Một thoáng Đầm Dưng

Vĩnh Phúc là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, với rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đến Vĩnh Phúc để thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây mà chưa đến được Tam Đảo,Tây Thiên hay Đền thờ Hai Bà Trưng… thì thật đáng tiếc và còn tiếc hơn nếu chưa được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của Đầm Dưng.

 

Đầm Dưng – Tứ Trưng – Vĩnh Tường

Đầm Dưng thuộc xã Tứ Trưng cách thị trấn Vĩnh Tường 2 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm Thành Phố Vĩnh Yên 20km về phía Tây Nam. Theo tài liệu ghi lại Đầm Dưng là do dòng sông Kỳ Giang đổi dòng tạo nên. Hiện nay diện tích Đầm còn khoảng 330 mẫu. Buổi sáng thức dậy được dạo quanh Đầm Dưng ta sẽ được tận hưởng mùi thơm ngan ngát của hương Sen, được thả mình và hít thở bầu không khí trong lành đã được thanh lọc bởi “ một cái điều hòa khổng lồ” của Đầm Dưng như làm ta quên đi mọi mệt mỏi của một ngày bộn bề công việc. Gió quện vào với hương Sen thoang thoảng bên Đầm tạo ra một hương vị rất riêng như một đặc trưng của vùng đất này.

Song gió Đầm Dưng không phải lúc nào cũng tĩnh lặng có khi ào ạt làm mặt nước xao động, tạo ra những lớp sóng xô bờ đến dữ dội, bọt tung trắng xóa. Cũng có khi mặt nước Đầm Dưng phẳng lặng nhìn như một tấm thảm lớn bao quanh Đầm. Nước Đầm Dưng trong xanh quanh năm. Và điều lạ lùng là, theo lời kể của người dân nơi đây nước Đầm chưa bao giờ cạn đến tận đáy. Chỉ vào mùa hạ, khi nắng nóng gay gắt và hạn hán lâu ngày thì nước có vơi đi chút ít. Những lúc ấy người dân có thể dễ dàng đánh bắt được rất nhiều hải sản.

Một điều lạ nữa là không biết từ bao giờ ở giữa lòng Đầm Dưng lại nổi lên một gò đất lớn mà người dân quen gọi đó là một “ốc đảo” nhỏ của Đầm. Mùa hè nắng gắt mà được đáp thuyền tới “đảo” thì thật tuyệt vời. Ngồi trên “đảo” mà thả tầm mắt nhìn quanh Đầm ta cảm như lạc vào một vùng đất nào rất hoang sơ của thời tiền sử.

Xung quanh Đầm là những hàng cây xanh mát rượi, trải dài bao quanh lấy Đầm. Tĩnh tại để thả hồn vào với thiên nhiên Đầm Dưng ta được nghe những âm thanh ríu rít của các đàn chim gọi nhau về tổ, những đàn cò trắng về trú ngụ trên những bụi tre ven Đầm. Buổi chiều đến Đầm Dưng không tĩnh lặng mà sôi động bất ngờ, người ta ngỡ rằng nơi đây như một bãi tắm của một vùng biển nào đó của nước ta. Rất nhiều người đã đến đây để được đắm mình vào dòng nước mát, được đi trên bãi cát trắng tinh lấp lánh. Nằm trên chiếc phao bơi, bồng bềnh cùng những con sóng lăn tăn của Đầm Dưng ta ngỡ mình như quên mọi vất vả của đời thường. Đầm Dưng thật sự đẹp khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời như “lòng đỏ trứng gà” đang từ từ xa xuống mặt Đầm làm ta có cảm giác như Đầm Dưng đang ôm choàng lấy mặt trời vào lòng mình để làm nguội đi cái nắng như thiêu như đốt của một ngày mùa hạ.

Đến Đầm Dưng để được ngồi trên một con đò nhỏ nhỏ bằng gỗ với cây sào tre rất dài có thể đưa du khách đi xung quanh Đầm. Lúc đó sẽ thả sức mà nhìn ngắm phong cảnh làng quê yên ả. Đâu đó là những giếng nước bắng đá trong veo, mùi hăng của đỗ, lạc, mùi thơm của lúa nếp vừa gặt…

Đến với Đầm Dưng một lần, không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình nơi đây mà còn được ghé thăm và tưởng niệm Đền thờ danh tướng Nguyễn Văn Nhượng ( hay còn gọi là Đền Đức Ông). Đền thờ Đức Ông nằm ngay trên bờ Đầm Dưng. Theo sử sách xưa có ghi: Năm 1176, thời Lý Cao Tông, danh tướng Nguyễn Văn Nhượng đã xuất trận đánh tan giặc Ai Lao xâm lược, gìn giữ non sông, được vua ban cho nhiều ấn tín. Lúc Ông mất được vua cho xây lăng và lập đền thờ phong Đông Kinh Thông Phán Đại Vương Thượng Đẳng. Đến thăm Đền du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di vật quý hiếm như: đồ gỗ, di vật giấy, đồ xứ, đồ đồng, di vật đá…


Đền thờ Đức Ông – Tứ Trưng

Đắm mình cùng với phong cảnh nơi đây, lặng mình trước danh tướng xưa, nhưng khi ra về du khách có thể đem theo về những món quà quê có ở chợ Dưng, cũng nằm ngay bên cạnh bờ Đầm. Thật tuyệt vời với sự kết hợp của Đầm – Đền – Chợ đã tạo nên một cảnh quan vô cùng quý giá của một vùng đất Tứ Trưng “ Địa linh nhân kiệt”. Một thoáng Đầm Dưng để rồi nhớ mãi.

Minh Tuyên

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *