Tài nguyên du lịch khu vực Sáng Sơn

Dãy Sáng Sơn nằm giữa núi tổ Nghĩa Lĩnh, núi mẹ Tam Đảo và núi cha Ba Vì. Sáng Sơn là nguồn cơn hình thành nên một khu vực có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và lưu giữ những dấu ấn lịch sử văn hóa quý giá của cả vùng trung du Vĩnh Phúc. Hiện nay, dãy Sáng Sơn thuộc hai huyện Sông Lô và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên 30km về phía Tây Bắc. Sáng Sơn nằm sát Tam Đảo, nối tiếp núi Lịch (Sơn Dương – Tuyên Quang). Đỉnh núi Sáng cao 640m so với mặt nước biển và hợp với hàng chục ngọn núi to nhỏ khác thành một dãy dài gọi là dãy Sáng Sơn. Đây là một món quà đẹp của thiên nhiên ban tặng cho vùng quê sông Lô, nó như viên ngọc xanh điểm tô cho con sông Lô – dải lụa bạc hiền hòa chảy dưới chân núi Sáng.

Trước là dòng Lô, sau lưng là núi Sáng, giống như một bức thành vững chãi, một thế đất tay ngai “rồng cuốn hổ chầu”. Sáng Sơn từ xa xưa đã được nhà bác học Lê Quý Đôn mô tả trong sách Vân Đài loại ngữ rằng: “Núi Lịch ở địa phận xã Yên Lịch, huyện Sơn Dương, trấn Tuyên Quang. Mạch núi từ núi Sư Khổng, huyện Đương Đạo kéo xuống, đến đây năm, sáu ngọn núi đất bày hàng đột khởi ngay ở đồng bằng, chia một chi đổ xuống huyện Lập Thạch làm núi Sáng; còn ở mặt dưới huyện Tam Dương là núi Hoàng Chỉ” (nay là núi Con Voi ở thôn Dương Chỉ, huyện Lập Thạch).

Núi Sáng còn ẩn giấu trong thẳm sâu mầu xanh cây lá và vẻ trầm mặc của nó một cảnh quan kỳ vĩ và rất ngoạn mục, trải dài trên hàng loạt địa danh. Những địa danh khu vực Núi Sáng thường gắn liền với những huyền thoại ly kỳ từ thuở hồng hoang dựng nước của cha ông ta như: Thác Bay, núi Hình Nhân, bãi Bách Bung,…

Trước hết là núi Hình Nhân (còn có cách gọi khác là núi Kim Tôn – tên của cụm chùa/tháp cổ nằm trên núi) – quả núi mang hình một người đàn bà mang thai không có đầu đang nằm nghỉ. Bên cạnh có một chiếc nón úp là trái núi có tên gọi Nón Treo, cạnh đó là núi Con Voi (quả núi mang hình một chú voi to lớn đang nằm phủ phục – cúi xuống ẩn nấp). Trong núi Hình Nhân có Đồi Chúa, nơi di tích chùa/tháp Kim Tôn đã bị bỏ hoang nhiều năm, chỉ còn lại nền móng. Hiện nay, cụm di tích này đang được Nhà nước ta khai quật và tổ chức phục dựng lại, mô phỏng trong hình ảnh Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Đây là di tích lịch sử văn hóa xây dựng từ thời Trần, cách nay gần 800 năm (cùng thời với tháp Bình Sơn nổi tiếng).

 

 Đi sâu vào trong núi, ta sẽ gặp một tập hợp nhiều thác nước. Trong đó có một ngọn thác nổi tiếng bởi thác nước cao nhất, đẹp nhất. Nước thác dội từ trên cao xuống tung bọt nước thành bụi nhỏ li ti bay lan tỏa như sương, như khói. Vì vậy, nó được người dân trong vùng đặt cho cái tên thật giản dị: Thác Bay. Đây là thác nước được tạo nên bởi một dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi Sáng. Dòng chảy bao đời từ đất núi miên man đổ xuống đã tạo ra nhiều thác ghềnh. Cho đến lúc này, người dân trong vùng vẫn chưa xác định cụ thể có bao nhiêu ngọn thác trong hệ thống thác Bay. Lúc là bốn, có khi đến năm bảy ngọn, rồi có người dân bản địa lại khẳng định có tất cả chín bậc thác. Các thác nước nối nhau liên tiếp, càng lên cao, các bậc thác càng cao, tạo nên một cảnh trí ngoạn mục. Thác Bay là tên gọi của ngọn thác cao nhất và được coi là tên chung của cả hệ thống thác này. Muốn đến Thác Bay, bạn phải đi đến bờ hồ Bò Lạc – một hồ chứa nước được người dân địa phương xây dựng nên bằng trí tuệ, đôi bàn tay, đôi vai, đôi chân và lòng quyết tâm cao hơn núi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đây, để chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp huyền ảo của tất cả các ngọn trong hệ thống Thác Bay, ta nên bỏ đường mòn trên núi mà lội ngược theo dòng suối. Theo cách này sẽ mạo hiểm và khó khăn hơn nhiều, nhưng bù lại, ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi, của thác nước từ một góc khác, hoang sơ, quyến rũ vô cùng. Bắt đầu vào dòng suối khoảng chục mét, ta sẽ gặp một hòn đá rất to, bằng phẳng như một bàn cờ nằm án ngữ giữa dòng chảy chính. Mặt bằng của hòn đá khá lớn, có thể trải được ba – bốn chiếc chiếu, hay bày được vài bàn cờ. Người dân trong vùng cho rằng đây là hòn đá to nhất dòng suối. Có một chi tiết khá thú vị, đó là, vào khi mặt trời đúng ngọ, hoặc chếch bóng về tây, bên vách hòn đá, mặt ngoảnh về hạ lưu, hiện lên một chữ Vương (kiểu Hán tự) – có lẽ vì thế mà hòn đá được đặt tên là đá Vua? Liền kề đá Vua là ao Vua – là một hồ nước nhỏ, trong veo, nơi du khách có thể dầm mình thỏa thuê dưới làn nước trong mát của núi rừng hoang sơ sau khi leo núi trở về. Rời ao Vua, tiếp tục ngược dòng suối tìm lên thác. Bước đi nước chảy cuốn chân. Phía trước luôn có những vách đá dựng ngang chắn đường, thử thách lòng dũng cảm, có chỗ muốn đi phải bò qua, rồi có chỗ còn phải vừa trèo, vừa đẩy, vừa kéo nhau mới qua nổi. 

Sau khi đã vượt qua một chặng đường ngược dòng suối ước vài km và qua hai thác nước nhỏ ta sẽ đến ngọn thác lớn. Hãy tưởng tượng, từ ngang trời, một dòng thác trắng xóa tuôn chảy ầm ã vang động cả một vùng. Với độ cao khoảng 20m, dòng thác này dội thẳng từ trên cao xuống đến ngang chừng thì bị một vồng đá vạm vỡ bất chợt ưỡn ra kiêu hãnh đầy ngẫu hứng khiến làn nước cũng vồng lên theo. Nước bị tung lên một phần rồi mới dội xuống. Khi dội xuống, nước cuốn một luồng không khí cuộn theo đến tận chân thác. Tại đây, dòng nước và khối không khí chia đôi. Nước chảy xuôi dòng còn khí thì cuộn ngược tạo thành một luồng gió tạt vù vù ra xung quanh, giống như cơn lốc kèm mưa theo mưa bay. Có điều, những hạt mưa ở đây lại không rơi từ cao xuống như thông thường mà thốc ngược từ dưới lên khiến cây, lá, hoa, đá, cả người đứng quanh dễ thấm ướt. Không khí mát rượi, trong lành đến khó tả. Luồng khí kèm hơi nước đặc biệt này, làm cho lá cây, áo người, tóc người đứng cạnh cũng tung bay… Tên gọi thác Bay được đặt là vì thế.

Phía trên thác lớn nhất còn có vài thác nhỏ hơn. Các thác làm nên những bậc thiên tạo giống như bậc thềm tam cấp bằng nước. Bậc thứ ba của thác này có độ cao gần chục mét. Nước từ đây ào ạt dội xuống thẳng đứng như một bức tranh trắng. Cả một hệ thống mấy thác liên tiếp nhau đã tạo nên một cảnh quan thác Bay của núi Sáng hùng vĩ, diễm lệ vô cùng.

Theo người cao tuổi kể lại, thác Bay là tên mới đặt. Còn xa xưa, cổ nhân ta gọi là thác “Trống giục quân reo”. Gọi thế là vì tương truyền rằng thuở trước, ông Ngụy Đồ Chiêm (Nguyễn Diên) từng chiêu tập quân sĩ chống lại bọn cướp để bảo vệ dân làng. Tiếng chiêng trống tập trận rền vang lẫn vào tiếng thác gào nước réo vang động một vùng.

Đi qua thác Bay, từ đó ngược lên cao, ta sẽ đến bãi Bách Bung, nơi Đế Thuấn ngày xưa cấy lúa. Trên núi Sáng tự thuở nào có một ngọn mang tên gọi Bách Bung. Sách Vân Đài loại ngữ có ghi: “Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Đỉnh núi có dăm sáu chỗ bằng phẳng như cung điện, có đền thờ Đế Thuấn. Xứ ngòi Vực về bên phải hằng năm có nước sông Lô tràn vào”. Tương truyền chỗ ấy là bến sông, ngày trước thường nặn đồ nung. Bên cạnh chỗ dân cư, có một cái giếng cổ, người ta cho là Đế Thuấn đào giếng ấy. ở đây cũng có miếu thờ Đế Thuấn. Trước miếu có ruộng chiêm, rộng chừng vài mẫu, khá sâu, người ta gọi là chằm Lôi Trạch. Ngày trước Đế Thuấn cày ruộng và đánh cá ở đây. Đằng trước núi lại đột khởi một ngọn núi đất hơi thấp, đỉnh núi như hình ghế chéo, trong núi có chỗ rộng ước dăm sào, có thể gieo được trăm bung mạ (mạ nhổ lên chờ cấy được buộc lại gọi là bó hoặc đon mạ, mỗi đon mạ khoảng ba đến bốn chét tay, để gánh ra ruộng cấy được dễ dàng, người dân dùng lạt tre bánh tẻ xâu các đon thành bung, cứ 40 đon mạ là một bung). Ngày trước, cứ mỗi sào ruộng cấy hết hoảng 15 – 20 đon, trăm bung mạ là khoảng 4.000 đon cấy được khoảng 5 sào. Tương truyền khoảnh đất ấy là nơi Đế Thuấn cấy lúa, nên dân ta mới gọi là bãi Bách Bung. 

Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Thật vậy, núi rừng là thứ vũ khí đã gắn liền với chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Từ núi Sáng có thể di chuyển sang Thái Nguyên, Tuyên Quang và tiến xuống vùng đồng bằng rất dễ dàng. Với địa thế hiểm yếu của vùng trung du, núi Sáng là điểm tựa vững chắc gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giữ nước của cha ông ta từ thời vua Thuấn, thời ông Nguỵ Đồ Chiêm cho đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Hoa Thám. Dấu vết lịch sử của cuộc khởi nghĩa còn lưu lại tại hang Đề Thám, cây đa Đề Thám, Gò Đôn, bếp Nuôi quân, bãi Bách Bung, đèo Mai Phục. Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế, khi nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, lớn lên mang tên  Trương Văn Thám, sinh năm 1858– mất ngày 10 tháng 2 năm 1913. Ông là người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chống giặc Pháp (1885–1913). Trong hơn 20 năm kiên cường chống Pháp, có nhiều năm Đề Thám đóng quân tại vùng núi Sáng Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sử sách còn lưu rằng: Vào năm 1909, đầu thế kỷ 20, Bách Bung là căn cứ đóng quân của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám khi từ Yên Thế sang. Ngày 5 – 10 – 1909, dựa vào địa thế hiểm trở và công sự kiên cố, Đề Thám đã cùng 40 nghĩa quân của ông làm nên trận núi Sáng lịch sử khiến đạo quân của viên quan Bôniphaxi và tên khâm sai Việt gian Lê Hoan phải bạt vía kinh hồn. Trận đánh của Đề Thám trên núi Sáng năm ấy đã khiến thực dân Pháp phải thú nhận “cuộc giao chiến này là một trận đẫm máu nhất trong suốt quá trình chinh phục người cầm đầu nghĩa quân nổi tiếng này”. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, cả nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rừng Sáng Sơn trở thành kho quân lương, quân dụng và là nơi che giấu, nuôi dưỡng bộ đội ta.

Trong chiến tranh, rừng Sáng Sơn nuôi dưỡng những người con anh dũng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, khi hòa bình rừng lại nuôi nấng biết bao thế hệ người dân trong vùng nhờ đon củi, củ mài, sắn, rau rừng, nấm, măng tre, chuối, mít,…Núi Sáng với rừng phòng hộ đầu nguồn có nhiều loài thực vật quý hiếm như: hải đường vàng, các loại thảo mộc, …

Núi Sáng có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm tạo ra nhiều ghềnh thác, hồ nước đẹp và cung cấp nguồn thủy lợi, thủy sản. Những đoạn suối lớn là môi trường sống của nhiều loại thủy sản (cá bống, cá trê, cá rô, trạch chấu, tép, tôm, cua, …). Những người đi núi thường câu cá nướng tại chỗ. Một bếp lửa, một bầu rượu, dăm ba xiêm cá làm nên bữa tiệc cho những du khách yêu cuộc sống thiên nhiên. Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho đắp những dòng suối lớn tạo ra các con đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch sinh thái. Đó chính là hồ Bò Lạc ở phía nam, hồ Suối Sải ở phía bắc núi Sáng.

Sáng Sơn nằm gần quần thể các địa danh với nhiều loại hình du lịch: sinh thái dã ngoại (vườn cò Hải Lựu), thăm quan di tích văn hóa lịch sử (tháp Bình Sơn), thăm quan địa danh lịch sử (ghềnh Khoan Bộ), thăm quan làng nghề (chế tác đá Hải Lựu), du lịch lễ hội (chọi trâu Hải Lựu). Trong thời gian tới, Thiền Viện Tuệ Đức sẽ hoàn thành; những bài sình ca, các nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cao Lan (tại xã Quang Yên) được duy trì và khôi phục. Sự kết hợp của các điểm du lịch nói trên sẽ góp phần làm tăng lượng khách đến với Sông Lô – một vùng đất chứa đựng trong mình nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Ẩn dưới tán rừng trầm mặc vẫn còn không ít huyền thoại đẹp về một vùng đất và những con người quả cảm, cần cù, nhân hậu. Núi Sáng – Thác Bay, món quà thiên nhiên ban tặng hiện còn nguyên vẻ sơ khai, vẫn ngủ vùi trong lời hát ru của dòng thác. Tiếng nước reo ngày đêm như lời mời gọi bàn tay con người khai phá nơi này thành điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn. Chắc chắn một ngày không xa, cả quần thể danh lam quanh núi Sáng như: Thác Bay, hồ Bò Lạc, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, hang Đề Thám,… sẽ là sự lựa chọn của nhiều du khách thập phương./.

                                                                                                 Nguyễn Dũng – XTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *