Khu du lịch sinh thái – vườn cò Hải Lựu

Vườn cò Hải Lựu thuộc thôn Dừa Lễ – Hải Lựu – Sông Lô – Vĩnh Phúc, cách trung tâm huyện lỵ (thị trấn Xuân Hoà) khoảng 17km về phía Đông Bắc. Là một phần còn sót lại của rừng Hải Lựu trước đây, được một gia đình trong thôn bảo vệ, quản lý và có chim, cò bắt đầu về làm tổ từ năm 1958.

Khu du lịch vườn cò Hải Lựu có ý nghĩa và giá trị về mặt khoa học trong hệ sinh thái rừng thấp được bao bọc bởi các con sông với chức năng luân chuyển năng lượng và chất dinh dưỡng của môi trường. Vườn cò còn là nơi thu hút khách thăm quan du lịch, nơi giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho mọi người, nơi con người và thiên nhiên dễ hoà nhập gắn bó với nhau. 

Tổng diện tích khu vực Vườn cò là 15ha, trong đó khu vực chim, cò làm tổ là 7 ha. Độ cao mặt nền vườn cò so với mặt nước biển là 70m. Địa hình vùng sân chim là đồi núi thấp dần đến vùng bán sơn địa nằm cạnh sông Lô. Nhiệt độ hàng năm của khu vực thay đổi theo mùa, trung bình hàng năm là 28 độ C, lượng mưa trung bình hàng năm 1650mm.

Vườn cò Hải Lựu chiếm một nguồn tài nguyên động thực vật quan trọng và hấp dẫn của huyện Sông Lô cũng như của Vĩnh Phúc. Một số loài chim, cò làm tổ ở đây chiếm ưu thế về tính đa dạng di truyền, gồm các loài như cò lửa, cò lửa lùn, cò bợ, cò ruồi, cò xanh…Mùa sinh sản của các loài chim phụ thuộc vào sự đến sớm hay muộn của mùa mưa, chất lượng cây mà chúng làm tổ và nguồn thức ăn. Sự bắt đầu và kết thúc của mùa sinh sản đối với mỗi mùa diễn ra vào những thời gian khác nhau. Thực vật ở vườn cò hiện nay là những cây thuộc hệ sinh thái rừng còn sót lại do hậu quả của việc khai phá đất làm nông nghiệp như: Tre, trám, xoan, trẩu, sung, nhãn….Đây là những cây chim dùng để làm tổ, trong đó cây tre là cây có nhiều loài chim làm tổ nhất do loài cây này thường mọc thành bụi, có thân dẻo tạo thuận lợi cho chim làm tổ.

Những năm vừa qua do ý thức bảo vệ, khai thác của người dân quanh vùng cũng như của chủ vườn kém, nguồn thức ăn trong vùng giảm mạnh, hoạt động săn bắn vẫn tiếp diễn, kinh phí không nhiều nên việc bảo vệ, phát triển vườn chim chủ yếu là bằng kinh nghiệm nông dân, thiếu sự tham gia của khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc chim non và nghiên cứu đặc tính sinh sống của các loài chim, sự phát triển chỉ mang tính duy trì bảo tồn nên làm giảm đáng kể hệ sinh thái trong vườn. Ngoài ra hoạt động kinh tế chưa được quy hoạch, quản lý đầy đủ, diện tích ao hồ cũng như nhiều cánh đồng ngập nước vốn là khu vực kiếm ăn của các loài chim bị thu hẹp gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của các loài chim.

Hiện nay đã có quy hoạch tổng thể khu du lịch vườn cò nhằm đánh giá cụ thể tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm sinh thái của khu vườn cò và xung quanh vườn cò. Xác định thời gian tập trung số lượng và biến động số lượng các loài chim trong mùa sinh sản và tập tính kiếm ăn để bố trí các loại hình du lịch hợp lý. Thống kê, đánh giá thành phần thực vật trong vườn được chim chọn làm tổ để có những biện pháp phát triển rừng. Nghiên cứu đặc tính sinh lý của các loài chim và tập tính kiếm ăn của các loài chim để có biện pháp đào ao, hệ thống kênh mương tạo ra vùng sinh thái ngập nước thường xuyên để tôm cá sinh sôi làm mồi cho chim và tạo ra một môi trường sống hoang sơ như chính cuộc sống vốn có của loài chim. Hỗ trợ về kinh nghiệm, kinh phí cho chủ vườn trong việc chăm sóc chim non bị thương do rơi xuống đất vì gió bão và chim già bị mắc câu do hoạt động săn bắn. Xây dựng một vùng đệm quanh vườn cò, đảm bảo khoảng cách an toàn cho việc sinh sống của hệ động thực vật trong vườn. Quy hoạch trên đây cùng với quyết tâm làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ cho loại hình du lịch sinh thái đang được phần đông du khách lựa chọn. Chắc chắn khu vườn cò Hải Lựu sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách./.

 

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *