Một ngày trên đất Sông Lô

Sông Lô là một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc được tách từ huyện Lập Thạch cuối năm 2008. Với địa hình có đủ sông, núi, hồ nên cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đa dạng, có cả một hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Sáng Sơn, thác Bay, hồ Bò Lạc, rừng cò Hải lựu,… không chỉ thế huyện Sông lô còn là một huyện có truyền thống cách mạng lâu đời, là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như: cụm di tích chùa tháp Bình Sơn, di chỉ gò Hội, gò Đồn, gò Sỏi, gò Đặng; di chỉ Chùa cổ Kim Tôn có niên đại cách đây trên 600 năm, nay được xây dựng thành Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức mang giá trị tâm linh to lớn… Du lịch khám phá Sông Lô đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.. Việc khai thác và phát triển tiềm năng du lịch và nhân văn của huyện vẫn luôn được các cấp chính quyền và nhân dân chú trọng. Vừa qua, Trung Tâm Thông tin và xúc tiến Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát kết hợp tham quan ba điểm đến nổi tiếng núi Sáng – Thác Bay, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, tháp Bình Sơn thuộc hai xã Đồng Quế – Lãng Công và thị trấn Tam Sơn.. 

Đoàn dừng chân tại thác Bay 

Hành trình đến với núi Sáng thật không dễ dàng. Đoàn chúng tôi khởi hành từ 7 rưỡi sáng bắt đầu từ trung tâm thành phố Vĩnh Yên, sau gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ đi xe máy tạm xa nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt rồi qua những cánh đồng lúa mới trải dài bát ngát nên thơ nơi thôn quê, dưới cái nắng gần 36°C đã bắt đầu gay gắt của thời tiết đầu hè, chúng tôi đã đến địa phận núi Sáng. Cảnh vật gần như còn nguyên vẻ hoang sơ của tạo hóa, núi liền núi hùng vĩ cao vời vợi, hai bên đường từng đàn bướm đủ màu sắc sặc sỡ bay lượn thật hút mắt, cây cối xanh mướt um tùm tạo bóng mát rủ xuống con đường mòn nhỏ xua đi cái nóng bức ngày hè, làm chúng tôi như được tiếp thêm tinh thần đến với Thác Bay. Sau khi gửi xe dưới chân núi, chúng tôi leo ngược theo đường suối lên thác, con đường đến thác quả thật là một thách thức phù hợp với những du khách ưa thích khám phá, mạo hiểm, nó đòi hỏi sức khỏe, bền bỉ, kèm chút dũng cảm nữa vì địa hình suối, đồi núi có chút gập ghềnh, khó đi, có nơi còn do mưa bão nước xối làm sạt lở, đất đá còn chưa cố định được vị trí, phải vừa đi vừa dò xem đá có vững hay không để tránh bị trượt ngã. Vượt qua hai thác nhỏ sẽ đến ngọn thác thứ ba chính là Thác Bay. “Choáng ngợp” đó là cụm từ để diễn tả cảm xúc của nhiều người khi đến ngọn thác kì vĩ này. Thác Bay hiện lên sừng sững giữa ngọn núi cao, nước đổ từ độ cao hơn 30 mét, đổ thẳng xuống ghềnh đá rồi dội xuống tạo nên âm thanh vang dội cả một góc trời. Khi dội xuống nước cuốn một luồng không khí theo đến tận chân thác. Tại đây, dòng nước và khối không khí chia đôi. Nước chảy xuôi dòng còn khí thì cuộn ngược tạo thành một luồng gió tạt vù vù ra chung quanh, giống như cơn lốc kèm theo mưa bay. Có điều, những hạt mưa ở đây lại không rơi từ cao xuống như thông thường mà thốc ngược từ dưới lên khiến cỏ cây, hoa lá và cả người đứng quanh dễ bị ướt. Không khí mát lạnh, trong lành đến khó tả. Luồng khí kèm hơi nước đặc biệt này, khiến cây lá, áo người, tóc người đứng cạnh cũng tung bay… Tên gọi “thác Bay” có lẽ vì thế mà được đặt cho thác. Khác với sự hùng vĩ của ngọn thác, dưới chân thác Bay lại là hồ nước trong veo như mắt mèo, nước sạch và mát lạ thường. Liền kề đó là một thác nước nhỏ chảy hiền hòa cùng những bậc tam cấp tự nhiên làm nên một bức tranh đối lập đầy lí thú. Theo người trông xe ở đây, vào cuối tuần, thời tiết thuận lợi thì có khoảng 3,4 đoàn phượt  đến thác, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ như 30/4, 1/5, 2/9 thì số lượng các đoàn phượt có thể gấp 2,3 lần. Người dân quanh vùng rất có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, lại nhiệt tình chỉ đường và giúp đỡ du khách khi đến với Sông Lô, vì vậy mà Thác Bay đã để lại ấn tượng đẹp về cả bầu không khí trong lành, thoáng đãng, cảnh quan hoang sơ kì vĩ và con người thân thiện, lịch sự, trở thành địa điểm đáng khám phá khi đến Vĩnh Phúc.

Đường lên thác Bay cây cối hoang sơ 

Tạm biệt Thác Bay, chúng tôi quay ngược trở lại đến địa điểm Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức. Đường lên thiền viện rộng rãi, trải bê tông rất dễ đi. Cảm nhận đầu tiên khi đến thiền viện là sự bình yên, tĩnh tâm giữa không gian cao xanh, tĩnh mịch, u huyền nơi cửa Phật. Đến đây, chúng tôi còn bắt gặp nhiều cư sĩ( những người đến học tập giáo lý Thiền tông), họ nói tìm đến chùa để tạm xa những áp lực, những gánh nặng và xô bồ của cuộc sống, giảm đi những ưu tư muộn phiền của con người: tham, sân, si. Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được xây dựng trên nền di tích chùa Kim Tôn – một ngôi cổ tự đã có trên 700 năm tuổi. Chùa cổ Kim Tôn được xây dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần, trải qua thời gian dài, cùng sự tàn phá của chiến tranh nên toàn bộ kiến trúc chùa Kim Tôn đã trở thành phế tích nhưng còn lưu giữ được nhiều di vật gốm sứ cổ có niên đại từ hàng trăm năm.

Thiền viện trúc lâm Tuệ Đức

Trúc Lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền chính tông được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp “bối sơn diệp thủy”, khuôn viên rộng, không khí trong lành sạch sẽ, xung quanh ngôi chính điện của thiền viện được ba quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này vút tầm mắt ra xa là hồ Bò Lạc xanh biếc lung linh bóng núi. Từ một ngôi chùa đã bị đổ nát theo tháng năm, ngày nay một ngôi thiền viện khang trang đã được hình thành – Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức. Hiện tại, thiền viện đang hoàn thành nốt một số công trình phụ còn dở dang. Nơi đây hứa hẹn sẽ là trung tâm Phật học của khu vực và là trọng điểm về du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái của huyện Sông Lô. 

Cảnh thanh tịnh chốn linh thiêng

Rời khỏi Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, chúng tôi đến với địa điểm cuối cùng của cuộc hành trình – tháp Bình Sơn, từ thiền viện đến tháp chỉ cách 6 km. Từ xa xa chúng tôi đã thấy thấp thoáng ngọn tháp uy nghi, sừng sững. Tháp Bình Sơn là niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Phúc và của cả dân tộc Việt Nam, một di tích cấp Quốc gia độc đáo hiếm có, một di sản văn hóa bất hủ lừng lững trường tồn cùng năm tháng. Đến đây, chúng tôi có dịp nghe người dân kể lại nhiều câu chuyện thú vị về ngôi tháp. Như lời tương truyền, thì ngày xưa tháp có tới 15 tầng, trên đỉnh tháp là búp hoa sen rất đẹp. Tuy nhiên trải qua thời gian dài hiện nay tháp chỉ có 11 tầng, cao 16,5m. Tháp được xây hình vuông, nhỏ dần khi lên cao. Mặt ngoài tháp được ốp gạch vuông, phủ kín, và trên đó đều có trang trí hoa văn rất phong phú như rồng, sư tử…với những đường nét tinh tế, khỏe khoắn… Đế tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau nên với những ai đến lần đầu đều có cảm giác như tòa tháp này mọc trên một bông sen lớn. Xung quanh các tầng là những hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch, cứ thế nhỏ dần lên tầng thứ 11, điểm chung là tất cả các tầng đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn đặc sắc như cánh hoa cúc, sóng lượn, hoa chanh,… Điểm đặc sắc nhất của những nét chạm khắc ở đây chính là hình rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, lưng vây có răng cưa rất bệ vệ, bên cạnh đó là hình sư tử vờn cầu. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời Lý – Trần (thế kỷ XII – XIII). Ngọn tháp Bình Sơn đã gần ngàn năm tuổi, vẫn uy nghi thi gan cùng tuế nguyệt. Màu gạch nung qua bao năm tháng, nắng gió vẫn tươi rói, không một gợn rêu phong. Phải chăng sức sống bền bỉ, thách thức thời gian của ngọn tháp nổi tiếng này đã thu hút du khách tìm về du lịch tham quan, rồi lại lưu luyến nhớ tháp Bình Sơn khi rời gót.

Tháp Bình Sơn 

Hiện tại, tháp đang được tu bổ, sửa chữa và xây dựng thêm một số công trình xung quanh để tạo khuôn viên cảnh quan đẹp mắt và thu hút hơn. Sau khi được nhà nước công nhận là di tích  quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015, hình ảnh tháp Bình Sơn càng được quảng bá rộng rãi tới du khách gần xa, thu hút nhiều lượt khách tới chiêm ngưỡng và nghiên cứu về những tinh hoa, đặc sắc của ngôi tháp cổ này. Tháp Bình Sơn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của người dân nơi đây, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Nhận thức được giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… của tháp Bình Sơn, càng tự hào về mảnh đất quê hương Tam Sơn, người dân cùng chính quyền địa phương luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ ngôi tháp.

Chuyến khảo sát chỉ gói gọn trong vòng 1 ngày nhưng tất cả các thành viên trong đoàn đã có thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm về tuyến điểm đã đi, thu thập được nhiều thông tin tài liệu, mang về được nhiều bức ảnh có giá trị để quảng bá xúc tiến du lịch và đặc biệt là những kiến thức bổ ích phục vụ cho công việc chuyên môn góp phần trong việc khai thác mở ra các tour tuyến điểm du lịch mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút du khách đến với Vĩnh Phúc, đặc biệt là đến với huyện Sông Lô trong thời gian tới.

ÁNH NGUYỆT

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *