Đồng thời với việc củng cố mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, người Sán Dìu đã thiết kế ra những phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá cho phù hợp với đặc điểm của địa bàn cư trú. Trước yêu cầu đi lại giữa thôn này đến bản kia, ra đồng, lên nương đều đi bộ, còn việc thu hoạch sản phẩm, chuyên chở hàng hoá thì phải gánh, vác là chính (người Sán Dìu ít dùng ngựa thồ và gùi hàng hoá), trong hoàn cảnh đó, họ đã thiết kế ra một phương tiện vận chuyển truyền thống của dân tộc mình để chuyên chở, sản phẩm nông nghiệp như. Thóc lúa, ngô khoai, chuyên chở phân ra ruộng, nương, chuyên chở gỗ, củi từ rừng về đó là chiếc xe quệt (xe không có bánh)
Hình vẽ: Xe quệt dùng trâu kéo của người Sán Dìu
Chú thích: 1- Hai cây phía dưới làm đế,
2 – Hai cây trên tạo khung xe
3- Hai thang giằng khung xe
4- Đố giữ khung xe
5- Thanh giằng lên kết hai cây để tạo khung đầu xe
6- Đố dựng để tạo thành xe
7- Thanh giằng của hai cây đế phía trên đầu xe
8- Chốt để giữa thanh giằng cây đế của xe với càng xe (để lỏng)
9- Hai càng xe để lồng trâu kéo
10 – Khoẳm bắc vào vai trâu để kéo
11- Dây thường hãm khoẳm được lồng bằng dưới cổ trâu.
12- Thanh giằng ngang càng để hãm xe khi xuống dốc.
Nguyên liệu dùng để thiết kế chiếc xe quệt hoàn toàn bằng tre và gỗ, không có một tấc sắt nào được sử dụng vào kết cấu của xe quệt, các bộ phận của xe được liên kết với nhau bằng những thanh giằng để tạo thành khung xe, những đố và những thanh giằng đó được cắm chặt vào các lỗ đục suốt hoặc đục nửa, có chèn và có chốt rất chắc.
Ở miền trung du, địa hình thường pha trộn và tiếp giáp giữa vùng cao và vùng thấp, do đó sự đi lại vận chuyển hàng hoá phần nào cũng có những khó khăn nhất định. Việc nghĩ và thiết kế ra chiếc xe quệt (có thể gọi là một phát minh sáng chế) của đồng bào, đã đáp ứng giải quyết những khó khăn trước mắt vận chuyển và lưu thông hàng hoá. Xe quệt do một con trâu kéo, nó là phương tiện duy nhất di chuyển hầu hết ở mọi địa hình nơi đồng bào sinh sống. Khi chuyên chở thóc lúa, hàng hoá thì họ đan một cái sọt bằng nứa, kích thước to hơn bề mặt của xe một chút, họ để sọt (thùng trở hàng) gần giống bồ đựng thóc của người kinh, nhưng thành sọt thấp, lên xe quệt, lót bao tải, ni lông, đổ thóc lúa chất hàng lên sọt (phong làm) và kéo xe đi.
Khi chở phân ra đồng, họ cũng đan sọt (không đan dày mà thưa như rổ xảo) cho phân vào sọt, đặt lên xe kéo ra đồng, lên nương. Những khi đi vào rừng lấy củi thì bỏ sọt, củi được bó thành từng bó đặt trực tiếp lên xe kéo về. Như vậy từ xưa người Sán Dìu biết thiết kế ra xe quệt. Đó là một phương tiện chuyên chở, vận tải hàng hoá rất công dụng và tiện lợi, giúp cho người dân đỡ vất vả trong công việc vận chuyển hàng hoá. Tuy vậy chiếc xe quệt ngày nay không được sử dụng nữa và đã trở thành huyền thoại đối với lớp trẻ, mặc dù qua điều tra ở xã Đạo Trù, Yên Dương, Đại Đình huyện Tam Đảo ta thấy đồng bào sử dụng xe quệt trong một thời gian khá dài, từ xa xưa cho đến những năm 80 của thế kỷ XX.
Ngoài xe quệt, người Sán Dìu còn chế tạo ra một loại phương tiện vận tải nữa là chiếc xe trâu để chuyên trở hàng hoá. Xe trâu được làm bằng gỗ tấu, cấu tạo gồm hai càng xe, thùng xe (có sàn và hai thành xe), có ván tiền, ván hậu. Toàn bộ thùng xe được ghép bằng ván dài khoảng 2m. Hai bánh xe có thể làm bằng gỗ tấu, những vòng ngoài vành xe có bọc sắt (mà đồng bào quen gọi là xe trâu bánh sắt) hoặc dùng bánh lốp cao su mua ở ngoài chợ.
Hiện nay xe trâu (hoặc xe bánh sắt) vẫn được đồng bào sử dụng rộng rãi làm phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá.
Những phương tiện vận tải truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Ngày nay nhiều phương tiện giao thông cơ giới đã xuất hiện và dần dần từng bước thay thế phương tiện vận chuyển thô sơ như xe ô tô, công nông, xe máy, xe đạp làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá nhanh và nhiều, đáp ứng kịp thời sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, xây dựng đời sống kinh tế văn hoá phát triển ở vùng người Sán Dìu.
LÂM QUANG HÙNG
(Hội VHNT Vĩnh Phúc)