Lễ hội Đúc Bụt xã Đồng Tĩnh

Sáng ngày 10 tháng 02 năm 2011 (tức mùng 8 tháng giêng năm Tân Mão), tại Thôn Phù Liễn xã Đồng Tĩnh – Tam Dương – Vĩnh Phúc diễn ra Lễ hội Đúc Bụt tại đình làng Phù Liễn. Đông đảo du khách và nhân dân địa phương về tham dự.

 

Lễ  hội “Đúc Bụt” là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian truyền tích Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Nữ tướng đã ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chúa Phù Liễn, dạy dân biết: Sĩ – Nông – Công – Cổ.

Tham gia hội “Đúc Bụt” gồm: Chủ lễ, chủ trò, một vị sư, một ông giáo, 5 học trò, thợ cày cấy, phục vụ…khoảng 30 người trực tiếp diễn trò. Các công việc chọn người, chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ… được dân làng chuẩn bị kỹ càng, chu đáo trước tết âm lịch để ăn tết xong cả làng sẽ vào lễ hội.

 

 

 

Đúng ngày 08 tháng giêng âm lịch, ngay từ sáng sớm, tất cả dân làng và các vùng xung quanh đã nô nức tập hợp về khu vực sân đình, Ban tế làm lễ tế thần tại đình, sau 3 tuần tế, ông chủ tế xin âm dương và phân công quan viên đi đúc Bụt, các quan viên cùng dân làng chuẩn bị xôi, trầu cau, chiếu… và những người đã được lựa chọn tham gia các tích trò cùng 3 thanh niên đã được lựa chọn kỹ tiến ra ao (hoặc ruộng) đã tát cạn hết nước từ hôm trước, tới nơi 3 thanh niên tự xuống ao, lấy bùn trát kín toàn thân, sau đó quan viên sẽ dùng một sợi dây buộc ngang một phần ba (theo chiều rộng) chiếc chiếu cói, rồi để phần dưới chụp lên đầu mỗi Bụt một chiếc, sau đó quan viên và dân làng làm lễ rước Bụt về đình.

 

 

Khi đoàn rước Bụt về tới đình, 3 Bụt sẽ chạy nhanh vào khoảng trống ở sân đình đã được định sẵn, quay mặt vào giữa cửa đình, xung quanh nhân dân quây thành một vòng tròn có đường kính khoảng 15m, tất cả các tích trò đều được diễn ra ngay trong vòng tròn đó, trong tiếng chiêng trống, hò reo vui vẻ của cả biển người.

 

 

Trong quá trình diễn trò, thi thoảng 3 “Bụt” ở giữa vòng tròn được 2 người phụ nữ đem xôi, trầu bón cho nhưng chỉ bón nhử mà thôi. Khi các tích trò diễn ra liên tục khoảng 40 – 45 phút, nhà Sư sẽ xuất hiện gieo quẻ xin âm dương, khi được, ông thợ Đúc lập tức cầm 3 chiếc chiếu trùm “Bụt” ném ra ngoài và đạp vỡ nồi nấu đồng. Đồng thời 3 thanh niên làm khuân Bụt nhanh chóng chạy biến ra ngoài kết thúc trò diễn, nhân dân reo hò tranh nhau cướp chiếu. Tương truyền ai cướp được chiếu, nhất là chiếc chiếu có bó mạ xanh trên đầu thì chắc chắn năm đó vợ chồng họ sẽ sinh con trai. Buổi chiều, các trò chơi phụ trợ được tổ chức đến tối gồm thi đấu bóng chuyền, cờ tướng…

Lễ hội “Đúc Bụt” là một hình thức văn hóa dân gian truyền thống, tồn tại và phát huy cho đến nay, nhằm ôn lại truyền tích đẹp về “Đức Bà”, song song và phụ trợ cho tích truyện đúc Bụt trong lễ hội cũng diễn ra các trò hài, các cuộc thi đấu thể thao cờ tướng nhằm rèn luyện trí tuệ, nâng cao thể lực, sức khỏe, tạo thêm sự vui vẻ phấn chấn trong lao động, sản xuất, tất cả đã tạo nên phẩm chất đẹp của người Việt và trở thành bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam./.

Kim Dung – XTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *