Lễ hội chợ Dưng

Nằm cách thị trấn Vĩnh Tường 2 km về phía Tây Bắc. Cách trung tâm Thành phố Vĩnh Yên 20 Km về phía Tây Nam.

 

Tứ Trưng là một xã có lịch sử văn hiến lâu đời, tên cũ được dân gian gọi là kẻ Dưng bởi nơi đây có đầm Dưng, chợ Dưng, bên cạnh đó là ngôi đền thờ Đức Ông, nơi lưu giữ rất nhiều các di vật lịch sử quý giá.

Cứ vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm lễ hội đền thờ Đức Ông được tổ chức rất long trọng, tất cả nhân dân trong vùng và khách thập phương đều về đây để dự lễ hội và làm lễ tưởng niệm Đức Thánh Ông và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình bên bờ đầm Dưng. Xong phần lễ là đến phần hội tổ chức các trò chơi như bắt chạch trong chum, đánh đu, đánh vật, bơi, đánh võ, đánh cờ người, múa hát rất vui. Đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng nên người dân mới có câu: “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Dưng”, là vì thế.

Cũng cần nói thêm nơi đây có truyền thống hiếu học có rất nhiều người đỗ tú tài cử nhân, tiến sĩ, đặc biệt, có một gia đình có 3 tiến sĩ nên mới có câu:

“Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy”.

Tạm dịch: Một thời, một triều đại 1 gia đình đỗ 3 tiến sĩ và một ngày có 2 tiến sĩ về vinh quy bái tổ (Các ông đó đều được khắc tên trên bia đá ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội).

Nếu ai đã một lần về quê hương Tứ Trưng, Đầm Dưng là nơi có tiềm năng về du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử văn hoá đền Đức Ông chắc hẳn đều biết đền thờ Danh tướng dưới thời Lý Cao Tông 1176 Nguyễn Văn Nhượng, ông đã có công đánh giặc Ai Lao giữ gìn biên ải bình định non sông được vua Lý Cao Tông ban cho nhiều ấn tín, lúc ông mất được vua cho xây lăng và lập đền thờ phong Đông Kinh Thông Phán Đại Vương Thượng Đẳng phúc thần hưởng theo nghi lễ quốc thể.

Đền được làm bên bờ sông Kỳ Giang bây giờ gọi là “Đầm Dưng”. Các triều đại đều có sắc phong tặng ông là bậc Đại Vương bậc Thượng Đẳng Tối Linh Từ. Kiến trúc của đền được làm rất đẹp được khắc chạm chổ rất nhiều hoa văn tinh tế, về các đề tài như Rồng, Phượng, Kim nghi long mũ quạt giấy… vô cùng phong phú, nó phản ánh lên ước vọng của một cuộc sống đầy đủ, thanh bình của nhân dân lúc bấy giờ, đồng thời cũng phản ánh lên các tập tục tín ngưỡng của nhân dân. Hiện đền còn lưu giữ rất nhiều những di vật quý hiếm như:

+ Đồ gỗ: Có hoành phi câu đối ghi 5 chữ (Thượng Đẳng Tối Linh Từ ), có một bộ Bát bảo và nhiều những đồ quý khác.

+ Di vật giấy: Có ba cuốn Ngọc phả và 13 đạo sắc phong ông Nguyễn Văn Nhượng là “Phúc Thần Đại Vương’’.

+ Đồ Sứ: Có bát nhang, choé đựng nước và nhiều đồ quý có hoa văn rất sinh động.

+ Đồ đồng: Có cây đèn đồng, cây nến đồng, chuông đồng trên thân ghi niên hiệu Tự Đức thập tứ niên 1860.

+ Di vật Đá: Có 3 di vật bằng đá hiện đang thờ trong hậu cung. Dân gian chuyền lại rằng khi ông mất bên bờ sông Kỳ giang xuất hiện 3 hòn đá, nhân dân mang về thờ, hiện đang thờ trong hậu cung bây giờ. Đền Đức ông nằm bên bờ đầm Dưng, tài liệu ghi lại rằng Đầm Dưng có là do dòng sông Kỳ Giang đổi dòng tạo nên. Đầm rộng khoảng 330 mẫu là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản cho cả vùng đầm, còn có tác dụng điều hoà không khí rất tốt, xung quanh đầm có nhiều cây cối mát mẻ, giữa đầm có một hòn đảo nhỏ tạo cho cảnh quan của đầm trong lành sinh động thuận tiện cho việc hưởng ngoạn nghỉ ngơi du lịch.

Đứng trên đảo khi chiều đến, mặt trời dần tắt bóng để lại những vệt đỏ trên mặt đầm gợn sóng lung linh. Từng đàn chim gọi nhau về tổ, những con cò trắng về trú ngụ trên những bụi tre ven đầm tạo cho đầm có một cảnh quan lý tưởng.

Nếu ai đã từng về Tứ Trưng mà chưa một lần bơi thuyền du ngoạn trên mặt đầm để tận hưởng cái ngan ngát của hương lúa, cái ngạt ngào của hương sen, được thả hồn mình tận hưởng làn gió mát trong lành của

“Hương đồng gió nội” trên mặt đầm thì thật là tiếc.

Du khách về đây không những tận hưởng cảnh đẹp của đầm mà còn được đến với chợ Dưng một chợ lớn trong vùng giáp với đầm Dưng, hàng hoá vô cùng phong phú, du khách tới đây được trao đổi mua bán hàng hoá và được thưởng thức món ăn thuỷ sản của vùng quê nơi đây.

Thật là tuyệt vời Đầm – Đền – Chợ hoà quyện vào nhau tạo nên một cảnh quan vô cùng quý giá nơi nghỉ ngơi hưởng ngoạn lý tưởng cho du khách về đây. Về hiện tại thì vậy song về tương lai nơi đây còn cần có sự quan tâm đầu tư tôn tạo quy hoạch để nơi đây thực sự là điểm du lịch sinh thái lý tưởng để thu hút du khách về đây dự lễ hội nghỉ ngơi khi mỗi độ xuân về.

Đào Xuân Kỷ (CTV)

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *