Đình Thổ Tang
Đình làng Thổ Tang được tạo dựng từ thế kỷ XVII. Trải qua bao thăng trầm, đình vẫn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê. Đình thờ vị danh tướng Lân Hổ, người có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Tương truyền, theo lệnh Vua Trần, Lân Hổ đã dẫn quân lên vùng Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) lập phòng tuyến, bày binh bố trận, chỉ huy quân sĩ chiến đấu bảo vệ kinh đô Thăng Long. Hiện nay suốt một dải từ Dục Mỹ- Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường – Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đều có di tích thờ tướng Lân Hổ, trong đó, đình Thổ Tang là trung tâm để tổ chức lễ hội cùng những trò diễn, hèm tục tưởng niệm về vị tướng tài và cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta thời Trần.
Lễ hội truyền thống có hội thi các ông Đô, thi dưa hấu và các trò diễn xướng dân gian nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi và trồng trọt. “Ông Đô” là những con lợn được kén giống và được nuôi sao cho thật béo để đem đi tế thần. Và khi mổ thịt cúng thần, làng phải kén trai tân mới được chọc tiết. Ngoài phần thịt để cúng lễ, thịt các Ông Đô được chia biếu các giáp trong làng.
Cũng trong dịp này tại chùa Tùng Vân (thị trấn Thổ Tang) đã tổ chức Lễ Hội Chùa lần 2 và Lễ Khai Chuông. Cách đây 80 năm, nhân dân nơi đây đã tổ chức Lễ Hội Chùa lần thứ nhất và Lễ Đúc Chuông (1929). Theo thời gian, ngôi chùa bị xuống cấp; với sự hỗ trợ của các cấp, lòng thành tâm hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp, các phật tử trong và ngoài tỉnh và nguồn đóng góp công đức tôn tạo của đông đảo nhân dân thị trấn Thổ Tang, sau 2 năm kể từ khi khởi công ngày 20/1/ Mậu Tý (2008) đến nay các hạng mục công trình chính như khu nhà Tam Bảo, khu Tiền Đường, khu Tam Quan, khu Nhà Khách đã được tôn tạo mới và đưa vào sử dụng. Ngày 25/6/2009 nhà chùa cùng nhân dân trong thị trấn đã tiến hành ngày hội đúc chuông mới, quả chuông đã được đúc xong có trọng lượng 1,1 tấn. Tiếng chuông vang lên trong ngày hội xuân trước niềm vui khôn xiết của đông đảo nhân dân nơi đây báo hiệu một cuộc sống an lành, hạnh phúc./.
Ngọc Phương – XTDL