Phát triển du lịch tham quan mô hình sản xuất tiềm năng và thách thức

     Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm thực tế tại các mô hình sản xuất nông nghiệp đang trở thành xu thế thu hút đông đảo người dân. Hình thức du lịch này không chỉ thu hút các bạn trẻ mà còn dành cho các thành viên trong gia đình ở mọi lứa tuổi. Loại hình du lịch trải nghiệm được nhiều người yêu thích cũng bởi vì đi du lịch mà không bị gò bó theo một chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng và tham quan như đi du lịch truyền thống. Khi đến thăm quan các cơ sở sản xuất, du khách không đóng vai trò là “khách” nữa mà họ sẽ trở thành những người “chủ” thực sự, trực tiếp hòa mình vào đời sống của người dân địa phương thông qua các hoạt động lao động như đan rổ rá, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch hoa màu, thậm chí là sinh hoạt và ăn uống như một người dân bản địa, hòa mình cùng thiên nhiên thơ mộng, núi rừng hùng vĩ. Chính những điều này sẽ giúp du khách có thêm những góc nhìn khác về cuộc sống, mang lại những trải nghiệm vô cùng khó quên đối với tất cả mọi người. Quan trọng hơn, hình thức du lịch này sẽ góp phần gắn kết du khách với các mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Gốm Hương Canh

     Vĩnh Phúc là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: chế biến gỗ gia dụng, mây tre đan, rèn, chế biến đá, gốm mỹ nghệ … Trong số này, không ít làng nghề có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm, bởi các làng nghề vẫn còn lưu giữ được các phong tục tập quán, di tích lịch sử – văn hóa và sản xuất ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Những làng nghề như: gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng, mây tre đan Triệu Đề…đã đón một số đoàn khách đến tham quan thậm chí còn trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, khách rất vui mừng khi tự tay tạo ra một số sản phẩm như: rổ, rá, dần, lọ gốm… Tuy không khó nhưng để tạo ra được các sản phẩm đẹp phải cần có sự tỉ mẩn và chuyên nghiệp. Chứng kiến quy trình tạo ra một sản phẩm vất vả như vậy du khách sẽ trân trọng hơn những vật dụng này. Sau những lần khách đến du lịch trải nghiệm, các sản phẩm của làng nghề được người dân biết đến nhiều hơn, từ đó lượng cung ứng sản phẩm ra thị trường cũng cao hơn. Chúng tôi tìm đến gia đình cụ Lưu Đình Cung, 73 tuổi, nổi tiếng là thợ lâu năm có tay nghề trong làng mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch). Vào mùa này gia đình cụ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng đôi bàn tay cụ vẫn thoăn thoắt, vừa chẻ nan đan, cụ vừa trò chuyện: “Ở đây, mọi người đều làm được cả, từ đứa trẻ lên 8 lên 9 tuổi đã biết đan rồi”.Theo cụ Cung, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Mỗi chiếc rá, rổ được hoàn chỉnh cũng phải qua trên dưới chục công đoạn như pha tre, tề nan, chẻ nan, vót nan, đan, giát, mết, cạp… tất cả được làm thủ công. Một điều đặc biệt ở đây là mỗi hộ chỉ làm chuyên một mặt hàng. Hộ chuyên thúng, hộ chuyên rổ, rá… Vì chuyên sâu như vậy nên sản phẩm làm ra rất đẹp, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

Mộc Bích Chu

    Mô hình sản xuất chăn nuôi cũng thu hút du khách không kém, các đoàn du khách đến tham quan Làng rắn Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường), Công ty TNHH Ong Tam Đảo đều thực sự ngỡ ngàng và tò mò thích thú. Tại đây du khách được trực tiếp tham gia vào quy trình chăn nuôi và chế biến rắn, lấy mật ong tùy theo nhu cầu của mỗi người dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên cùng chủ các cơ sở sản xuất. “ Cảm giác tò mò, lo âu, sợ sệt sẽ nhường chỗ cho sự thú vị, vui vẻ sau khi kết thúc hành trình, đó là những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ …” một du khách đã chia sẻ như vậy khi đến thăm trang trại rắn Vĩnh Sơn.
     Thêm một sự lựa chọn nữa cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm mô hình sản xuất là các cơ sở trồng và thu hoạch thanh long ruột đỏ – huyện Lập Thạch. Nằm cách Vĩnh Yên khoảng 30 km, các vườn trồng thanh long ruột đỏ tập trung xung quanh tại các xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ của huyện Lập Thạch. Đến Vân Trục, bạn sẽ thấy dọc hai bên đường là những vườn, đồi được phủ kín một màu của thanh long ruột đỏ. Thăm khu vườn thanh long của hộ gia đình bà Duyên, được coi là một trong những vườn thanh long rộng nhất trong vùng, với diện tích khoảng 6ha, với hơn 4000 cây. Bước vào vườn, du khách chắc chắn sẽ thích thú bởi lần đầu được nhìn thấy khu vườn thanh long được trồng đều tăm tắp, chạy ra xa khuất tầm mắt, phủ kín cả sườn đồi. Chia sẻ với chúng tôi bà Duyên cho biết: Từ khi trang trại được mở đến nay, hàng năm đón hàng trăm lượt khách du lịch ở các tỉnh về tham quan, trải nghiệm. Tại đây, những vị khách này sẽ trở thành những người nông dân thực sự khi không còn những bộ quần áo sang trọng hay những bộ váy đầm, thay vào đó là những bộ quần áo đơn giản, rộng rãi, trải nghiệm những buổi chăm sóc hay thu hoạch và cùng thưởng thức những quả thanh long tươi ngon và từ đó quảng bá hình ảnh của trang trại đến người dân trong và ngoài tỉnh. Sau khi ghé thăm khu vườn trồng thanh long, du khách có thể đi một vòng quanh hồ Vân Trục để ngắm cảnh hồ. Hồ Vân Trục được đánh giá là một trong những hồ lớn nhất Vĩnh Phúc, rộng khoảng 180 ha, phong cảnh hoang sơ, thiên nhiên rất thoáng đãng và trong lành. Đây là một địa điểm câu và thư giãn nghỉ ngơi rất lý tưởng.
Những tiềm năng là vậy mà làng nghề, mô hình sản xuất đó chưa thực sự là điểm đến thường xuyên của khách du lịch, chưa mang lại lợi nhuận cho người dân và địa phương vì đa phần còn nhỏ lẻ và tự phát, các sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu, không phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống chưa có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế của du khách.
    Vậy để các nông trại, làng nghề trở thành điểm đến thường xuyên cho du khách thì cần sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, cộng đồng cư, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn… trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

KIM DUNG 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *