm khá hơn. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc lập miếu thờ và tôn ông lam sư tổ làng nghề.


Cũng như các làng gốm khác, quy trình sản xuất ở Hương Canh có 5 khâu chính: làm đất, chuốt, tạo hình,sửa dáng, đun lò. Các khâu này được chuyên môn hoá đến mức từng dòng họ làm một khâu riêng. Vì các khâu tạo nên giá trị chung của thành phẩm nên tất cả mọi người đều có ý thức cao trong công việc mình đảm nhận. Khi mới ra đời, những sản phẩm của làng nghề còn khá đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày như: chum đựng thóc, ngô, gạo, đỗ; chum đựng nước, nồi đất, ấm pha trà, vại làm tương, muối cà
Trải quan bao bước thăng trầm, những sản phẩm thô sơ của làng nghề này không còn được ưa dùng vì không còn phù hợp với thị hiếu của cuộc sống hiện đại và chưa tìm được nơi tiêu thụ. Do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, thiếu thông tin về những biến động thị trường, thiếu vốn sản xuất, công nghệ sản xuất quá thô sơ, thợ lành nghề ít. Những khó khăn này tạo ra những hạn chế nhất định: quy mô hạn hẹp, không tạo được sức cạnh tranh, thị trường nhỏ. Nói như vậy không có nghĩa la làng gốm Hương Canh mất khả năng tồn tại và phát triển. Đòi hỏi hiện nay là cần có những bước cải tiến trong đầu tư sản xuất để tạo ra những sản phẩm mà thị trường yêu cầu.


Được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành và những người tâm huyết với nghề truyền thống này, một số gia đình của làng đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng gốm mới. Đồ gốm của làng đã được cải tiến một bước, không chỉ làm những sản phẩm gốm thô sơ mà đã có sự tìm tòi sáng tạo, làm ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ rất đa dạng, phong phú như rồng, thiếu nữ, hình thù các con vật, bình hoa, chậu cảnh, các sản phẩm hình dạng độc đáo khác… Những sản phẩm này không giống với sản phẩm gốm ở các làng nghề khác ở chỗ nó không phụ thuộc nhiều vào chất men tráng mà được quyết định bởi nhiệt độ nung trong lò. Vì vậy nó vẫn giữ được sự nguyên sơ của đất, tạo ra được nét riêng của sản phẩm. Có lẽ bởi vậy mà gốm Hương Canh chống được sự thẩm thấu, ngăn ánh sáng, giữ được hương vị nguyên chất của những thứ bên trong.


Những người thợ lành nghề của đất Hương Canh làm gốm nghệ thuật cũng rất tài hoa. Họ nắm bắt kỹ thuật nhanh và truyền tải được ý tưởng của người thiết kế vào từng sản phẩm.
Hiện nay tại làng gốm có những xưởng sản xuất gốm đang hoạt động và nhận được những đơn đặt hàng từ phía đối tác nước ngoài,tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng gốm mỹ nghệ ngày một tăng, với quyết tâm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống này. Những năm trở lại đây, Sở Công Nghiệp Vĩnh Phúc đã tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật phục vụ làng nghề. Đồng thời Trung tâm thông tin và xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc cũng đã tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề trên diện tích 6ha tại Hương Canh. Các xưởng gốm sẽ được chuyển về đây, quy trình sản xuất sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn để sản phẩm làng gốm Hương Canh được biết đến nhiều không chỉ ở trong nước và là điểm tham quan của du khách khi đến Vĩnh Phúc, góp phần làm phong phú thêm tài nguyên, sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh cũng như tạo thêm cơ hội làm tăng thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương- một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển du lịch.

Nguyễn Hảo

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *