Nhắc đến văn hóa phi vật thể Vĩnh Phúc chúng ta không thể quên điệu hát Trống quân Đức Bác – Sông Lô. Một nét sinh hoạt văn hóa đã tồn tại lâu đời và gắn bó với người dân nơi đây như một di sản được truyền từ đời này sang đời khác.
Đức Bác bây giờ – Đức Liệp – kẻ Lép ngày xưa – một làng ven sông Lô là nơi có một địa hình hết sức đa dạng, gồm cả gò đồi, ruộng đầm và bờ bãi. Người dân nơi đây hiền lành, chất phát, quanh năm suốt đời lấy “nông vi bản” gắn bó cùng nương bãi ruộng đồng, con trâu, cái cày, gieo trồng, cấy hái. Miếng cơm manh áo là nỗi lo thường trực suốt tháng quanh năm. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, thì cũng chính nơi đây lại rộn rã nhất, náo nức nhất, đông vui nhất, dập dìu yếm thắm khăn điều, vang vang tiếng trống quân… trong ngày hội làng khiến sóng nước Lô giang cũng như xao xuyến, hứng khởi và đón đợi…
Cuộc sống đời thường lam lũ vất vả, nhưng một năm Đức Bác có ba kỳ lễ hội. Kỳ thứ nhất vào ngày mồng một tháng hai âm lịch, gọi là tiệc “khai xuân cầu đinh”. Ngoài lễ vật hương hoa, người làng còn làm hình một cái âm vật bằng mo cau để ở đền Thánh bà và một cái dương vật bằng gỗ vông để ở đền Thánh ông. Chiều tối mùng 1 tổ chức rước hai “vật giống” ấy về đình. Trước cuộc hát thờ có tục làm hèm; đó là chạm hai vật giống ấy vào nhau ba lần rồi đặt lên ban làm lễ yên vị. Kỳ lễ hội thứ hai diễn ra vào ngày mùng 1 tháng sáu âm lịch, gọi là lễ hội “hạ điền cầu nước”. Trong lễ hội có bơi chải, làng còn chọn người bơi sang kẻ Nổi (nay là xã Phượng Lâu – Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi kết nghĩa với làng để lấy nổ nước và mấy con mạ về cấy xuống đồng nhà làm phép. Kỳ lễ hội thứ ba của Đức Bác diễn ra vào ngày trung tuần tháng tám âm lịch ở đền Thánh ông. Trong tiệc cầu phải có gỏi cá làm lễ vật chính. Và lễ hội nào cũng luôn tưng bừng những trò vui. Tuy nhiên, trong ba kỳ lễ hội ấy, chỉ có lễ hội “khai xuân cầu đinh” là không thể thiếu những canh hát trống quân, hát xoan rộn rã. Ngay từ chiều mùng một tháng hai âm lịch, trong không khí nhộn nhịp của lễ hội, làng đã cử một số người gồm cả các bậc trung niên và những chàng trai trẻ khăn áo chỉnh tề ra bờ sông Lô chờ đón phường Xoan về hát.
Chuyện kể rằng, có một lần lũ sông Lô đổ ồ ạt hung dữ đã lấy đi một phần đất của Kẻ Lép (tên gọi của xã Đức Bác bây giờ) cắt sang bên Phù Ninh (nay là xóm Thép xã Phù Ninh – huyện Phù Ninh – Phú Thọ). Rồi một ngày kia, cô con gái cả Vua Hùng đi thuyền rồng xuôi dòng Lô giang, rồi đi mãi không về. Bốn cô gái quê Phù Ninh đang độ tuổi tròn trăng đi hái dâu tằm bị dòng nước lũ cuốn trôi. Và chuyện kể về một cô bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên theo Bà Trưng đi đánh giặc (nàng tự xưng là Nương công chúa). Thắng giặc trở về nàng bỗng hoá trên phần đất của kẻ Lép bên bờ sông Lô. Thấy thiêng quá, dân kẻ Lép sang bên Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ. Phải chăng từ đó hai làng ven sông là Phù Ninh và Đức Bác có quan hệ nước nghĩa, để hàng năm người Đức Bác đón người Phù Ninh sang sông làm lễ tế thờ Tứ Vị cô nương cầu hạnh phúc, bình an.
Từ những tích đó, mãi về sau này, người ta đặt tên hội là Lễ hội Khai xuân cầu đinh (hay còn gọi là hát trống quân Đức Bác) diễn ra 3 ngày đầu tháng Giêng vào năm làng mở tiệc. Theo thường lệ, ngày mùng Một Tết, đợi đến giữa Ngọ, các chàng trai Đức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ vai đeo trống kéo nhau ra bến quán đón đào sang hội. Điệu hát được đệm bằng trống nhỏ mặt da, tang gỗ có dây đeo bằng lụa hồng. Cuộc giao đối đôi bên diễn ra liên tục suốt từ bến quán đến làng Xốm, rồi về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc.
Điều thú vị, lôi cuốn của hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu. Họ chuyển động chậm theo những khúc hát đẩy đưa, trong những vòng tròn của những chàng trai Đức Bác quanh những cô đào Phù Ninh. Song, trong cái triền miên của những khúc hát trao tình ấy, người ta vẫn nhận ra kết cấu chặt chẽ của tổ chức ca hát. Đó là nội dung khác nhau của mỗi chặng hát. Tức là cuộc hội ngộ bằng những câu hát đối đáp khéo léo, tình ý của đào và kép. Và sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát “kia hởi a trống quân” giống như sự khẳng định nguồn cội, sự phân chia tuần tự, không đứt quãng giữa đôi bên. Đây là chặng hát mang tính giao đãi mở đầu toàn cuộc.
Có thể nói, hát trống quân Đức Bức đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây như một nét văn hoá truyền thống tinh thần bền lâu. Suốt hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển, trống quân Đức Bác trải qua biết bao dấu tích thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Khi đền thờ Tứ Vị cô nương đã bị thực dân Pháp thiêu rụi trong trận đánh trên sông Lô năm 1947 nên người dân không còn nơi thờ tự. Kể từ đó, cái âm thanh nhịp điệu, lời ca trữ tình của trống quân Đức Bác đã dần trôi vào quên lãng
Năm 2002, khi Viện Âm nhạc Việt Nam trở lại Đức Bác tìm hiểu, phục dựng lại diễn tiến của lễ hội thì người ta mới được nghe lại những khúc hát ân tình, đưa đẩy này. Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc mà trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) rất quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đến công tác tu bổ, tôn tạo và khôi phục lại các giá trị văn hóa. Mới đây UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Hát trống quân những năm gần đây tuy đã quay trở lại với đời sống sinh hoạt tinh thần người dân Đức Bác. Tuy nhiên, do một số hạn chế và khó khăn chung của địa phương, nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể không hiệu quả: Kinh phí hoạt động cho việc này của địa phương còn hạn hẹp. Lớp trẻ trong làng hiện này không còn mấy mặn mà với điệu hát này nữa. Hiện nay chưa có quy hoạch phát triển tổng thể trên lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Vĩnh Phúc. Trong nhiều năm qua “chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa” về sưu tầm và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành ở tỉnh chưa có hệ thống và thiếu tính khoa học nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực này còn ít về số lượng, trình độ chuyên môn chưa cao. Lãnh đạo các cấp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể… Sợ rằng, trong thời gian không xa nữa, điệu hát trống quân Đức Bác sẽ chỉ là ký ức sâu đậm khi lớp nghệ nhân già qua đi. Phần lớn những ca từ của hát trống quân Đức Bác hiện giờ cũng chỉ được chép lại từ trong trí nhớ của 3 nghệ nhân còn sống là cụ Nguyễn Văn Phấn, Triệu Thị Chĩ và Triệu Thị Dung; Tuy nhiên các cụ tuổi đều đã cao.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của loại hình nghệ thuật dân gian này, góp phần xây dựng nền văn hóa Vĩnh Phúc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tạo ra một loại sản phẩm du lịch văn hóa có thể thu hút du khách, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Trống Quân Đức Bác cần được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và được làm sống lại một cách sinh động và hấp dẫn trong cuộc sống thường ngày, trở thành một điểm đến không thể thiếu trong cuộc hành trình khám phá Vĩnh Phúc của mọi du khách./
Nguyễn Hảo