Phát triển du lịch xanh tại Vĩnh Phúc

Phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững đã và đang là xu thế phát triển của du lịch hiện đại trên thế giới và tại Việt Nam. Ngoài tạo nền móng phát triển du lịch bền vững cho địa phương, du lịch xanh còn mang lại những giá trị to lớn khác mà không thể đong đếm bằng tiền. Với những tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng và một nền văn hóa lâu đời, phát triển du lịch xanh tại Vĩnh Phúc là một bước không thể thiếu trong phát triển du lịch.

Dự án Forest in sky của Flamingo Đại Lải đang đưa vào xây dựng

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch xanh mang đến cho du khách môi trường nghỉ dưỡng  thiên nhiên trong lành, thoáng đãng, yên tĩnh và có ích. Sự phát triển du lịch xanh không chỉ góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng, mà còn mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, du lịch xanh còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hoá lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch xanh còn được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ và gìn giữ môi trường sinh thái.

Với hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, tiềm năng phát triển du lịch xanh tại Vĩnh Phúc là rất lớn. Vĩnh Phúc nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Địa hình như vậy tạo cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan hấp dẫn như: Dãy Tam Đảo, nơi có Khu du lịch Tam Đảo – điểm nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho du khách; các hồ: Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh, Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng… là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc; vườn cò Hải Lựu, … là điểm du lịch sinh thái tham quan, ngoài ra còn có hệ thống thảm thực vật, động vật phong phú được bảo tồn tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh…  rất thích hợp cho những chuyến đi khám phá tìm hiểu và nghiên cứu học tập.

Trải qua quá trình phát triển đầy thăng trầm của lịch sử cho đến ngày nay, trên địa bàn tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú như: Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, Khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống: lễ hội Tây Thiên, lễ hội Chọi trâu, lễ hội đền Thính…; các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo:hát Trống quân, hát Soọng cô, hát Sình ca… và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống: làng gốm Hương Canh, làng mộc Thanh Lãng, làng rắn Vĩnh Sơn, làng rèn Lý Nhân, nghề đá Hải Lựu…;  ngoài ra còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương.

Một góc khu du lịch Tam Đảo

Hiểu được tầm quan trọng của du lịch xanh là phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá của dân tộc; bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên, vậy nên tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đưa du lịch xanh làm nòng cốt để phát triển và khai thác. Trong bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ chú trọng phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế mà còn song hành cùng với bảo vệ môi trường chú trọng vào các sản phẩm du lịch xanh như: Du lịch cuối tuần và du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch lễ hội, tín ngưỡng; Du lịch sinh thái; Du lịch tìm hiểu các giá trị lịch sử – văn hoá ;Du lịch tìm hiểu, nghiên cứu các làng nghề ;

Tuy nhiên, du lịch xanh tại Vĩnh Phúc mới ở giai đoạn khởi đầu. Du lịch xanh là một khái niệm  khá mới mẻ ngay cả với các ban ngành quản lí. Bởi vậy, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch xanh còn hạn chế. Nhiều khu điểm, nhiều công ty lữ hành đã cố gắng xây dựng một số chương trình như các tour tham quan trạm đa dạng sinh học Mê Linh cho học sinh sinh viên, các tour tham quan vườn quốc gia Tam Đảo, tour du lịch dọc sông Hồng,… hay những lễ hội được tổ chức hàng năm như lễ hội Tây Thiên, lễ hội chọi trâu Hải Lựu…. đã đang dần dần thu hút sự chú ý của du khách. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch với quy mô và hình thức vẫn còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa có nhiều đặc sắc nổi bật nên  khả năng thu hút khách chưa cao. Đặc biệt, việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch xanh còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, cần thiết phải triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trong phát triển du lịch Vĩnh Phúc.

 Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch

Khi đến bất kì địa điểm nào câu hỏi đầu tiên được du khách đưa ra chính là ở đó có gì. Họ quan tâm đầu tiên chính là sản phẩm du lịch của mỗi điểm đến. Hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao sẽ thu hút được sự chú ý hơn, đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương vậy nên khi quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cũng cần dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch để khai thác; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hoá và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của địa phương. Vĩnh Phúc lại nằm trên tuyến đường giao lưu kinh tế trọng điểm trong khu vực đo đó việc tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch sẽ thuận lợi hơn.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực

Ngoài hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo phong phú, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch là nhu cầu cần thiết, đặc biệt khi khái niệm du lịch xanh vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, quy hoạch không gian công cộng, xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông, năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan phải đảm bảo được tính đồng bộ, đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách, đặc biệt là hệ thống thông tin các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch… Công tác đào tạo và phát triển nhân lực cần được đẩy mạnh để tương xứng với yêu cầu phát triển của ngành, bảo đảm chất lượng đầu ra đối với cán bộ, nhân viên quản lí, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch và hội nhập quốc tế. Cơ sở đào tạo cần xây dựng tiêu chuẩn căn bản, từ tiêu chuẩn đó áp dụng đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực. Cần quan tâm nhiều tới nhân lực quản lý và lao động có tay nghề cao, thực hiện đa dạng hoá phương thức đào tạo, khuyến khích đào tạo tại chỗ và tự đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đưa ra những quy hoạch chiến lược phù hợp có tầm nhìn lâu dài.

Quảng bá giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường

 Đầu tiên cần xác định thị trường khách tiềm năng sau đó tập trung khai thác quảng bá có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh, thương hiệu của du lịch Vĩnh Phúc như đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Du lịch Vĩnh Phúc cần tạo được thương hiệu riêng cho điểm đến của mình để tăng  phần độc đáo hấp dẫn du khách. Ứng dụng đa dạng và linh hoạt các công cụ xúc tiến để quảng bá thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc như quảng cáo, marketing trực tiếp, xúc tiến,hội chợ, …Cần phải sử dụng đa dạng các phương tiện xúc tiến theo hướng vừa sử dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất phim quảng cáo thương hiệu du lịch và lợi thế của mạng internet, vừa sử dụng các ấn phẩm quảng cáo truyền thống như bản đồ, tập gấp, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, sách ảnh hay tập ảnh quảng cáo du lịch nhằm tăng hiệu quả của hoạt động này. Ngoài ra du lịch Vĩnh Phúc cần tăng cường liên kết với các tỉnh bạn để tạo nên những tuyển du lịch xuyên tỉnh, tạo nhiều cơ hội lựa chọn hấp dẫn hơn cho du khách. Để thực hiện tốt chiến dịch quảng bá thương hiệu du lịch, sự tham gia của cả  ngành Du lịch, các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng từ nhân dân địa phương là không thể thiếu.

 

Thác Ba Ao – một địa điểm có nhiều tiềm năng khai thác du lịch

 Đổi mới nâng cao hiệu quả quản lí

Ngành du lịch cần đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn vào   các dịch vụ cụ thể, tích cực kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực và thương hiệu mạnh, phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở vùng nông thôn, khuyến khích xã hội hoá, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực liên quan của du lịch. Tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư vào du lịch Vĩnh; tăng cường hội nhập và nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu của du lịch Vĩnh Phúc trong khu vực.

 Phát triển du lịch Vĩnh Phúc theo hướng du lich xanh là phương hướng đúng đắn và cần thiết trong xu thế phát triển của thời đại. Du lịch xanh không chỉ giúp du lịch Vĩnh Phúc phát triển bền vững lâu dài, mà còn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào phát triển nền kinh tế địa phương.

Phùng Cúc

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *