Tín ngưỡng thờ thần ở Tam Đảo

Tín ngưỡng thờ thần, một trong những thành tố của văn hóa tinh thần phổ biến của con người. Cũng như các thành tố khác của văn hóa tinh thần, tín ngưỡng thờ thần phải được bắt nguồn và chịu ảnh hưởng của điều kiện sống vật chất của con người.


Tín ngưỡng thờ thần, một trong những thành tố của văn hóa tinh thần phổ biến của con người. Cũng như các thành tố khác của văn hóa tinh thần, tín ngưỡng thờ thần phải được bắt nguồn và chịu ảnh hưởng của điều kiện sống vật chất của con người.


Tam Đảo, một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi mà cuộc sống mưu dinh của con người dựa nhiều vào đồi rừng, do đó, văn hóa tinh thần sẽ có những nét khác biệt so với vùng đồng bằng châu thổ. Để thấy rõ điều này, ta sẽ tìm hiểu qua tín ngưỡng thờ thần của huyện Tam Đảo.

Theo thống kê năm 1938, năm 1939 của Viện Viễn đông Bác cổ (Pháp) theo kết quả thống kê của phòng VH – TT huyện Tam Dương (cũ) và huyện Tam Đảo, cùng kết quả khảo sát thực tế của bản thân cho thấy: huyện Tam Đảo hiện nay có 37 vị thần được thờ trong 27 di tích đình, đền.

Căn cứ vào nguồn gốc, chức năng cai quản của các vị thần chúng ta có thể phân chia các vị thần thành 2 loại đó là: thần có nguồn gốc tự nhiên – nhiên thần và thần có nguồn gốc con người – nhân thần, có nghĩa là những người sau khi chết đi đã được dân làng thờ cúng.

Thần có nguồn gốc tự nhiên:

Thành phần các vị thần có nguồn gốc tự nhiên rất phong phú bao gồm: thần là linh hồn của các ngọn núi, thần trông coi cai quản núi – thần núi; thần có nguồn gốc từ các loại sống dưới nước, cai quản sông nước – thủy thần; thần là các loài muông thú, cây cỏ, các hiện tượng của tự nhiên…Theo thống kê, Tam Đảo có 25 vị thần có nguồn gốc tự nhiên chiếm 68% số thần được thờ trong huyện.

Trong số các nhiên thần, các thần núi ở Tam Đảo là 23 vị chiếm 92% số nhiên thần. Qua con số trên cho ta thấy yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tâm linh của cư dân nơi đây. Khác với tỉnh khác của đồng bằng Bắc bộ và thậm chí là các huyện khác trong tỉnh, hệ thống thần núi ở huyện Tam Đảo đầu tiên phải nói đến là thần Tam Đảo Sơn trụ quốc mẫu Đại vương Thái phu nhân. Theo quan niệm âm dương thì thần núi Tản Viên thuộc dương tính còn thần núi Tam Đảo mang âm tính. Điều này bắt nguồn từ quan niệm của người Việt cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng – nơi nằm giữa hai ngọn núi Tam Đảo và Tản Viên, hai ngọn núi này được coi như núi cha – Tản Viên, núi mẹ – Tam Đỏa trấn ngự vùng trung châu thổ của đất nước. Vì thế, thần núi Tam Đảo là nữ thần, khác với các thần núi nơi khác là nam thần.

 
Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu
Cũng như các vị nhiên thần khác, cư dân nơi đây đã xây dựng cho vị thần của mình một lí lịch rất trần gian: Bà quê thôn Đông Lộ – xã Đại Đình. Phụ mẫu thân sinh của bà là ông Lăng Vĩ và bà Đào Liễu. Khi đã hơn 40 tuổi vẫn chưa có con, ông bà Lăng Vĩ lên cầu tự ở núi Tam Đảo mà sinh ra bà và đặt tên là Lăng Thị Tiêu. Lớn lên bà rất xinh đẹp, lại đức độ thông minh có tài thao lược. Bà đã giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc Ân, giải phóng đất nước. Vua ban cho chức tước, nhưng bà từ chối không nhận mà lại về quê Đại Đình để phụng dưỡng cha mẹ. Về già bà tạ thế và được phong làm Thượng đẳng phúc thần, hiệu là Tam Đảo Sơn trụ quốc mẫu.

Ngoài ra trong bài viết về thần ở đền Tam Đảo có viết thần họ Lăng tên là Tiêu, còn gọi là bà Cẩm Giang, người thôn Đông Lộ vốn do khí núi linh thiêng mà sinh ra không phải người thường thoát ẩn, thoắt hiện thiêng liêng khắp mọi nơi. Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người ở xã Vân Yến – huyện Đại Từ, họ Lưu tên là Chú, đêm nằm ở trong đền, được thần báo mộng về sau ứng nghiệm như lời thần phán bảo. Đền này nước cầu, dân cúng, tùy việc mà ứng nghiệm.

Bên cạnh thần núi Tam Đảo, hai vị thần núi Cao Sơn và Quý Minh cũng được thờ ở Tam Đảo. Đây là hai vị thần núi được thờ rất phổ biến trong tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và vùng đồng bằng bắc bộ nói chung. Qua đó cho thấy, bên cạnh nét riêng của mình thì tín ngưỡng thờ thần ở Tam Đảo vẫn mang nét chung tín ngưỡng thờ thần của người Việt.

Ngoài các vị thần núi, mang tính phổ biến có nguồn gốc rõ ràng trên, ở Tam Đảo còn nhiều vị thần núi khác mà chỉ duy nhất một làng thờ. Đó là nét đặc trưng riêng của người tín ngưỡng văn hóa từng làng.

Trong số nhiên thần, thần có nguồn gốc từ nước và cai quản sông nước chỉ có 2 thần chiếm 8% số nhiên thần. Với số liệu trên cho thấy, ảnh hưởng của sông nước đối với cư dân nơi đây không lớn.

Thần có nguồn gốc con người – Nhân thần

Số lượng nhân thần được thờ trong các xã ở Tam Đảo không nhiều, chỉ có 8 thần chiếm 22% số vị thần. Thần có nguồn gốc con người bao gồm: Thần là người có công lao đối với dân tộc, đất nước trong kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc như Trần Hưng Đạo – Đức thánh trần được thờ ở thị trấn Tam Đảo; nhưng cũng có những thần không xác định rõ công trạng có lẽ đó là những người khi sống không giúp ích gì cho dân làng nhưng khi họ chết đi, dân làng, dân làng bị một nạn dịch nào đó và nghĩ là người đó gây nên do vậy họ lập đền để thờ cúng.

Trong số nhân thần, thần là nữ giới có 4 thần chiếm 50% số nhân thần. Đây là điều khá đặc biệt trong tín ngưỡng thờ thần ở Tam Đảo. Vì nếu so cả nước cũng như của tỉnh nhà thì số lượng thần là nữ giới chiếm số lượng không nhiều (tỉnh là 20%), do ảnh hưởng của tư tửong trọng nam khinh nữ có nguồn gốc từ Nho giáo. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Nho giáo đến khu vực Tam Đảo không nhiều, vì vậy tư tưởng coi trọng nữ giới của cư dân nông nghiệp lúa nước vẫn in đậm trong tư tưởng của cư dân nơi đây.

Trong số 37 vị thần thờ ở Tam Đảo, tần suất xuất hiện là 57 lần. Trung bình mỗi thần xuất hiện 1,54 lần, tức là gần 2 điểm thờ cúng. Trong đó, đa số là các thần chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất, với 25 thần chiếm 68% số thần. Qua đó, cho thấy mỗi làng có một sắc thái riêng, mà biểu hiện rõ nét nhất ở đây là tín ngưỡng thờ thần. Điều này phù hợp với câu nói dân gian ” Đình làng nào làng ấy cúng, thánh làng nào làng ấy thờ” của cư dân nơi đây.

Trong các thần được từ 2 làng thờ trở lên, đứng đầu về số điểm thờ cúng phải nói đến thần núi Tam Đảo với 18 điểm chiếm 67% số điểm thờ cúng trong toàn huyện. Với số liệu trên cho ta thấy mức độ ảnh hưởng của vị thần này hay của dãy núi Tam Đảo tới đời sống không chỉ vật chất mà cả tâm linh của cư dân nơi đây. Đứng sau thần núi Tam Đảo về tần suất xuất hiện là vị thần Cao Sơn 5 điểm và thần Quý Minh 4 điểm thờ cúng. Như vậy, số thần được nhiều làng thờ cúng chủ yếu là sơn thần, do ảnh hưởng của môi trường sống tạo nên.

Trong số 37 vị thần thờ ở Tam Đảo, trước cách mạng tháng Tám 1945, chỉ có 19 vị thần có sắc phong của nhà vua, chiếm 51%. Trong số đó thần bậc Thượng đẳng là  6 thần chiếm 16%, thần bậc Trung đẳng không có, còn gọi là Tôn thần có 13 chiếm 35% số thàn và 68% số thần được  phong tặng. Với 19 thần được ban cấp sắc phong đã cho thấy không phải bất cứ vị thần nào các làng thờ cúng đều được nhà nước công  nhận. Qua đó, cho thấy sự phong phú, đa dạng trong nguồn gốc thờ thần ở Tam Đảo nói riêng và nước ta nói chung.

Tóm lại: ở Tam Đảo không làng xã nào không thờ thần. Mỗi làng ít nhất xây dựng cho mình một vị thần, làng nhiều có tới 7 vị thần. Dù vị thần đó là nhân thần hay nhiên thần, có công với đất nước hay khkông, miễn là dân làng thấy linh thiêng thì họ tôn thờ. Điều đó cho thấy, thần và tín ngưỡng thờ thần tồn tại và phổ biến trong đời sống tâm linh của mỗi người dân nơi đây.

Việc thờ thần, ngoài tỏ lòng biét ơn công lao của thần đối với dan tộc, đất nước và xóm làng, họ còn cầu mong thần linh che trở, bảo vệ cho dân làng trước thiên tai của tự nhiên  và xã hội đem đến. Đây chính là mục đích cao nhất của tín ngưỡng thờ thần. Vì theo quan niệm của người dân, thần linh có nhiều chức năng phép thuật, có thể cứu giúp, bảo ban che trở cho dân làng.

Trong tâm tưởng người dân, thần là toàn vẹn, là không khuyết điêm, tất cả những gì tốt đẹp đều hội tụ trong thần. Họ nhắc đến thần với toàn tâm kính trọng. Thần luôn ngự trị trong những gì tốt đẹp nhất trong ý thức con người. Vì thế, khi bước chân đến nơi thờ thần – chốn linh thiêng, họ đều tỏ rõ thái độ cung kính từ cử chỉ, ăn mặc chỉnh tề, đi đứng đàng hoàng, đến nói năng cũng nhẹ nhàng từ tốn. Tuy nhiên, thần ở Tam Đảo lại không quá xa lạ với con người mà có phần thân thiết, đồng cảm với con người. Vì thế nên ngườid ân nới đây đã xây dựng cho thần một lí lịch rất con người nếu thần là nhiên thần, tức là “phàm trần hóa” thần; còn nếu thần là nhân thần, họ lại tạo dựng cho thần có những điểm khác hẳn với người thường. Chính vì thế, nên thần vừa là người nhưng cũng không hẳn là người. Do vây, các thần “không đứng ngoài trần thế” mà “vẫn sống” xung quanh con người, theo dõi hoạt động của con người mà phù trợ ( hoặc trừng phạt) con người.

Thần do dân làng tạo, mang những đặc trưng riêng của làng xóm quê hương, mang dấu ấn của mỗi làng xã. Vì thế đối với người dân, việc tôn thờ cũng thể hiện lòng yêu quê hương làng xóm, yêu quý giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tín ngưỡng thờ thần sẽ giúp không chỉ cho người dân mà còn giúp  các cấp quản lý nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, như Nghị quyết Hội nghị BCH TƯ 5 khóa VIII của Đảng đề ra.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *