Có thể nói, lễ hội chọi trâu tại Hải Lựu – Sông Lô, Vĩnh Phúc cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng của nhà Triệu là Lữ Gia rút quân về vùng Hải Lựu để tổ chức chống giặc. Sau mỗi chiến thắng, ông lại cho tổ chức trọi trâu để động viên quân sĩ rồi giết thịt để khao quân. Lễ hội từng có thời gian bị gián đoạn do chiến tranh và nhiều lý do khác; Đến năm 2002 mới được khôi phục lại nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của một lễ hội cổ.
” Dù ai đi đâu về đâu
nhớ ngày mười bảy chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
tháng giêng mười bảy thì về chọi trâu “
Ngày 01/3/ 2010 (tức 16 tháng Giêng), Lễ hội chọi trâu xuân Canh Dần chính thức được khai hội; tới dự có đồng chí Trần Ngọc Tư – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị và hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đã đến xem và cổ vũ. Năm nay có 25 trâu (thường được người dân gọi là “ông cầu”)đại diện cho 19 thôn và các đoàn thể trong xã tham gia thi đấu. Những ông cầu dũng mãnh này phải đảm bảo các tiêu chí về khoáy trâu, độ mở của sừng, mình trắm, da trê, khoẻ mạnh, thường là trên 9 tuổi; có xuất xứ từ Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hoá… được nuôi dưỡng và huấn luyện rất cẩn thận.
Ngay trong ngày khai mạc, 13 kháp đấu (cặp đấu) của các ông cầu đã cống hiến cho khán giả nhiều pha đánh hay, những trận đấu đẹp. Sau mỗi pha đánh nảy lửa hay những cú ra đòn hiểm khán giả lại cổ vũ náo nhiệt như tiếp thêm sức mạnh cho những ông cầu. Trận đấu thường kết thúc khi có trâu không đủ sức hoặc không chịu nổi cú đòn hiểm mà quay đầu bỏ chạy; màn rượt đuổi của trâu thắng trận khiến người xem phấn khích vỗ tay tán dương náo nhiệt. Năm nay Ban tổ chức thực hiện việc bắt trâu trong sân đấu ngay sau khi phân thắng thua. Việc bắt trâu không hề đơn giản khi hai trâu đang đuổi nhau; nhiều trâu khi bị che cờ vào mắt rồi vẫn hăng máu đuổi theo đâm cả vào hàng rào và chỉ chịu ngoan ngoãn khi chủ luồn được thừng vào mũi dắt ra.
Một trong những nét đặc trưng của Hội chọi trâu Hải Lựu là tất cả những trâu sau khi chọi đều được giết thịt; khi ra về du khách thường mua một ít đem về ăn lấy may. Người dân quan niệm rằng, ăn thịt trâu chọi sẽ mang lại may mắn và có được sức khoẻ “như trâu”. Trâu chọi thường được nuôi với chế độ đặc biệt nên thịt ngọt và ngon hơn trâu thường rất nhiều. Trâu chọi được giết thịt và bán trong một khu được quy định nằm gần ngay sân UBND xã để đảm bảo cho du khách mua đúng thịt trâu chọi. Thịt trâu chọi năm nay thường có giá từ 350.000 đến 400.000 đồng/kg; trâu càng vào vòng trong thì giá càng cao hơn, riêng trâu vô địch lên tới 1.500.000đ/kg mà du khách vẫn tranh nhau mua hết.
Vòng chung kết đã kết thúc vào ngày hôm sau tức 17 tháng Giêng. Kết quả, ông cầu số 16 của chủ trâu Hà Văn Tước – Thôn Thắng Lợi đã vượt qua các đối thủ khác để giành giải vô địch với phần thưởng là 25 triệu đồng; Đứng thứ nhì là trâu số 25 của ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Dừa Cả với giải thưởng là 20 triệu đồng và giải ba là trâu số 07 của ông Nguyễn Văn Quý, Hội Nông dân xã Hải Lựu với phần thưởng là 15 triệu đồng.
Hội chọi trâu năm nay; công tác quảng bá cho lễ hội được chú trọng hơn những năm trước, công tác vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. An ninh được tăng cường nên không còn cảnh chen lấn xô đẩy. Mong rằng Lễ hội chọi trâu Hải Lựu ngày càng phát triển và giữ được những nét đẹp văn hoá, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương đến với Sông Lô nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung./.
Đỗ Giang – XTDL