Phát triển du lịch thời đại 4.0

Trong thời gian qua, khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào?
Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau thông qua internet làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, giảm sự phụ thuộc vào con người trong các công việc thực thi.


Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, du lịch là một trong những lĩnh vực cần mau chóng áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Giải pháp ứng dụng CNTT sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ 3 nhóm đối tượng chính là khách du lịch, nhà cung cấp dịch vụ và người quản lý. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ ứng dụng CNTT mạnh hơn nữa với việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển chính quyền điện tử, đổi mới môi trường phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Việt Nam có số lượng người dùng Internet tăng nhanh, là thuận lợi lớn cho doanh nghiệp tham gia du lịch trực tuyến. Rất nhiều người trẻ trước khi quyết định đi du lịch đều tìm hiểu thông tin về nơi đến trên mạng, sau đó đặt vé, phòng và các dịch vụ khác thông qua internet. Đặc biệt, xu hướng của giới trẻ trong nước hiện nay thích du lịch trải nghiệm đến những nơi diễn ra các sự kiện lớn được quảng bá trên phim ảnh, mạng xã hội. Đối với du khách nước ngoài thì việc sử dụng các ứng dụng CNTT khi đi du lịch càng phổ biến hơn. Theo số liệu điều tra khách du lịch quốc tế đến năm 2017 của Tổng cục du lịch. Có 71% du khách có tham khảo thông tin điểm đến trên internet, 64% có đặt mua dịch vụ trên mạng trong chuyến đi đến Việt Nam.
Các hệ thống khách sạn cao cấp, thương hiệu quốc tế và các hãng hàng không ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh khá thành công. Tuy nhiên bên cạnh đó, hầu hết các đối tượng khác liên quan đến hoạt động du lịch như: doanh nghiệp lữ hành, điểm vui chơi giải trí và các đơn vị vận chuyển đều còn nhiều hạn chế. Đối với các doanh nghiệp lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Viet Media Travel, Vietnamtourism…. đều tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh du lịch với sản phẩm phong phú, có thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, các dịch vụ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc khi thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam lại là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu quốc tế khai thác. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử, các OTAs thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Trivago.com, hotel.com đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, gotadi.com, vntrip.vn,… Các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.

Điện thoại di dông và máy tính là công cụ hữu hiệu 

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các điểm đến, khu du lịch đã có những web giới thiệu thông tin dịch vụ với đầy đủ hình ảnh, nhưng chủ yếu bằng tiếng Việt và ít có nội dung cốt truyện thuyết minh. Việc quảng bá trên các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả với các điểm đến. Chưa xây dựng các ứng dụng di dộng giới thiệu điểm tham quan, đặt phòng khách sạn,kết nối giao thông. Dịch vụ cung cấp đường truyền internet không dây miễn phí tại điểm đến mới chỉ cung cấp tại Khu du lịch Tam Đảo. Nhìn chung việc ứng dụng CNTT trong du lịch tại Vĩnh Phúc còn chưa thực sự phát triển, chưa đáp ứng được hầu hết các nhu cầu sử dụng của du khách.
Để cải thiện những hạn chế còn tồn tại và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong du lịch, các cơ quan quản lý cần nhận thức được tầm quan trọng và phải thích ứng kịp thời với sự thay đổi hành vi của du khách. Có chính sách thông tin quảng bá, giảm tập trung tại các trung tâm, tạo thuận lợi tiếp cận các điểm đến phụ cận. Phát triển và hoàn thiện các phần mềm ứng dụng cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp thông tin và tương tác hiệu quả giữa du khách, khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý. Phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực sự hội nhập, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thời gian tới cần dành ưu tiên đầu tư cho CNTT bao gồm cả phần cứng và phần mềm, trong đó xây dựng, hoàn thiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong kinh doanh và marketing, bao gồm cả tăng cường nguồn lực đội ngũ nhân sự CNTT. Song song với đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, đảm bảo độ chính xác, tin cậy về thông tin, các sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội và sức mạnh của quảng cáo; Đầu tư xây dựng website có giao diện thân thiện với smart phone, tăng cường tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động; Số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn – Big Data…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và lan tỏa trên phạm vi rất rộng như hiện nay, ngành Du lịch cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng vừa có nhiều cơ hội, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Bởi vậy rất cần sự quyết tâm thay đổi của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh du lịch để du lịch Vĩnh Phúc có sự phát triển đột phá không tụt lùi so với các địa phương trong khu vực.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *