Những kỷ niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh với khu du lịch Tam Đảo

Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta đã 50 năm. Trong suốt 50 năm qua và mãi mãi, lòng mỗi người không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị anh hùng của dân tộc, người lãnh tụ thiên tài của Đảng, người Bác kính yêu và là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trong không khí cả nước hướng về 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm của Bác đối với Vĩnh Phúc nói chung và với Khu du lịch Tam Đảo nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Sau 3 năm tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, Vĩnh Phúc đã thu được thắng lợi khá toàn diện. Với những thành tích đạt được, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là tỉnh thuộc loại khá của miền Bắc về cải tạo xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, năm 1963, tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được đón Bác hai lần. Lần thứ nhất, Bác về thăm Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: “..mỗi đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…”. Trong lần thứ hai, Bác có chuyến thăm và công tác tại Khu nghỉ mát Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Người đã tới thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh sáng ngày 16- 7- 1963 và đã chúc cán bộ đảng viên tỉnh nhà: “Các cô, các chú làm được nhiều để cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”. Lời của Bác trở thành nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc hăng hái sản xuất, công tác, xây dựng và tổ chức tốt cuộc sống. Vào năm 1968, khi tuổi đã cao, sức khoẻ kém, Bác vẫn có chuyến công tác lên Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Đó là chuyến công tác lên Vĩnh Phúc cuối cùng của Người. Tuy nhiên, theo yêu cầu công việc đây là chuyến đi công tác hoàn toàn bí mật. Không có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc, không có ảnh ghi lại chuyến đi này.

Bác tại Khu du lịch Tam Đảo

Tam Đảo được biết đến không chỉ là danh thắng nổi tiếng, một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà ở đó còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử – văn hoá có ý nghĩa của dân tộc Việt Nam. Từ những năm 1904, người Pháp đã phát hiện ra tiềm năng du lịch và  xây dựng, lúc đó gọi là “Trạm nghỉ mát mùa hè Tam Đảo”, nhằm phục vụ cho những quan chức người Âu ở Bắc Kỳ. Phải mất trên 30 năm xây dựng, khu nghỉ mát Tam Đảo mới cơ bản hoàn thành gồm gần 200 biệt thự lớn, nhỏ của tư nhân, khách sạn, nhà hàng, trạm bưu điện, nhà thờ, khu vui chơi, đường dạo, đồn binh và các hạ tầng như điện, nước, đường lên, xuống.

Bác thăm công trình ông trình phục vụ chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947 – 1949. Trong thời kỳ này, Tam Đảo đã bị phá trụi, trở nên hoang tàn. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đầu năm 1955, Chính phủ đã giao nhiệm vụ tái thiết Khu nghỉ mát Tam Đảo cho Bộ Kiến trúc đảm nhiệm. Ngay từ mùa xuân 1955, hàng trăm công nhân lao động đã tới Tam Đảo để bắt đầu nhiệm vụ nặng nề là làm sống lại nơi nghỉ dưỡng mà người Pháp đã mất gần 40 năm đầu tư cùng hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu để tạo dựng nên. Điều bất ngờ và xúc động đối với cán bộ và công nhân viên công trường tái thiết khu nghỉ mát Tam Đảo là đúng ngày sinh lần thứ 65 của Bác (ngày 19- 5- 1955), Bác đã lên thăm Tam Đảo. Đây là lần đầu tiên Bác đến thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh trên vùng đất Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Nơi Bác đến là công trình phục vụ chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã giúp ta xây dựng nền công nghiệp tại miền Bắc sẽ lên nghỉ mát cuối tuần. Bác ân cần thăm hỏi, động viên anh chị em kỹ sư, cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường sẽ làm sống lại vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh.

Khu nhà gỗ Giao Tế bác thường nghỉ mỗi lần đến Tam Đảo

Những lần Bác đến Tam Đảo đều ở ngôi nhà gỗ ở khu Giao tế tại lưng chừng núi. Khu này có 2 ngôi nhà gỗ chung một kiểu kiến trúc, cách nhau chừng 30 mét. Phía sau nhà số 1 có căn hầm bằng bê tông do công binh ta đào để trú ẩn tránh chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Hầm khá dài, gấp khúc, có hệ thống điện chiếu sáng và cánh cửa sắt dầy che chắn. Phía trước nhà số 2 có cây ổi và chiếc ghế bằng xi măng.  Thời kỳ chưa có chiến tranh, Bác lên Tam Đảo thường nghỉ tại ngôi nhà này. Buổi sáng sớm và chiều tối Bác thường ngồi nghỉ dưới gốc cây ổi hoặc trên ghế đá đọc sách, báo hoặc chuyện trò với cán bộ Trung ương, cán bộ Chính Phủ, cán bộ địa phương, cán bộ chiến sỹ bảo vệ cùng đi với Bác. Sau này, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Bác lên Tam Đảo, các đồng chí phục vụ mời Bác nghỉ ở nhà số 1 cho gần hầm trú ẩn hơn. Hiện nay, hai ngôi nhà gỗ đã không còn nữa, chỉ còn lại căn hầm trú ẩn. Cảnh quan Khu Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tam Đảo vẫn đủ điều kiện để tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị, phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống.

Tam Đảo ngày nay

Tam Đảo đang tiếp tục phát triển để xứng đáng với những lời căn dặn của Bác lúc sinh thời. Trong thời chiến cũng như thời bình, Đảng bộ và nhân dân Tam Đảo luôn có những đóng góp xứng đáng vào thành công của tỉnh, của đất nước. Khu du lịch Tam Đảo ngày nay đã trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh, với nhiều khách sạn lớn nhỏ, nhiều dịch vụ du lịch phục vụ hàng vạn lượt khách mỗi năm.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *