Tìm hiểu nghề thủ công truyền thống của người Cao Lan Vĩnh Phúc

Từ xưa người Cao Lan có lẽ không có nghề thủ công cao cấp đạt tầm mỹ nghệ mang tính hàng hoá mà chỉ có một số nghề thủ công đơn giản mang tính cộng đồng như nghề đan lát: Trong cộng đồng một vài thôn bản cũng xuất hiện một số người khéo tay đan lát (thường là đàn ông). Họ đan những đôi dậu (gọi là tọi sù) bằng nan cật nứa, dáng khác đẹp và công phu cho phụ nữ làm đồ gánh thóc, ngô nông sản từ nương đồng về. Nhu cầu về “tọi sù” này khá nhiều. Mỗi gia đình ít nhất phải có 2 – 3 đôi. Mỗi bản một năm cũng cần hàng trăm đôi không phải ai cũng biết đan, nên đã xuất hiện một số người khéo tay đan lát để bán hoặc đổi nông sản. Đương nhiên chúng trở thành một số vật dụng khác như: Thúng, cót, bồ, bịch đựng lương thực, phên phơi thóc, ngô, khoai, phên vách thưng nhà… một số loại dụng cụ bắt cá như: Nơm, nắn thón đơm cá (gọi là ăn chún tháng pa)… vì vậy đã xuất hiện nghề thủ công đan lát để cung cấp vật dụng gia đình cho cộng đồng.

Nghề thủ công thứ hai đáng kể là nghề dệt vải, thêu thùa. Người Cao Lan từ xưa đã biết trồng bông, hàng năm cùng với việc phát nương trồng lúa, ngô,  người phụ nữ Cao Lan còn phát thêm một vạt nương nhỏ để trồng bông dệt vải. Tháng 2 – 3 trồng hạt bông và thu hoạch bông vào tháng 6, tháng 7. Từ đó trong thời gian rảnh rỗi trong ngày (chủ yếu vào buổi tối) người phụ nữ Cao Lan không hề ngơi tay việc cán bông khéo sợi rồi dệt vải. Công việc này phải làm quanh năm để có váy áo mặc, chăn màn nằm đắp. Chiếc cán bông gọi là “ăn cáo” nhỏ gọn làm theo nguyên tắc trục quay ép cán. Họ dùng loại gỗ lõi bền chắc gồm đế và hai cọc đứng ép hình chữa “U” rộng, cao khoảng 30cm rồi gá hai thanh gỗ tròn song đôi nằm ngang khít nhau ở vị trí chiều cao 2 cọc 28 cm. Một đầu của hai trục ngang khoét thành hình múi khế xoắn tạo thành rằng ghép vào nhau. Đầu một trục tròn được xuyên qua cọc đứng phía thuận tay để gắn tay quay. Khi quay cả hai trục đều chuyền động như nguyên tắc máy ép mía. Một tay quay, một tay đưa bông vào cán, phần sợi bông lọt vào hai trục cán còn lại hạt bông. Việc cán bông này khá khó khăn, bông phải phơi thật khô, nếu ẩm ướt sợi bông sẽ bám chặt vào hạt không cán được. Công đoạn kéo sợi cũng không kém phần công phu. Chiếc xa quay kéo sợi gọi là “ăn công xi”, nguyên tắc cấu tạo cũng giống như chiếc xa quay kéo sợi của người Kinh, người Thái. Song một điều người quay xe kéo sợi cần phải có kỹ thuật cao. Nếu không sợi chỉ vải sẽ to thô không đều, không săn bền. Đưa vào dệt vải sẽ xấu. Làm xong phần kéo sợi đến công đoạn dệt vải. Khung cửi dệt vải của người Cao Lan khá phức tạp, được cấu tạo theo nguyên tắc cò nâng, đưa thoi bằng tay, chân đạp và tỏ mỉ. Nhì chung nó cũng giống như khung cửi người Tày, người Thái. Loại vải dệt là vải tấm khổ 30 – 35m dài vô tận… Đến nay khó tìm thấy đủ bộ đồ dệt vải từ các cán bông, guồng quay xa, khung cửi người cổ của người Cao Lan. Người ta còn đánh giá sự khéo tay thuỳ mị của người con gái – đàn bà qua tấm vải của họ dệt ra. Người giàu đi hỏi con dâu còn kiểm tra xem tay vải của cô gái tự dệt có đẹp hay không thì mới quyết hỏi làm con dâu.

Ngoài ra người Cao Lan còn có một số nghề thủ công khác như lò rèn nông cụ, vũ khí tự tạo… Nhìn chung nghề thủ công của người Cao Lan chủ yếu nhằm tự cung tự cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày rất phong phú đa dạng, mang bản sắc dân tộc độc đáo.

Tài liệu tham khảo:

1-      Văn hoá các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc – NXB khoa học và xã hội 2004

2-     Văn hoá Cao Lan – Lâm Quý

01/11/2011  

* Tác giả: Lâm Quang Hùng

* Hội KHLS & VHNT Vĩnh Phúc  * Trường THCS Minh Quang – Tam Đảo – Vĩnh Phúc

* Điện thoại: 0986.631.130 * 0211.6.333.197

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *