Phát triển du lịch và vấn đề đồ lưu niệm tại Vĩnh Phúc

Khi nói đến phát triển du lịch, nhiều người chỉ liên tưởng đến việc phát triển dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi cho du khách, hay giới thiệu ra thế giới những cảnh quan (thiên nhiên hoặc nhân tạo…) Tuy nhiên, du lịch không chỉ có vậy. Bài viết này xin nêu một vấn đề khác, ít được chú ý hơn, nhưng thực tế lại góp phần rất lớn trong việc thu hút khách du lịch, cả cũ và mới, đó là quà lưu niệm
Những ai có dịp đi du lịch nước ngoài đều nhận thấy, các mặt hàng lưu niệm của họ rất độc đáo, phong phú và mang tính đặc trưng: Sư tử biển Singapore tháp đôi Malaysia, sân vận động tổ chim hay Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, AngkorWat Campuchia , tháp Eiffel Pháp, tháp nghiêng Pisa Ý, lật đật Petrushka Nga…


Trong cùng một quốc gia, mỗi vùng, miền lại có những món hàng lưu niệm mang đặc trưng riêng. Những biểu tượng này thường gắn liền với hình ảnh của một quốc gia, vùng miền; nhìn thấy biểu tượng là biết nó của quốc gia, vùng nào. Nói chung, đó là những hình ảnh “không đụng hàng”. Và tâm lý chung, du khách nào cũng muốn mua một món đồ lưu niệm để nhớ về một vùng đất mà mình đã đi qua hoặc nghỉ lại…
Rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã thất vọng khi muốn tìm mua quà lưu niệm. Ngay cả các hướng dẫn viên cũng thường lúng túng khi được du khách hỏi về vấn đề này, vì không biết nên giới thiệu những gì. Ở nhiều địa danh, công trình văn hóa, di tích nổi tiếng của chúng ta, chỉ thấy bày bán những tấm bưu ảnh đơn điệu như từ cách đây vài chục năm, hầu như không có những món đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác phỏng theo phong cảnh hay hình dạng các công trình này. Họa hoằn lắm mới thấy một vài món đồ mang hơi hướng “gợi nhớ”, nhưng lại được làm với chất lượng kém và mỹ thuật giản đơn.

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Con người và vùng đất nơi đây đã để lại một kho tàng di sản văn hoá phong phú và đặc sắc, đó là một tài sản vô giá của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc. Bên cạnh những di chỉ khảo cổ ở Lũng Hoà, Đồng Đậu, Thành Dền… khẳng định Vĩnh Phúc là một trong những vùng đất cổ, là trung tâm của nước Văn Lang xưa, nơi đây để lại nhiều di tích lịch sử và di sản văn hoá, tạo nên một nét độc đáo riêng.


Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà… Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu…
Chúng ta cũng đang phát triển du lịch dựa trên thế mạnh này. Nhưng những món quà gắn liền với danh lam thắng cảnh ấy thì hầu như không thấy, hoặc nếu có thì cũng rất đơn điệu và kém chất lượng. Vài ba chiếc nón lá, những chiếc áo thun mang các dòng chữ Tây Thiên, Tam Đảo… đâu thể níu chân khách du lịch, cũng không phải là một cái gì đó cụ thể gợi nhớ về Vĩnh Phúc.

Đã đến lúc cần một chiến lược phát triển quà lưu niệm được xây dựng và triển khai rộng khắp, đi cùng với chiến lược phát triển du lịch. Tương tự như một món ăn, dù thịnh soạn cỡ nào nhưng nếu thiếu một chút gia vị đặc trưng thì cũng khó để lại ấn tượng cho thực khách. Mục tiêu phát triển du lịch Vĩnh Phúc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chắc chắn không thể thiếu sự đóng góp của hàng lưu niệm mang những đặc trưng địa phương cả về vai trò quảng bá hình ảnh du lịch cũng như tăng doanh thu của toàn ngành.

Nguyễn Hảo

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *